Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Thành Duy

Đồng chí Trần Hồng Hà - Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ dự và chỉ đạo hội nghị.

Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng: Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Nguyễn Văn Hùng - Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Thượng tướng Huỳnh Chiến Thắng - Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam; Đỗ Trọng Hưng - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa; Hoàng Trung Dũng - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh; Nguyễn Văn Quảng - Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng; Nguyễn Hải Ninh - Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa.

Dự hội nghị có đồng chí Trương Đình Tuyển - nguyên Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An.

Cùng dự có các đồng chí đại diện lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Giao thông vận tải, Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Khoa học và công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, Ủy ban Dân tộc;… Tham dự hội nghị còn có lãnh đạo Quân khu 4, các đồng chí Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trong vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ;…

Lãnh đạo tỉnh Nghệ An dự hội nghị có các đồng chí: Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, lãnh đạo Đoàn ĐBQH tỉnh; lãnh đạo các sở, ban ngành, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh, các hiệp hội nghề nghiệp; Tổ Tư vấn kinh tế - xã hội tỉnh; các đơn vị tư vấn lập quy hoạch, các chuyên gia kinh tế, các nhà khoa học; lãnh đạo các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước

Hội nghị được kết nối trực tuyến đến 21 huyện, thành phố, thị xã trong toàn tỉnh với sự tham dự của lãnh đạo các huyện, thành, thị ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ, cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện, cấp xã.

PHÁT TRIỂN NHANH, BỀN VỮNG, TOÀN DIỆN, VĂN MINH, HIỆN ĐẠI

Ngày 14/9/2023, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký ban hành Quyết định 1059/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xây dựng trên cơ sở kế thừa những thành tựu quan trọng của giai đoạn trước, kết quả phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn hiện nay, nhất là thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài; đồng thời bám sát các nghị quyết, định hướng, chỉ đạo mới của Trung ương, các quy hoạch cấp quốc gia để tích hợp theo hướng thống nhất, đồng bộ.

Đặc biệt, cùng với quá trình tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị về phương hướng và nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020 và được Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 39 ngày 18/7/2023 về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; nội dung Quy hoạch tỉnh đã được cập nhật thống nhất, cụ thể hóa các mục tiêu, quan điểm, định hướng phát triển tỉnh Nghệ An theo tinh thần Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị.

Vị trí tỉnh Nghệ An trong khu vực Bắc Trung Bộ và cả nước. Ảnh: Thành Duy

Theo đó, thực hiện mục tiêu tổng quát, cốt lõi, xuyên suốt: Phấn đấu đến năm 2030, Nghệ An là tỉnh phát triển khá của cả nước, kinh tế phát triển nhanh và bền vững, mang đậm bản sắc văn hoá Việt Nam và xứ Nghệ; là trung tâm của khu vực Bắc Trung Bộ trên một số lĩnh vực có thế mạnh. Tầm nhìn đến năm 2050, Nghệ An là tỉnh phát triển nhanh, bền vững, toàn diện, văn minh và hiện đại.

Bám sát 5 quan điểm trọng tâm, với quan điểm xuyên suốt của quy hoạch tỉnh là kiên định mục tiêu phát triển bền vững; phát triển toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm, quyết tâm tạo đột phá ở một số ngành, lĩnh vực, khu vực trọng điểm, trong đó tập trung phát triển nhanh khu vực đồng bằng và ven biển để hình thành các động lực tăng trưởng mới, tác động lan tỏa thúc đẩy phát triển bền vững khu vực miền Tây.

Các phương án, định hướng phát triển, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện Quy hoạch tỉnh Nghệ An đều hướng đến mục tiêu phát triển 2 khu vực động lực tăng trưởng chính là thành phố Vinh mở rộng và Khu kinh tế Đông Nam mở rộng; Thực hiện 3 đột phá chiến lược; Hình thành và phát triển 4 hành lang kinh tế gắn với 4 tuyến giao thông huyết mạch; Phát triển 5 lĩnh vực trụ cột gồm: công nghiệp; thương mại, dịch vụ; du lịch; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; kinh tế biển gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh.

Nghệ An hình thành và phát triển 4 hành lang kinh tế. Ảnh: Thành Duy

Tỉnh cũng định hướng xây dựng 6 trung tâm đô thị tạo động lực dẫn dắt phát triển gồm: Thành phố Vinh mở rộng là đô thị trung tâm; phát triển thị xã Thái Hòa gắn với Nghĩa Đàn trở thành đô thị động lực, trung tâm vùng phía Tây Bắc; phát triển thị xã Hoàng Mai gắn với Quỳnh Lưu trở thành đô thị trung tâm vùng Nam Thanh Hóa - Bắc Nghệ An, cực tăng trưởng phía Bắc của tỉnh; xây dựng huyện Con Cuông theo hướng đô thị sinh thái, động lực thúc đẩy phát triển của tiểu vùng Tây Nam; nâng cấp đô thị Diễn Châu với chức năng đô thị trung tâm vùng phía Đông; xây dựng đô thị Đô Lương đóng vai trò là điểm kết nối, liên kết giữa các huyện phía Tây với thành phố Vinh, Khu kinh tế Đông Nam và khu vực ven biển của tỉnh.

Trước đó, ngày 15/2/2023, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng đã ký Quyết định số 93/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Đông Nam Nghệ An, tỉnh Nghệ An đến năm 2040.

Trên quy mô hơn 20.776 ha, Khu Kinh tế Đông Nam Nghệ An được quy hoạch 3 khu vực. Trong đó, khu vực 1 có diện tích quy hoạch hơn 18.826 ha, gồm diện tích tự nhiên của 10 xã thuộc huyện Nghi Lộc (Nghi Hợp (nay thuộc xã Khánh Hợp), Nghi Xá, Nghi Long, Nghi Đồng, Nghi Thuận, Nghi Hưng, Nghi Quang, Nghi Thiết, Nghi Tiến, Nghi Yên), 6 xã thuộc huyện Diễn Châu (Diễn Trung, Diễn Thịnh, Diễn An, Diễn Thọ, Diễn Lộc, Diễn Phú), 2 phường thuộc thị xã Cửa Lò (Nghi Thủy, Nghi Tân).

Khu vực 2 có diện tích lập quy hoạch 1.200 ha, gồm toàn bộ diện tích Khu Công nghiệp Hoàng Mai và Khu Công nghiệp Đông Hồi thuộc các xã Quỳnh Lộc, Quỳnh Lập, Quỳnh Vinh và phường Quỳnh Thiện (thị xã Hoàng Mai).

Khu vực 3 có diện tích lập quy hoạch là 750 ha, gồm toàn bộ diện tích Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ VSIP Nghệ An thuộc các xã Hưng Đạo, Hưng Tây, thị trấn Hưng Nguyên (Hưng Nguyên) và xã Hưng Chính (TP. Vinh).

Việc điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Đông Nam Nghệ An đến năm 2040 là cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển sau 17 năm thành lập như: Mở rộng diện tích các khu công nghiệp, giảm diện tích trước đây quy hoạch vào địa bàn tập trung khu dân cư, điều chỉnh bỏ các khu chức năng không còn phù hợp; hình thành thêm khu công nghiệp gắn với khu đô thị để tạo tính đồng bộ, từ đó xây dựng Khu Kinh tế Đông Nam trở thành động lực tăng trưởng kinh tế của tỉnh Nghệ An.

(Baonghean.vn tiếp tục cập nhật)