Chiều 31/8, thượng tá Trần Phúc Tú - Trưởng Công an huyện Tương Dương, cho biết đơn vị này đã khoanh vùng được một số người tung tin đồn vỡ đập thủy điện Bản Vẽ vào sáng cùng ngày.

“Ngay sau khi có tin đồn, chúng tôi đã vào cuộc làm rõ. Đến thời điểm hiện tại đã xác định được một số đối tượng nghi vấn. Đơn vị hiện đang làm rõ cả những người tung tin trên mạng xã hội lẫn truyền miệng”, thượng tá Tú chia sẻ với phóng viên Báo Nghệ An.

k9300730_3182018.jpgTin đồn vỡ đập khiến người dân hoảng loạn, bỏ chạy lên núi lánh nạn. Ảnh: Đào Thọ

Theo Trưởng Công an huyện Tương Dương, sau khi xác định được những người tung tin đồn, công an sẽ làm rõ hậu quả để đưa ra các hình thức xử lý. “Nếu xét thấy hậu quả của việc tung tin đồn này là nghiêm trọng thì có thể xử lý hình sự. Còn không sẽ xử phạt hành chính”, Thượng tá Tú cho hay.

Trước đó, sáng 31/8, nhiều tài khoản Facebook đồng loạt tung tin vỡ đập thủy điện Bản Vẽ. Cùng thời điểm này, lượng nước đổ về vùng hạ du rất lớn khiến người dân hoảng loạn. Hàng trăm người dân ở huyện Tương Dương thậm chí hối hả chạy lên núi lánh nạn. Nhiều người chỉ kịp bế theo con nhỏ, một số lại mang theo cả tài sản, đồ ăn….

Tuy nhiên, giới chức huyện Tương Dương lập tức bác bỏ thông tin này. Có mặt ngay trên thân đập thủy điện Bản Vẽ sáng 31/8, ông Kha Văn Ót - Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương, cho hay không hề có dấu hiệu mất an toàn nào đối với thủy điện này. Tuy nhiên, việc xả lũ lớn nhất trong lịch sử ( hơn 4.200m3/s), cũng đã khiến cầu Bản Vẽ (xã Yên Na), bị gãy đôi. Sự cố này khiến Bản Vẽ bị cô lập hoàn toàn. Ngoài ra, hàng chục nhà dân vùng hạ du Bản Vẽ cũng đã bị nước lũ cuốn trôi….

Thủy điện Bản Vẽ hiện đang xả với mức kỷ lục do lượng nước từ thượng nguồn đổ về rất lớn. Ảnh: Phương Thọ

Theo ông Tạ Hữu Hùng - Phó giám đốc thủy điện Bản Vẽ, thiết kế của đập thủy điện Bản Vẽ theo tính toán có thể chịu được lưu lượng nước đổ về lên đến 7.770m3/s cùng với các điều kiện khác mới mất an toàn. Với lưu lượng nước đổ về như hiện tại thì khoảng 50 năm mới có một lần.

Thủy điện Bản Vẽ là công trình thủy điện xây dựng tại thượng nguồn Nậm Nơn (sông Lam). Đập chính và nhà máy điện đặt tại bản Vẽ, xã Yên Na, huyện Tương Dương. Thủy điện này có công suất thiết kế 320 MW. Đập của thủy điện tạo ra hồ Bản Vẽ, diện tích mặt nước 8.700 km2. Đây là công trình thủy điện lớn nhất khu vực bắc miền Trung. Để xây dựng thủy điện này, có 4 xã đã bị xóa sổ hoàn toàn.

Trong một diễn biến khác, nhà chức trách tỉnh Thanh Hóa cũng đang rốt ráo truy tìm để xử lý một số kẻ tung tin đồn vỡ đập thủy điện Trung Sơn vào tối 30/8 trên Facebook. Tin đồn này nhanh chóng lan rộng khiến nhiều người dân hoảng loạn...