(Baonghean.vn) - UBND tỉnh có Công điện số 10/CĐ.UBND ngày 17/7/2017 về khắc phục hậu quả cơn bão số 2. Nội dung công điện như sau:
Chủ tịch UBND - Trưởng ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An điện:
- Chủ tịch UBND-Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố, thị xã;
- Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh;
- Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh;
- Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban, ngành cấp tỉnh;
- Giám đốc các Công ty thủy lợi, Thủy điện trên địa bàn tỉnh.
Theo tin từ Đài Khí tượng thủy văn khu vực Bắc Trung bộ, bão số 2 đã đổ bộ trực tiếp vào Nghệ An lúc 0h ngày 17/7, trên đất liền các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh đã có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10-11, Vùng biển ven bờ có gió mạnh cấp 8, giật cấp 12. Hoàn lưu bão đã gây mưa lớn cho khu vực Bắc Trung bộ. Tổng lượng mưa ngày 16/7 đến ngày 17/7 phổ biến từ 100 -200 mm, có nơi nhiều hơn như ở TP. Vinh 233 mm. Bão, mưa lũ đã gây ra thiệt hại lớn về người, tài sản, sản xuất nông nghiệp và cơ sở hạ tầng của nhân dân và Nhà nước.
Để khẩn trương khắc phục hậu quả bão và mưa lũ, sớm ổn định đời sống nhân dân, Chủ tịch UBND - Trưởng Ban chỉ huy PCTT - TKCN tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND - Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN các huyện, thành phố, thị xã, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Giám đốc các sở, ban, ngành cấp tỉnh, Giám đốc các Công ty thủy lợi, Thủy điện trên địa bàn tỉnh và các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện một số nhiệm vụ sau đây:
1. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc các nội dung Công điện số 09/CĐ-UBND ngày 16/7/2017 của Chủ tịch UBND tỉnh; Công điện số 05 ngày 14/7/2017 của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh và Công điện số 06 ngày 15/7/2017 của Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh.
2. Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã:
Tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình có người bị chết, người bị thương, gia đình có nhà bị sập đổ, hư hỏng nặng, gia đình chính sách, neo đơn.
Huy động lực lượng, phương tiện tại chỗ trên địa bàn để hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả, sửa chữa lại nhà cửa, cây cối, thu dọn, xử lý vệ sinh môi trường, không để dịch bệnh bùng phát, lây lan; nhanh chóng khôi phục sản xuất nông nghiệp.
Sửa chữa các công trình bị hư hỏng như: công trình giao thông, thủy lợi, hệ thống điện, trường học, y tế, công trình cấp nước sinh hoạt và cơ sở hạ tầng thiết yếu khác để sớm ổn định đời sống cho nhân dân.
Triển khai đánh giá, thống kê thiệt hại để chủ động hỗ trợ và khắc phục hậu quả và báo cáo với các cơ quan chức năng liên quan.
3. Các công ty Thủy điện, Thủy lợi: Theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết mưa lũ hoàn lưu sau bão để chỉ đạo vận hành các hồ chứa thủy lợi và liên hồ chứa thủy điện đảm bảo an toàn cho hạ du và an toàn công trình; chủ động sẵn sàng tiêu úng kịp thời khi có tình huống ngập lụt xảy ra.
4. Các sở: Nông nghiệp và PTNT, Giao thông Vận tải, Công Thương, Điện lực Nghệ An và các sở, ngành liên quan theo chức năng nhiệm vụ của mình, tập trung khắc phục ách tắc giao thông; đảm bảo điện cho sản xuất và sinh hoạt; chỉ đạo bơm tiêu úng kịp thời.
5. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh tiếp tục huy động lực lượng tập trung tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn tàu VTB 26 bị nạn trên biển; đồng thời, duy trì lực lượng sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
6. Đài Khí tượng thủy văn khu vực Bắc Trung bộ theo dõi sát tình hình thời tiết, mưa lũ sau bão, thông tin kịp thời để nhân dân biết và phòng tránh.
7. Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Nghệ An và các phương tiện thông tin đại chúng tích cực tuyên truyền về khắc phục hậu quả bão, mưa lũ.
8. Các thành viên Ban Chỉ huy PCTT-TKCN theo nhiệm vụ được phân công, xuống các địa bàn để chỉ đạo khắc phục hậu quả bão, mưa lũ.
9. Tổ chức rút kinh nghiệm công tác chỉ đạo đối phó với cơn bão số 2 nhằm phục vụ tốt nhiệm vụ phòng chống lụt bão - tìm kiếm cứu nạn thời gian sắp tới.
10. Thường trực 24/24h, thường xuyên báo cáo kết quả khắc phục thiệt hại do mưa, lũ gây ra về UBND tỉnh qua Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh biết để kịp thời xử lý./.
UBND tỉnh