Kẽ hở trong công tác quy hoạch cán bộ
Đã nhiều năm nay, việc quy hoạch cán bộ đã từng bước hoàn thiện, đi vào nề nếp, phát huy tác dụng. Những nơi thực hiện tốt sẽ giúp cho các tổ chức trong hệ thống chính trị các cấp chủ động được nguồn cán bộ. Quy hoạch còn có tác động tích cực đến sự giám sát, uốn nắn, bồi dưỡng nguồn cán bộ, giúp cán bộ trong quy hoạch ý thức phấn đấu vươn lên, đáp ứng với yêu cầu ngày càng cao của công cuộc đổi mới.
Tuy nhiên, vẫn còn có những “kẽ hở”, “lỗ hổng”, “xộc xệch” trong thực hiện quy hoạch không đáng có. Do tính chất hệ trọng của nó mà có những nơi quy hoạch được “quan trọng hóa” như là một việc làm “bí mật”, “úp mở”, chỉ cấp xây dựng quy hoạch và những người làm công tác tổ chức được biết, họ vin vào cớ nếu công khai sẽ bị kẻ xấu lợi dụng, tạo dư luận xấu. Có trường hợp cá nhân lãnh đạo cấp trên bổ sung quy hoạch cấp dưới không thông qua cấp ủy. Có khi quy hoạch không có gì thay đổi nhưng khi bổ nhiệm lại có người “nhảy dù” - thường từ cấp trên xuống nhưng không đủ sức thuyết phục. Xây dựng quy hoạch nhưng việc theo dõi, góp ý, bồi dưỡng cán bộ trong quy hoạch không được thực hiện đúng quy định. Quy hoạch được lập xong không được thông tin kịp thời, không đầy đủ,...
Việc công khai quy hoạch cán bộ là một nội dung cần thực hiện nghiêm túc, đảm bảo đúng nguyên tắc.
Ngày 27/12/2021, Bộ Chính trị có Quy định số 50-QĐ/TW về công tác quy hoạch cán bộ. Quy định này đã rất coi trọng vấn đề “công khai”. Điều 2 của Quy định nêu rõ: Một trong những nguyên tắc của quy hoạch cán bộ là “bảo đảm nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ; thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; bảo đảm chặt chẽ, đồng bộ, liên thông, công khai, minh bạch trong công tác quy hoạch cán bộ”.
Khoản 4, Điều 3 về mục đích, yêu cầu của Quy định này nêu: “Rà soát, đánh giá toàn diện nguồn cán bộ trước khi đưa vào danh sách giới thiệu nhân sự quy hoạch; bảo đảm chặt chẽ, dân chủ, khách quan, công bằng, công tâm, công khai, minh bạch, đúng quy trình, thẩm quyền. Không đề xuất, phê duyệt quy hoạch những trường hợp không bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện”. Khoản 1, Điều 11 của Quy định nêu: “Danh sách cán bộ được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch hoặc đưa ra khỏi quy hoạch được thông báo công khai trong cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo và người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan biết, quản lý, sử dụng quy hoạch”.
Như vậy, công khai quy hoạch là rất quan trọng, cần thiết; không chỉ trong công tác công tác cán bộ nói chung mà còn đối với công tác quy hoạch và cán bộ được quy hoạch.
Việc công khai trong công tác quy hoạch cán bộ sẽ giúp cán bộ, đảng viên, quần chúng trong cơ quan, đơn vị và trong một số trường hợp có cả người dân ở nơi cư trú mà người được quy hoạch đang công tác có thể giám sát về tư cách, đạo đức, hoạt động, sự nỗ lực rèn luyện,… của cán bộ. Điều này giúp họ phải tự răn mình, tự rèn luyện, học hỏi, phấn đấu. Việc công khai hợp lý sẽ tránh các ý kiến, dư luận không hay về cá nhân cán bộ được quy hoạch, hạn chế các hiện tượng tiêu cực và những kẻ xấu có cớ lợi dụng nhằm xuyên tạc về công tác cán bộ và quy hoạch cán bộ.
Ban Tổ chức Trung ương cũng đã có Hướng dẫn: “Các tiêu chuẩn chung và tiêu chuẩn cụ thể của từng chức danh cán bộ được công khai để cán bộ, đảng viên tham gia bỏ phiếu giới thiệu quy hoạch ở địa phương, cơ quan, đơn vị được biết. Danh sách cán bộ đưa vào quy hoạch và đưa ra khỏi quy hoạch được công khai trong Ban Chấp hành Đảng bộ, trưởng các sở, ban, ngành, ban cán sự đảng, đảng đoàn, tập thể lãnh đạo cơ quan, đảng ủy và trưởng các đơn vị trực thuộc (đối với các cơ quan, đơn vị); đồng thời thông báo cho cá nhân cán bộ biết. Danh sách cán bộ được cấp trên phê duyệt đưa vào quy hoạch các chức danh do cấp trên quản lý được gửi cho cấp dưới để thông báo trong Ban Chấp hành, ban cán sự đảng, đảng đoàn, tập thể lãnh đạo, đảng ủy cơ quan và cá nhân cán bộ đó biết”.
Việc công khai công tác quy hoạch cán bộ phải được hiểu đầy đủ: Công khai là một đòi hỏi nhưng phải phù hợp với các quy định khác của Đảng và pháp luật. Công khai không có nghĩa là phổ biến đến tất cả mọi người mà có chú ý đến từng nhóm đối tượng cụ thể, gắn với những yêu cầu cụ thể về tính bảo mật. Phải quy định chặt chẽ về yêu cầu công khai, công khai đến đối tượng nào, bằng cách thức gì, trong thời gian bao lâu,… Việc công khai cũng là để nắm bắt tình hình dư luận, sự phản hồi cũng như các luận điệu xuyên tạc, phá hoại,… Từ đó Thủ trưởng cơ quan, đơn vị nắm chắc các thông tin, góp ý cụ thể với cán bộ được quy hoạch. Đồng thời có thể điều chỉnh những trường hợp chưa phù hợp theo đúng quy trình.
Việc đánh giá hàng năm đối với cán bộ trong quy hoạch cũng cần được công khai, không thể làm theo kiểu “họp kín” giữa tổ chức với lãnh đạo mà cán bộ đó công tác.
Với tính chất “động” và “mở” trong công tác quy hoạch cán bộ, việc công khai có thể giúp cấp có thẩm quyền dễ dàng cân nhắc các trường hợp được quy hoạch để chọn người phù hợp hoặc tiếp tục có các thử thách khác nhằm tạo điều kiện cho cán bộ phát huy tốt nhiệm vụ của mình. Đồng thời, quá trình đó có thể đưa ra khỏi quy hoạch hoặc bổ sung quy hoạch, đáp ứng tốt nhất cho công tác cán bộ tại địa phương, đơn vị.
Công khai đúng nguyên tắc, quy định trong công tác cán bộ và quy hoạch cán bộ chính là sự mở rộng dân chủ trong Đảng, trong xã hội. Càng công khai, dân chủ càng hạn chế tối đa những sự “nâng đỡ không trong sáng”, cục bộ, vụ lợi, hẹp hòi,... trong công tác cán bộ và quy hoạch cán bộ.