(Baonghean) - Việc triển khai Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức có nhu cầu giải quyết các thủ tục hành chính một cách nhanh chóng và thuận tiện, xuyên suốt, nhất quán theo tinh thần 'một cửa liên thông' qua mạng internet.

Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động của cơ quan Nhà nước, chính quyền hướng tới Chính phủ điện tử là mô hình phổ biến của nhiều quốc gia và là xu thế tất yếu tại Việt Nam. Trong thời gian qua, các cơ quan Nhà nước đã nỗ lực ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, điều hành hướng tới nâng cao hiệu quả điều hành Nhà nước, tăng cường sự công khai minh bạch, giảm chi tiêu của Chính phủ, đồng thời mang lại những thuận lợi, tiện ích cho cuộc sống của người dân, bước đầu đạt được những kết quả quan trọng. 

images1796486_bna_5873bfe2ce017.jpgNgười dân giao dịch tại bộ phận một cửa phường Quang Trung (TP. Vinh). Ảnh: Thanh Lê

Từ năm 2014, tỉnh Nghệ An đã phê duyệt lộ trình cung cấp dịch vụ công trực tuyến của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2014 - 2018 theo Đề án xây dựng chính quyền điện tử số 3188. Tiếp đó, thực hiện Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử và các quyết định về đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan Nhà nước, UBND tỉnh Nghệ An đã quyết liệt chỉ đạo và triển khai đồng bộ các giải pháp, chương trình hành động như: Ban hành các văn bản chỉ đạo gồm Chỉ thị số 25 về đẩy mạnh triển khai ứng dụng các dịch vụ công trực tuyến trong các cơ quan nhà nước; Ban hành Kế hoạch cung cấp các dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 và 4 năm 2016; Ký kết Thỏa thuận hợp tác với các nhà cung cấp dịch vụ Viễn thông - Công nghệ thông tin uy tín như VNPT, FPT; ban hành Kế hoạch số 102 về Cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 năm 2016 của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Nghệ An; ban hành Kế hoạch 494 và Công văn số 5959 về việc triển khai hệ thống phần mềm một cửa liên thông phục vụ công tác quản lý cơ chế một cửa và Cổng dịch vụ công trực tuyến cho tỉnh Nghệ An...; trực tiếp chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương xây dựng lộ trình và triển khai kịp thời, hiệu quả giao dịch điện tử một cửa liên thông để người dân, doanh nghiệp tiện lợi khi tham gia...

Đó được xem như giải pháp hữu hiệu hướng tới mục tiêu xây dựng hệ thống điện tử thông suốt, kết nối và liên thông văn bản điện tử, dữ liệu điện tử từ tỉnh đến cơ sở; tạo lập môi trường điện tử để người dân giám sát và đóng góp cho hoạt động của chính quyền các cấp; thiết lập Cổng dịch vụ công của tỉnh kết nối dịch vụ công Quốc gia; ứng dụng công nghệ thông tin gắn kết chặt chẽ với cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường kinh doanh; triển khai thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin kết hợp với hệ thống quản lý chất lượng ISO; nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng viễn thông, đảm bảo chất lượng đường truyền, bảo đảm an toàn thông tin... 

Để thực hiện các mục tiêu đề ra trong CCHC gắn với tăng cường ứng dụng CNTT trong quản lý và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, tỉnh đã nghiên cứu kỹ các giải pháp của các doanh nghiệp viễn thông CNTT,  tổ chức đi thực tế tại một số địa phương triển khai sớm trong cả nước dịch vụ công trực tuyến, nhất là hệ thống phần mềm điện tử một cửa.

Qua kinh nghiệm học hỏi từ tỉnh bạn cũng như xem xét kỹ lưỡng các điều kiện, mục tiêu, UBND tỉnh đã thống nhất chọn Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam - đơn vị đã áp dụng và triển khai thành công giải pháp  cho 23 địa phương trong cả nước để cung cấp và triển khai hệ thống phần mềm một cửa điện tử liên thông phục vụ công tác quản lý cơ chế một cửa và cổng dịch vụ công trực tuyến cho tỉnh.

Hệ thống VNPT- IGate được triển khai chạy trên hệ thống điện toán đám mây, trên nền tảng công nghệ web và được xây dựng theo mô hình 3 lớp MVC. Hệ thống cho phép công dân, doanh nghiệp có thể giao tiếp với chính quyền 24/24 giờ trong ngày, tại bất cứ đâu có kết nối internet.

Các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng. Việc thanh toán lệ phí và nhận kết quả được thực hiện trực tiếp tại cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Như vậy, công dân, tổ chức chỉ phải đến duy nhất 1 lần để thanh toán lệ phí (nếu có) và nhận kết quả được thực hiện trực tiếp tại bộ phận “một cửa” của cơ quan, đơn vị.

Cán bộ, công chức xử lý hồ sơ có thể sử dụng chức năng nhắn tin SMS hoặc email để thông báo đến người dân, doanh nghiệp nộp hồ sơ về tình trạng xử lý hồ sơ của mình đang ở bộ phận, phòng ban nào dễ dàng, nhanh chóng.

Đến thời điểm hiện tại, VNPT Nghệ An đã phối hợp Cổng TTĐT - Sở Thông tin và Truyền thông thiết lập hệ thống tại địa chỉ: http://dichvucong.nghean.gov.vn.  Phối hợp các cơ quan hành chính khảo sát, thiết lập khả năng cung cấp dịch vụ hành chính công trên hệ thống cho 4.497 dịch vụ công, bao gồm 3.783 thủ tục mức độ 2;  744 thủ tục mức độ 3 và 9 thủ tục mức độ 4.

