Nội dung công điện nêu rõ, theo tin mới nhất của Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực Bắc Trung bộ, hồi 15 giờ ngày 31/8: Trên sông Nậm Nơn, tại Mỹ Lý: 216,4m; trên sông Cả, tại Thạch Giám xuống mức: 71,59m cao hơn mực nước lịch sử ngày 20/8/2018 là 1,09m, tại Con Cuông lên mức 31,39m, thấp hơn mực nước lịch sử là 1,15m. Hiện nay mực nước trên thượng lưu sông Cả đang xuống chậm và đang ở mức cao. Mực nước trên trung và hạ lưu sông Cả ở xu thế lên.Hiện nay Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ đang xả lũ với lưu lượng xả bằng lưu lượng về hồ(3.424 m3/s); Thủy điện Khe Bố xả lưu lượng 4.720 m3/s.
Dự báo 1 đến 3 giờ tới lưu lượng nước về hồ chứa Thủy điện Bản Vẽ dao động ở mức: 3.500 - 3.700 m3/s; từ 3 đến 6 giờ tới lưu lượng nước về hồ chứa Thủy điện Khe Bố dao động ở mức: 4.500 - 4.700 m3/s. Dự báo trong 3 đến 6 giờ tới mực nước trên trung lưu và hạ lưu sông Cả lên chậm. Mực nước tại các điểm trên sông Cả như sau: Tại trạm Thạch Giám: 71,3m (cao hơn lũ lịch sử 0,8m); Tại trạm Con Cuông lên mức 31,6m, thấp hơn lũ lịch sử 0,94m. Tại trạm Dừa (Anh Sơn) lên mức 23,17m, dưới Báo động III: 1.33m. Trong 3 đến 6 giờ tới lưu lượng nước về hồ chứa Thủy điện Khe Bố dao động ở mức 4.600 - 4.800 m3/s.
1. Thực hiện nghiêm túc Công điện số 1127/CĐ-TTg ngày 31/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ; Công điện số 15/CĐ-UBND ngày 30/8/2018 của UBND tỉnh về lũ lụt và đảm bảo an toàn hạ du khi vận hành hồ chứa thủy điện Bản Vẽ, Khe Bố, Chi Khê.
2. Đài Khí tượng thủy văn khu vực Bắc Trung Bộ tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết, mưa lũ, tăng cường thời lượng cảnh báo, dự báo về mưa lũ, đặc biệt là cảnh báo lũ lụt vùng hạ du lưu vực sông Cả, tham mưu kịp thời cho UBND tỉnh, Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh quyết định vận hành các nhà máy thủy điện Bản Vẽ, Khe Bố, Chi Khê đúng quy trình quy định.
3. Các huyện miền núi:
- Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc các Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 13 tháng 7 năm 2018 và số 22/CT-TTg ngàỵ 07 tháng 8 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, tránh lũ ống, lũ quét, sạt lở đất và tăng cường quản lý, đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước.
- Tập trung khắc phục hậu quả thiên tai, tiếp tục rà soát, sơ tán người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, sạt lở đất, ngập lụt; kiểm soát, hướng dẫn giao thông tại các khu vực nước ngập sâu, chảy xiết khi mưa lũ, nhất là qua các ngầm, tràn để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.
- Triển khai ngay các biện pháp phòng, tránh đuối nước trong lũ, nhất là bảo đảm an toàn cho trẻ em và học sinh; bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn người, phương tiện đi lại qua các khu vực bị ngập sâu, khu vực nước chảy xiết để đảm bảo an toàn.
- Sẵn sàng lực lượng, phương tiện xử lý kịp thời các tình huống, cứu hộ, cứu nạn và khắc phục sự cố xảy ra.
4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động chỉ đạo, triển khai các biện an toàn các hồ đập và công trình thủy lợi, đê điều, sản xuất nông nghiệp, hoạt động thủy sản (nhất là bảo vệ sản xuất vụ Hè Thu), giảm thiểu thiệt hại cho người dân.
5. Sở Giao thông vận tải chỉ đạo khắc phục nhanh sự cố sạt lở trên các tuyến giao thông; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện tại các khu vực trọng điểm, xung yếu có nguy cơ sạt lở để sẵn sàng khắc phục ngay khi xảy ra sự cố; chỉ đạo bảo đảm an toàn đối với các hoạt động giao thông vận tải tại vùng ngập lũ.
6. Sở Giáo dục và Đào tạo chủ động chỉ đạo triển khai các phương án bảo đảm an toàn cho học sinh và học tập của học sinh, nhất là tại vùng ngập lũ các huyện miền núi.
7. Sở Công Thương chỉ đạo các đơn vị quản lý hồ đập thủy điện trên địa bàn tỉnh triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn hồ đập thủy điện, vận hành an toàn các hồ chứa thủy điện và hệ thống điện.
8. Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh, công an tỉnh tiếp tục duy trì lực lượng sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
9. Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh, Báo Nghệ An và các cơ quan thông tin đại chúng đóng trên địa bàn tỉnh tăng tần suất, thời lượng phát sóng, đưa tin kịp thời về diễn biến lũ lụt, chỉ đạo ứng phó của các cơ quan chức năng để các cơ quan và người dân biết, chủ động ứng phó.
10. Các sở ban ngành khác theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm chỉ đạo, phối hợp với các địa phương triển khai phương án ứng phó với lũ lụt theo quy định.
11. Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ từ tỉnh đến cơ sở theo quy định để chủ động xử lý các tình huống có thể xảy ra, kịp thời báo cáo về UBND tỉnh qua Văn phòng thường trực Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh./.