Đây là nội dung chính của Đề án cơ sở vật chất, cán bộ và lộ trình thực hiện việc ghi âm, ghi hình có âm thanh trong hỏi cung bị can được Thủ tướng phê duyệt hôm 11/9.
Theo lộ trình của đề án, năm 2019 sẽ hoàn thành đề án tổng thể và triển khai đầu tư đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, tổ chức bộ máy và bố trí cán bộ. Bởi các buồng hỏi cung của Bộ Công an hiện nay đa số xuống cấp và chỉ một số ít được trang bị ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh. Hầu hết trụ sở các cơ quan điều tra chưa có phòng hỏi cung mà dùng ngay phòng làm việc.... Cơ sở vật chất của các bộ ngành khác cũng chưa đảm bảo cho việc ghi âm, ghi hình khi lấy lời khai.
Theo thông tư liên tịch hướng dẫn về trình tự, thủ tục thực hiện ghi âm, hình có âm thanh,... do Bộ Công an, Quốc phòng, TAND Tối cao, VSKND Tối cao ban hành, cán bộ hỏi cung bị can hoặc lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội quyết định lựa chọn hình thức ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh. Trong quá trình làm việc này, cán bộ hỏi cung có thể tạm dừng ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh song đọc rõ thời gian và lý do.
Trường hợp không bố trí được thiết bị ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh, cán bộ hỏi cung, lấy lời khai thông báo cho bị can, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội biết. Nếu họ đồng ý thì tiến hành làm việc, nếu không thì phải dừng.
Luật sư Diệp Năng Bình đánh giá quy định ghi âm, ghi hình trong hoạt động tố tụng hình sự là "sự tiến bộ"; là "bước ngoặt trong hoạt động tố tụng giúp người dân có niềm tin hơn vào công lý".
Việc ghi âm, ghi hình sẽ hạn chế được bức cung, nhục hình, oan sai và những sai phạm có thể xảy ra trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử; đảm bảo sự minh bạch, quyền công dân, con người trong hoạt động tố tụng hình sự để từ đó việc giải quyết vụ án được khách quan. Bên cạnh đó, nó sẽ hạn chế việc phản cung.
Tuy nhiên, nhà chức trách cần có quy định cụ thể hơn về trình tự, thủ tục tiếp cận bản ghi âm, ghi hình của bị can, bị cáo, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.