Sáng 26/4, dưới sự chủ trì của bà Cao Thị Hiền - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức phiên họp giải trình về công tác phòng, chống cháy nổ trên địa bàn tỉnh.
Báo cáo của Cảnh sát PCCC cho biết, trên địa bàn tỉnh có 5.921 cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC, trong đó có 3.019 cơ sở nguy hiểm về cháy nổ.
Thời gian qua, công tác phòng, chống cháy nổ trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả nhất định, chưa để xảy ra các vụ cháy gây thiệt hại lớn về người và tài sản.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập cần khắc phục kịp thời; nguy cơ cháy, nổ vẫn luôn tiềm ẩn, đòi hỏi công tác phòng ngừa của người dân và các cơ quan chức năng phải được nâng cao.
Chất vấn Cảnh sát PCCC, ông Phan Đức Đồng - Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh cho rằng trên thực tế, sự phối hợp thực hiện công tác PCCC giữa các cấp, các ngành từ khâu quy hoạch, cấp phép chưa hiệu quả.
“Đề nghị UBND tỉnh quy định rõ giải pháp và chế tài trong phối hợp và trách nhiệm của các ngành, các cấp”, đại biểu Đồng nói.
Trong khi đó, đại biểu Trần Duy Ngoãn - đơn vị thị xã Hoàng Mai lại phản ánh, người dân phàn nàn chất lượng của các thiết bị PCCC, có thiết bị 1 năm không sử dụng được nhưng không rõ trách nhiệm thuộc về ai.
"Công tác PCCC vẫn còn bị xem nhẹ, nhất là việc PCCC cho các khu chung cư trên 10 tầng chưa được quan tâm đúng mức”, ông Ngoãn phát biểu
Liên quan bất cập trong quản lý PCCC, bà Thái Thị An Chung - Phó Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh cho rằng: “Nhiều nhà ở chuyển đổi công năng chưa đảm bảo yêu cầu về PCCC nhưng chưa được giám sát, quản lý. Nhiều công trình dự án chưa được phê duyệt phương án PCCC, còn có công trình, dự án chưa được thẩm định PCCC mà vẫn thi công”.
Làm rõ những nội dung các đại biểu quan tâm, Đại tá Lê Quốc Báo - Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC cho biết, khó khăn hiện nay yêu cầu chữa cháy cho chung cư 10 tầng rất phức tạp, phải có mặt bằng, đường giao thông đỗ xe. Ngoài ra, phương tiện chữa cháy phục vụ các loại hình này quá đắt.
Các vụ cháy từ 60-65% nguyên nhân về điện, lửa trần 10-15% và các nguyên nhân khác là khoảng 20%.
Về chất lượng thiết bị PCCC, theo đại diện Cảnh sát PCCC thì hiện nay các bình chữa cháy nhập ở Trung Quốc, tại thời điểm kiểm định đảm bảo quy định, do tuổi thọ của các sản phẩm xuất xứ ở các nước khác nhau nên sau một thời gian nhiều sản phẩm không sử dụng được.
“Theo đề án sắp tới, Cục Cảnh sát PCCC sẽ cập nhật toàn quốc thông tin về các cơ sở quản lý PCCC”, Đại tá Báo thông tin.
Liên quan đến việc nhà ở chuyển đổi công năng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Trường Giang cho biết: Hiện nay trên địa bàn TP. Vinh có 59 nhà ở chuyển đổi công năng sang kinh doanh nhà hàng, karaoke, nhà nghỉ. Tuy nhiên, Sở chỉ quản lý về công tác quy hoạch, không quản lý việc sử dụng.
“Bên cạnh chế tài xử lý nghiêm, cần tăng cường công tác tuyên truyền để mọi người nhận thức rõ PCCC là nhiệm vụ của mình”, ông Chiến nói.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Cao Thị Hiền đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành rà soát lại việc xây dựng các ụ, cọc bê tông trên các tuyến đường làm cản trở phương tiện chữa cháy thực hiện nhiệm vụ; tiến hành rà soát, cải tạo lại hệ thống dây diện, cáp viễn thông; hệ thống PCCC tại các khu công nghiệp, khu đô thị mới đảm bảo đúng quy định; nghiên cứu trang bị các phương tiện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho các nhà cao trên 10 tầng và tàu chữa cháy trên sông, biển.
Bên cạnh đó, bà Hiền cho rằng cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về PCCC theo hướng đổi mới hình thức, nội dung để thu hút nhân dân tham gia; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong công tác quản lý nhà nước về PCCC.
Các hành vi vi phạm quy định an toàn về PCCC phải được kiên quyết xử lý nghiêm, trường hợp vi phạm nghiêm trọng phải tạm đình chỉ hoặc đình chỉ hoạt động theo quy định.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cũng yêu cầu UBND tỉnh công khai danh sách các chung cư, chủ đầu tư vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng để cử tri và nhân dân được biết và theo dõi việc khắc phục các vi phạm; có kế hoạch kiểm tra khắc phục, tránh tình trạng khi kiểm tra, thanh tra ráo riết mà sau kiểm tra lại xuề xòa, chậm khắc phục.