Đồng thời phối hợp với các cơ quan cung cấp dịch vụ công xây dựng và thiết lập quy trình chi tiết cho 753 dịch vụ công cấp 3 và cấp 4 (đạt tỷ lệ 100%); hoàn thành vượt mức Kế hoạch 102 của tỉnh. Tổ chức tập huấn cho các sở, ban, ngành, UBND huyện, thị, thành và các xã, phường trước ngày 25/12/2016.

Cùng với đó, hệ thống một cửa liên thông điện tử VNPT - IGate đã được vận hành chạy thử nghiệm từ 26/12/2016 và đã sẵn sàng đưa vào khai thác sử dụng. Tổng số hồ sơ đã tiếp nhận trên hệ thống hơn 4.000  hồ sơ. Số hồ sơ đã được giải quyết: 2.399 hồ sơ (chiếm 60%). VNPT cũng đã xây dựng giải pháp sẵn sàng chuyển toàn vẹn số liệu từ hệ thống đang dùng sang VNPT- IGate đảm bảo chính xác, bảo mật đối với các đơn vị đã sử dụng các phần mềm khác trước đây.

Giao dịch về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại bộ phận một cửa ở Thành phố Vinh. Ảnh tư liệu

Bên cạnh việc triển khai đồng bộ hệ thống phần mềm một cửa điện tử liên thông VNPT- IGate, trong năm 2016, nhiều cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã có nhiều nỗ lực và kết quả đáng ghi nhận trong ứng dụng CNTT vào ngành mình. Không chỉ tạo dấu ấn trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, nhiệm vụ chính trị; điều này còn tạo nên giá trị khác biệt về nâng cao chỉ số sẵn sàng phát triển ứng dụng CNTT của tỉnh đến thời điểm hiện tại và những năm tiếp theo. Đây cũng chính là cơ sở, là đòn bẩy để các ngành, đơn vị, địa phương trong toàn tỉnh triển khai một cửa điện tử và cổng dịch vụ công trực tuyến một cách hiệu quả, chủ động.

Đơn cử, ngành Thuế là một trong những ngành tiên phong ứng dụng CNTT với con số thực hiện kê khai thuế qua mạng nằm trong tốp đầu cả nước, với hàng trăm ngàn lượt người đăng ký. Thực hiện nộp thuế điện tử không chỉ giúp doanh nghiệp, người dân tiết kiệm chi phí, thời gian mà còn góp phần đơn giản hóa thủ tục giấy tờ khi thực hiện nghĩa vụ thuế, giúp ngành Thuế tăng cường hiệu quả công tác quản lý thuế, xử lý thông tin nộp thuế nhanh chóng, chính xác, đa dạng hóa các kênh thu ngân sách nhà nước. 

Hay, ngành Y tế, thực hiện Đề án ứng dụng CNTT trong KCB và thanh toán BHYT cũng đem lại hiệu quả hết sức tích cực. Ngành Y tế đã phối hợp với VNPT Nghệ An triển khai Đề án thành công tại 458 cơ sở y tế, bao gồm 2 cơ sở tuyến tỉnh, 9 cơ sở tuyến huyện và 442 cơ sở y tế tuyến xã, chiếm trên 90% tổng số cơ  sở y tế toàn tỉnh. Nhờ đó đáp ứng kịp thời hơn công tác KCB tại cơ sở, tạo sự đồng tình hưởng ứng cao trong dư luận nhân dân.

Trong lĩnh vực giáo dục, tính đến ngày 31/12/2016 VNPT đã triển khai chương trình quản lý giáo dục VnEdu tới 1.409/1.491 trường tại Nghệ An với 80.000 người dùng sổ liên lạc điện tử, đạt tỷ lệ 95% các trường học trên địa bàn ứng dụng CNTT về quản lý nhà trường, đáp ứng yêu cầu tin học hóa trong quản lý cho ngành Giáo dục Nghệ An...

Việc đưa Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh Nghệ An chính thức đi vào hoạt động là một nỗ lực to lớn trong việc hiện thực hóa chủ trương của Chính phủ về xây dựng Chính phủ điện tử nói riêng cũng như đổi mới bộ máy Nhà nước nói chung.

Chỉ cần nối mạng, doanh nghiệp có thể đăng ký hồ sơ đăng ký kinh doanh qua mạng. Ảnh tư liệu

Tuy nhiên, việc tạo ra Cổng dịch vụ công trực tuyến và đưa nó vào hoạt động chỉ là bước đi đầu tiên, con đường phía trước còn khó khăn và phức tạp hơn rất nhiều, đòi hỏi chúng ta không chỉ đơn thuần theo đuổi sự phát triển của công nghệ mới hoặc chỉ chú trọng đầu tư cho việc phát triển cơ sở hạ tầng thông tin, mà phải cải cách bộ máy nhà nước, tối ưu hóa quy trình vận hành, mở rộng việc cung cấp thông tin và các dịch vụ hành chính đa dạng, một cách thân thiện với người dân và doanh nghiệp. Đây cũng là mong muốn của tỉnh cũng như thách thức đặt ra cho tỉnh nhà, các cơ quan liên quan trong thời gian tới.

Triển khai dịch vụ công trực tuyến là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong quá trình thực hiện lộ trình cải cách thủ tục hành chính và phát triển Chính phủ điện tử tại Việt Nam. Trong xu thế chung đó, việc chính thức đưa vào vận hành Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh đã và sẽ góp phần vào việc đáp ứng nhu cầu thực tế, phục vụ người dân và doanh nghiệp một cách tốt hơn. Đây cũng chính là động lực thúc đẩy, thể hiện quyết tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền trong thực hiện Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị về xây dựng thành phố Vinh trở thành trung tâm công nghệ thông tin của vùng Bắc Trung bộ.

Lê Ngọc Hoa

  Phó Chủ tịch UBND tỉnh

TIN LIÊN QUAN