(Baonghean)Một trong những biện pháp kỹ thuật phổ biến nhất để xử lý và quản lý chất thải từ gia súc là xây dựng hệ thống biogas hay khí sinh học (KSH). Lượng chất thải trên nếu được đưa vào sản xuất biogas, sẽ cho 538.844.400m3 KSH/năm, tương đương 393.356.412 lít xăng, 3.340.835.280kWh điện hoặc 2.216.806 tấn gỗ củi (khoảng 1.705.235,385m3 gỗ). Đó là chưa kể Nghệ An còn có sản lượng lớn các loại thực vật và phế phẩm nông nghiệp có thể dùng để sản xuất KSH có chất lượng khá.

Biogas (còn gọi là KSH, khí đầm lầy), là một hỗn hợp khí có thể cháy được và khi cháy tỏa ra nhiệt lượng cao, được sinh ra từ sự phân hủy yếm khí các chất thải hữu cơ. Do vậy, mà chúng ta có thể chế tạo được một hệ thống để làm phân hủy phân chuồng, phân bắc và các loại phân hữu cơ khác nhằm thu khí biogas để sử dụng cho đun nấu gia đình. Làm biogas là một phương pháp xử lý chất thải hiện đại, ít tốn kém lại cho hiệu quả cao. Xây dựng hệ thống biogas còn mang lại rất nhiều lợi ích:

Công nghệ xây dựng hầm khí biogas ảnh 1

                           Đèn thắp bằng khí sinh học.Ảnh: C.S

- Bảo vệ được môi trường sinh thái, cải thiện vệ sinh môi trường: Cố định chất thải: các chất hữu cơ phức tạp biến đổi thành các chất vô cơ sẽ ít gây ô nhiễm cho môi trường đất hoặc nguồn nước nếu thải vào; diệt một số mầm bệnh ở chất thải đầu ra; không gây mùi hôi thối, ít hấp dẫn ruồi nhặng, côn trùng, tạo mối thân thiện giữa hộ chăn nuôi với hộ không chăn nuôi; bảo đảm vệ sinh chuồng trại; gia súc, gia cầm ít bị nhiễm bệnh hơn; sử dụng gas để đun nấu sẽ không còn khói bụi, hạn chế nóng nực. Nhờ vậy sẽ hạn chế các bệnh về mắt, hô hấp, cải thiện sức khỏe người sử dụng.

- Gia tăng lợi ích kinh tế: Chất thải đầu ra là một nguồn phân giàu dinh dưỡng, có giá trị, được dùng để bón cây, nuôi cá... Theo nghiên cứu, nếu bón phân này sẽ hạn chế được một số sâu bệnh, cỏ dại. Vì vậy, giúp tiết kiệm thêm chi phí thuốc trừ sâu, diệt cỏ.

- Tạo nguồn năng lượng tại chỗ cho bà con nông dân: cung cấp gas thay cho củi, rơm rạ, dầu hoặc điện, tiết kiệm thời gian tìm kiếm chất đốt. Việc sử dụng bếp gas lại sạch sẽ, thuận tiện, hiệu suất khá cao.

Hiện nay,ở nước ta đang áp dụng rất nhiều kiểu hầm biogas, phổ biến hơn cả là công nghệ biogas theo kiểu Trung Quốc, Ấn Độ và của riêng Việt Nam . Cụ thể, hầm biogas theo kiểu Trung Quốc là mô hình hầm nắp cố định hình vòm KT1 có cấu trúc vững, độ bền cao, gas sinh ra có áp suất cao. Nhưng nhược điểm là cần kỹ thuật viên có tay nghề để xây dựng và bảo trì, đồng thời giá thành cũng khá cao: 1,2 - 1,5 triệu đồng/m3 hầm.

Thứ hai là hầm biogas nắp nổi (Ấn Độ) có cấu trúc gọn, chiếm ít diện tích xây dựng, nhưng do giá thành cao hơn các loại hầm khác nên số lượng lắp đặt còn khiêm tốn. Ngoài ra, nắp nổi khá nặng nề, dễ rỉ sét nên chỉ một số ít cơ sở thiết kế và xây dựng.

Loại thứ ba phổ biến hơn là túi biogas bằng nylon polyethylene (PE). Loại túi này có kỹ thuật lắp đặt dễ dàng, chi phí thấp, vận hành đơn giản, sửa chữa dễ dàng, không cần tay nghề cao. Nhược điểm cần chú ý là túi biogas cần tránh ánh nắng và tác động cơ học làm rách.

Loại thứ tư cũng khá phổ biến là hầm biogas composite, được xây dựng bằng sợi nhựa cao cấp, qua các công nghệ thủ công hoặc các khuôn đúc bằng máy nén hơi nóng kỹ thuật cao từ Trung Quốc đã đáp ứng nhu cầu kỹ thuật, thiết kế đơn giản, gọn nhẹ, hiệu quả sinh gas cao, dễ lắp đặt, vận hành.

Loại thứ năm là hầm biogas phủ bạt nhựa HDPE, chủ yếu sử dụng trong các trại chăn nuôi lớn, tập trung. Loại nhựa này có tuổi thọ và độ bền cao (10 - 15 năm), tuy đầu tư tốn kém nhưng giá thành tính trên đơn vị thể tích hố gas lại rất rẻ, vận hành đơn giản, bảo trì dễ, cung cấp lượng gas lớn cho vận hành máy phát điện.

Trong đó, hầm Composite được đánh giá là nhiều ưu việt và được người dân sử dụng nhiều hơn cả.

Thùy Dương