Bên hành lang Quốc hội chiều 7/6, Bộ trưởng Công an Tô Lâm đã có cuộc trao đổi về việc dự thảo Luật Công an nhân dân (sửa đổi) quy định theo hướng công an xã là lực lượng chính quy thay vì bán chuyên trách như lâu nay, và Bộ Công an sẽ điều 25.000 công an chính quy về xã.

- Vì sao việc chính quy hóa công an xã được đặt ra lúc này, thưa Bộ trưởng? 

Thực ra công an xã đã được quy định trong Luật công an nhân dân 2014, bởi đã là công an nhân dân thì phải chính quy. Nhưng vì lúc đó chúng ta không đủ lực lượng và tình hình ở xã cũng chưa phải phức tạp, cấp bách, thành ra vẫn để họ là lực lượng không chính quy.

Bây giờ sửa đổi Luật và quy định thì vẫn đúng với Luật hiện hành bởi đã là công an thì không thể có hai loại công an được. Lâu nay dư luận bức xúc các trường hợp công an đánh người, vi phạm,... thực ra nằm ở lực lượng không chính quy trên địa bàn xã này, nhưng họ vẫn là công an. Tên gọi là công an nhưng bản chất không phải. Không nên để tình trạng không rõ ràng như vậy mà cần phải chính danh để họ làm việc.

Hơn nữa, nếu vẫn duy trì công an xã bán chuyên trách thì khi họ hy sinh lại không được chế độ của công an, trong công tác không được đào tạo; không được quản lý, bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ như công an thì rất khó hoạt động.

141926-1.jpgBộ trưởng Công an Tô Lâm (bìa trái) trao đổi với ông Trần Văn Túy, Trưởng ban công tác đại biểu Quốc hội. Ảnh: Quang Phúc

- Nhiều ý kiến lo ngại xây dựng công an xã thành lực lượng chính quy sẽ dẫn đến ‘phình’ biên chế ngành. Ông lý giải thế nào về cách hiểu này?

- Chúng tôi đưa lực lượng công an chính quy về hoạt động ở cấp xã nhưng không xin thêm một suất biên chế nào mà chỉ điều chỉnh trong ngành. Tất cả vẫn theo tinh thần Bộ tinh gọn, tỉnh cũng phải gọn gàng, huyện cũng thế. Trước đây huyện không có công an xã nên có đội công an phụ trách xã. Bây giờ huyện về xã luôn không cần phụ trách xã gì nữa. Trước mắt biên chế có thể chưa giảm được nhưng về cơ cấu sẽ phải giảm.

Việc chính quy hóa công an xã cũng đảm bảo không phình thêm lực lượng nào. Với công an xã không chính quy lâu nay thì sẽ được huy động trở thành lực lượng dân phòng, tổ chức chặt chẽ, quy định thành Luật để người ta hoạt động. Chúng tôi đang đề xuất xây dựng Luật trị an cơ sở để điều chỉnh lực lượng dân phòng này, có thể điều chỉnh cả hoạt động của những người được gọi là hiệp sĩ, những người tình nguyện tham gia phòng trào phòng, chống tội phạm trong quần chúng. 

Hiện nay hiệp sĩ chỉ hoạt động theo kiểu tự phát, chưa có luật nào quy định cho họ hoạt động cả. Chúng ta khuyến khích mô hình tình nguyện đó nhưng phải có luật điều chỉnh, có hướng dẫn để đảm bảo an toàn.

- Vậy phải chăng nếu trước đây công an xã chỉ được làm một số việc điều tra ban đầu như: lập biên bản quả tang,… còn sau này là lực lượng chính quy rồi thì họ sẽ được trao quyền như một điều tra viên?

- Lực lượng này sẽ được phân cấp để làm một số việc. Lâu nay công an xã không chính quy cũng đã được làm một số việc như tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm, như vậy cũng đã tiếp nhận điều tra ban đầu rồi.

Nếu lực lượng công an xã không được hướng dẫn nghiệp vụ thì họ có thể vi phạm khi hoạt động mà không biết. Hiến pháp đã quy định phải tôn trọng quyền tự do công dân, chỉ những người được giao chức trách, quyền hạn mới được tiến hành một số công việc theo Luật quy định. Và nếu làm theo đúng quy định của pháp luật thì phải chính quy hóa, lực lượng công an phải tuân thủ nghiêm Hiến pháp.

Yêu cầu chung đặt ra hiện nay cũng là xây dựng lực lượng công an tinh nhuệ. Việc chính quy hóa công an xã là một bước trong quá trình đó.

- Bộ dự kiến đưa 25.000 công an chính quy về xã, như vậy ở xã sẽ có cả công an chính quy và bán chuyên trách. Họ sẽ làm cùng công việc, cùng môi trường nhưng chế độ, chính sách khác nhau. Việc này sẽ được giải quyết như thế nào, thưa ông?

- Việc này đã được khảo sát, tính toán rồi.Trước đây lực lượng công an bán chuyên trách ở xã làm nhiệm vụ công an nhưng không phải ngành trả lương mà tỉnh trả lương. Bây giờ tỉnh không phải dành một khoản ngân sách để trả cho những người này nữa, mà vẫn có đội ngũ này để phân công làm nhiệm vụ khác ở xã thì rất tốt, đóng góp vào nguồn cán bộ không phải trả lương. Bên cạnh đó, những công an xã xuất sắc, còn nhiệt huyết, đủ tiêu chuẩn để tuyển vào công an thì sẽ được tuyển kể cả công an viên. 

Cục đặc biệt ở Bộ Công an là như thế nào?

Dự thảo Luật Công an nhân dân (sửa đổi) quy định việc thành lập Cục đặc biệt ở Bộ Công an và Cục trưởng có trần quân hàm tới Trung tướng. Giải thích nội dung này, Bộ trưởng Công an Tô Lâm nói: "Đây thực chất được hiểu là những Cục trực tiếp chiến đấu, hàng ngày hàng giờ đối mặt với tội phạm; là cục nghiên cứu tham mưu những vấn đề chiến lược. Những yếu tố như vậy mang tính đặc biệt".

"Ví dụ nói đến công an là nói đến chống tội phạm hình sự thì cục đấu tranh phòng chống tội phạm hình sự, đấu tranh chống tội phạm ma túy là những cục đặc biệt. Hay cục điều tra chống tội phạm kinh tế, tham nhũng. Anh em hàng ngày phải điều tra, đối mặt khó khăn. Đó là những lực lượng trực tiếp chiến đấu. Vì vậy có thể có một số cục đặc biệt chứ không phải chỉ một", Bộ trưởng Công an nói.