Trong đó, có dư luận đánh giá thấp kết quả đạt được của tiền đạo SLNA Phan Văn Đức, chẳng hạn có ý kiến “chấm” cầu thủ này điểm 4 (thấp nhất đội cùng với Ngọc Hải, Thành Chung) và sau đó có ý khác đặt vấn đề có nên để Văn Đức tiếp tục đá chính hay không trong các trận đấu tới của ĐT Việt Nam?
Dư luận nói trên bắt nguồn từ quá trình thi đấu ở vòng loại thứ 2 tới nay, rằng dù luôn được vào sân đá chính từ đầu nhưng không còn thấy hình ảnh một cầu thủ nhanh nhẹn, đột biến và lợi hại như xưa của Văn Đức. Trái lại, đó chỉ là một cầu thủ tỏ ra xông xáo nhưng vô hại và liên tục bị thay ra trong các trận đấu quan trọng như gặp UAE hay Arabia Saudi mới đây. Vì vậy, ông Park Hang-seo nên chăng tìm một nhân tố mới thay cho Văn Đức trong hàng tiền vệ của ĐT Việt Nam?
Quả nhiên, nếu nói về kết quả thực tế trên sân, Phan Văn Đức có vẻ như là một “phiên bản mờ” dù luôn được ông thầy người Hàn Quốc tin cậy. Thì đây, sau vòng 2 khá thất vọng, Văn Đức tiếp tục được gọi tập trung, được thử nghiệm ở vị trí mới và quả nhiên ở vòng 3 ra sân từ đầu với vị trí tiền đạo, là cặp song sát của ĐT Việt Nam cùng với ngôi sao Tiến Linh.
Nhưng nếu quan sát thật kỹ quá trình thi đấu của ĐT Việt Nam thời gian qua, nhất là từ khi Hùng Dũng chấn thương, thì thật khó đánh giá trong hàng tiền vệ, cầu thủ nào tiếp tục tỏa sáng, ngoài Quang Hải với thiên bẩm tạo ra những siêu phẩm mà lâu nay cả châu lục đều biết tới. Thiếu Hùng Dũng đồng nghĩa với việc các tiền vệ khác phải lùi sâu phòng ngự và bị hạn chế khả năng tấn công, trong đó có Văn Đức như thường thấy trước đó.
Không chỉ trong các trận đấu với những đối thủ hàng đầu châu lục mà ngay cả với Malaysia hay Indonesia thì Văn Đức cũng không thể được giải phóng khỏi nhiệm vụ phòng ngự và tha hồ xâm nhập vòng cấm đối phương như sở trường. Vậy nên, mong muốn Văn Đức tỏa sáng như trước dù vô cùng chính đáng thì cũng là một đòi hỏi quá sức và thiếu công bằng khi thực tế vận hành đội tuyển đã khác đi rất nhiều.
Thì đây, trong trận đấu nghẹt thở với Arabia Saudi, nói là Văn Đức được giao đá cặp trên hàng công với Tiến Linh nhưng mấy khi cầu thủ này thi đấu ngang hàng với cầu thủ tiền đạo đến từ Bình Dương? Thực tế là Văn Đức phải lùi xuống chơi như một tiền vệ thực chất là 6 người gồm Văn Thanh và Trọng Hoàng như 2 wingback, cặp tiền vệ trung tâm Tuấn Anh và Hoàng Đức, cùng với bên trái Văn Đức và bên phải Quang Hải đá lùi hỗ trợ phòng ngự từ xa.
Điều đó đồng nghĩa với việc ông Park Hang-seo giao cho Văn Đức “nhiệm vụ kép”, tức vừa phải đảm nhiệm phòng ngự từ xa, vừa nhanh chóng chuyển trạng thái và băng lên phối hợp, hỗ trợ Tiến Linh ở vị trí cao nhất và hoán đổi khi cần thiết.
