Ngày 29-5, UBND tỉnh An Giang tổ chức lễ công bố kỷ lục châu Á tượng Phật Di Lặc trên đỉnh núi Cấm (Thiên Cấm Sơn), xã An Hảo, huyện Tịnh Biên là tượng Phật lớn nhất trên núi.
Tượng Phật Di Lặc trên đỉnh núi Cấm với nụ cười an nhiên, từ bi hỉ xả
- Ảnh: Đức Vịnh
Núi Cấm cao 710m so với mực nước biển, là ngọn núi cao nhất trong dãy Thất Sơn của tỉnh An Giang, có phong cảnh đẹp, thời tiết mát mẻ và được mệnh danh là Đà Lạt của ĐBSCL. Đây cũng là nơi gắn với nhiều truyền thuyết về lịch sử, văn hóa, tôn giáo, tâm linh nên thu hút đông du khách đến hành hương, tham quan.
Để có công trình mang đậm nét văn hóa, phục vụ nhu cầu tâm linh cho khách hành hương, ngày 4-3-2004 tỉnh An Giang cho xây tượng Phật Di Lặc trên đỉnh núi này.
Tượng có chiều cao 33,6m, diện tích bệ tượng 27mx27m, nằm giữa khuôn viên 2,2ha trên đỉnh núi, trọng lượng cả nền và vỏ tượng 1.700 tấn, riêng tượng nặng 600 tấn. Tính đến khi hoàn thành, quá trình thi công trải qua năm giai đoạn với tổng kinh phí 33 tỉ đồng, từ nguồn vận động nhiều nhà hảo tâm đóng góp.
Theo TS Ngô Quang Láng - Phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch An Giang, tượng Phật Di Lặc trên đỉnh núi Cấm đạt độ thẩm mỹ cao về kiến trúc, hài hòa giữa không gian núi rừng, có giá trị về văn hóa tâm linh, là một trong những tượng Phật lớn và cao nhất nước.
Nhà điêu khắc Thụy Lam kể việc xây dựng tượng Phật khổng lồ cao 33,6m này rất khó khăn, ngoài địa hình phức tạp thì khâu vận chuyển vật liệu xây dựng, nước phục vụ việc xây dựng và sinh hoạt lên đỉnh núi rất khó khăn, chủ yếu dùng xe cải tiến, sức người…
“Tuy nhiên khó nhất là phần tạc khuôn mặt, phải làm sao thể hiện cái hồn và cái tâm của Đức Phật Di Lặc với nụ cười an nhiên, từ bi hỉ xả. Chúng tôi phải làm đi làm lại nhiều lần” - ông nói.
Công bố kỷ lục tượng Phật lớn nhất đỉnh núi Cấm
Theo Tuổi trẻ - TH