Lễ hội của Tây Nguyên luôn gắn liền với voi và cồng chiêng.

Đúng hai năm sau ngày trở thành Kiệt tác truyền khẩu và di sản phi vật thể của nhân loại, cồng chiêng Tây Nguyên mới có một lễ hội riêng của mình.Lễ hội cồng chiêng Tây Nguyên sẽ diễn ra từ ngày 21 đến ngày 24/11 tới tại thành phố Buôn Ma Thuột và Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk. 25 đội cồng chiêng từ 20 địa phương trong và ngoài nước sẽ trình diễn những bản hòa tấu đặc sắc nhất phục vụ công chúng.

Những đội cồng chiêng của 5 tỉnh Tây Nguyên: Êđê (Đắk Lắk), M’Nông (Đắk Nông), K’Ho, (Lâm Đồng), Bana (Gia Lai) và Xê đăng (Kon Tum) sẽ cầm trịch. Đặc biệt sẽ có một số tiết mục là sự kết hợp táo bạo lần đầu tiên giữa cồng chiêng với dàn nhạc giao hưởng.

Cồng chiêng là chủ thể chính xuyên suốt các chương trình trong 4 đêm của lễ hội như: tái hiện câu chuyện Đam San đi tìm thần mặt trời trong trường ca Đam San, lễ cúng cơm mới của người Êđê, Xê đăng, lễ cầu mưa của người M’nông, lễ cưới của người Mạ...

Văn hóa cồng chiêng cũng sẽ được đặt lên bàn hội thảo (vào ngày 22/11) để đánh giá thực trạng và các biện pháp bảo tồn, sau khi nó được liệt vào danh sách kiệt tác của nhân loại và đang có hiệu mai một.

Hình tượng voi Tây Nguyên gắn liền với văn hóa cồng chiêng góp mặt tại lễ hội với hội đua voi, săn voi, lễ cúng sức khỏe cho voi. 20 chú voi kéo theo 20 xe hoa chở các đôi nam nữ trong trang phục truyền thống của các dân tộc Tây Nguyên, sẽ dẫn đầu lễ hội đường phố vào tối 22/11.

Đây là lần đầu tiên, lễ hội cồng chiêng được tổ chức quy mô tầm quốc gia với kinh phí thực hiện lên đến 15 tỷ đồng.

Theo VNN