Với “nhiệm vụ kép” mới mẻ này, Văn Đức có hoàn thành tốt hay không? Câu trả lời rõ ràng từ 2 tình huống nổi bật ở hiệp 1 trận đấu: phút thứ 3, ĐT Việt Nam phản công với bóng từ cánh trái đến chân Văn Đức lúc này đã băng qua phần sân đối phương, ngay lập tức Đức xẻ cánh rất thoáng cho Văn Thanh sát biên trái, để từ đó có cú căng ngang dẫn tới sai lầm phá bóng của hậu vệ chủ nhà và Quang Hải như thường lệ tung cú sút không thể cản phá, ghi bàn từ tình huống tấn công đầu tiên của ĐT Việt Nam. Không ngoa khi nói rằng, bàn thắng đẹp tuyệt vời của Quang Hải có dấu giày của Văn Thanh, Văn Đức và đó chắc chắn là sự “trả bài” xuất sắc của các học trò tin cậy của thầy Park Hang-seo.
Tình huống phản công thứ 2 của ĐT Việt Nam ở phút 16, bóng được phất dài đến vị trí di chuyển của Tiến Linh, ngay lập tức Văn Đức băng lên như 1 tia chớp vào khoảng trống trước mặt hàng thủ đối phương, chỉ tiếc Tiến Linh xử lý chậm một nhịp khiến cơ hội hiếm có tuột đi trong nháy mắt. Phải là người có tốc độ xuất phát đoạn ngắn hoàn hảo và cảm nhận vị trí tốt, thì Văn Đức mới có thể có mặt bất ngờ và kịp thời đến thế. Phân tích lại tình huống này để một lần nữa thấy rằng, ông Park Hang-seo có lý khi chọn Văn Đức cho vị trí xuất phát và duy trì lối chơi phòng ngự - phản công thuần thục, sắc lẹm không dễ gì ai cũng có được của ĐT Việt Nam ở sân chơi lớn lúc này.
Tất nhiên, đội chủ nhà hùng mạnh bị dẫn trước trên sân nhà thì khó khăn cho đội khách càng lớn gấp bội sau giờ nghỉ, bởi mọi việc đã được soi chiếu kỹ càng trong mắt những nhà chuyên môn sành sỏi. ĐT Việt Nam bị tấn công dồn dập từ mọi hướng, chỉ một tích tắc phạm sai lầm và thế là đủ cho những đòn trừng phạt từ việc thiếu người, suy giảm thể lực nhanh gấp bội khi phải chơi thiếu người trong môi trường xa lạ, tiêu hao nhiều sinh lực. Duy Mạnh đã chơi hơn 50 phút cực kỳ xuất sắc, nhưng chính trung vệ của Hà Nội FC cũng chính là “điểm yếu” bị đối phương khai thác như chính họ cố tình công khai trước đó? Nhưng khen Duy Mạnh mới là đúng đắn, cũng như động viên Tiến Linh, Văn Đức… mới thực sự hợp lý vì những cống hiến không mệt mỏi của họ, vì đường đua còn dài và bóng đá Việt không dễ để tìm người thay thế Duy Mạnh hay Văn Đức trong một sớm, một chiều.
Cũng như trong thế trận bị dồn ép nghẹt thở với đội bóng 2 lần dự World Cup thì việc các tiền đạo liên tục đói bóng, rất ít có cơ hội lập công là chuyện không có gì phải bàn, phải lo cả. Lo nhất là hàng phòng ngự, khâu phòng ngự từ xa đến gần, sau đó mới tính đến chuyện chuyển trạng thái để phản công. Tiến Linh như thường lệ vẫn có một suất được mặc định trên hàng công và dĩ nhiên Văn Đức, dù ai nói ngả nói nghiêng, thì ông Park Hang-seo vẫn tìm cách để “lắp”, “vá” Văn Đức một cách hợp lý nhất trong đội hình. Ông thầy Hàn Quốc có thể mang tiếng bảo thủ nhưng trong trường hợp này, ông có lý và tin chắc ông sẽ đi đến tận cùng xác quyết của mình.