(Baonghean) - Ngày nắng, chầm chậm đạp xe trên phố, xuôi xuống quãng cuối đường với vẻ lầm lụi nơi xóm thợ trải hàng thế kỷ nay, sẽ không nén được cảm giác chộn rộn, nao nao. Một thoáng chốc thôi, bên hàng cây mà mầm lá đang cố xanh lên trên những thân cành cằn cỗi, sẽ râm ran lên tiếng ve thuở học trò trong vắt… Đó là cảm giác “lạ” khi đi trên đường Nguyễn Văn Trỗi, TP. Vinh…

 
Đường Nguyễn Văn Trỗi
Đường Nguyễn Văn Trỗi

Đường xưa vốn là một lối mòn mở ra đi qua trường thi hương thời Nguyễn quãng năm 1807. Thời thuộc Pháp đường được mở rộng hơn, là lối đi về trong khu phố Đệ Thập, làng Yên Dũng Hạ của tỉnh lỵ Vinh. Thế nên, mỗi bước chân trên con đường này là ta đang đi trên một vùng trầm tích văn hóa - lịch sử của khu vực Phượng Hoàng Trung Đô - Bến Thủy nổi tiếng. Khởi phát là nơi trường học, xóm thợ nên phố có sự nhạy cảm nhất định trong nếp sống trải mọi thời. Không gian trường thi hương xưa nay là Trường Đại học Vinh, trung tâm giáo dục đào tạo Bắc Trung bộ; xóm thợ vẫn còn lưu dáng dấp trong các khu tập thể của Cảng Bến Thủy, Hợp tác xã bốc vác (cũ), Nhà máy dệt kim Hoàng Thị Loan (nay là Công ty CP Dệt may Hoàng Thị Loan)…

Bắt đầu từ điểm nối đường Lê Duẩn với đường Nguyễn Du, đường Nguyễn Văn Trỗi có chiều dài hơn 1 cây số chạy xuôi xuống tiếp ngang đường Dũng Quyết. Đây là con đường duy nhất của Thành phố Vinh chạy suốt nối ngang 2 trục đường quan trọng: Quốc lộ 1A đoạn chạy qua Vinh và đường du lịch ven sông Lam. Đường Nguyễn Văn Trỗi đã góp phần làm nên “danh xưng” Ngã tư Đại học, mà biết đâu một ngày nào đó có thể sẽ là một địa danh gắn bó của Vinh cỡ như là Ngã Tư Sở hay Ô Chợ Dừa của Hà Nội? Thì cái chợ Bến Thủy nay cũng đang được người ở phố quen gọi là Chợ Đại học đó thôi! Chợ bên mặt Đông và một quãng mặt Tây của phố bên hông Trường Đại học Vinh đã làm nên sự náo nhiệt phố phường trăm thứ dịch vụ. Rất nhiều hàng tạm vỉa hè hướng đến “thượng đế” là giới sinh viên, nên dịch vụ ở đây có một nét riêng biệt so với các chợ lẻ khác trong thành phố, nhờ lô xô những hàng kính bút, sửa khóa, vá giày dép… và nhộn nhất là các hàng quần áo bình dân mùa nào thời trang ấy. Quãng này phố ồn ào đông đúc từ tảng sáng cho đến tận khuya.

Quãng trên của phố có nhiều hàng ăn uống và giải khát với những thức chủ yếu là phục vụ cho giới sinh viên. Ở quãng cắt đường Phong Định Cảng, có một cây bao báp, loài cây vốn tổ tiên ở châu Phi xa xôi mà người phố không ai biết tuổi, để cái ngõ nhỏ thông vào một không gian “Cà phê Bao Báp” đang làm nên một nét thi vị phố. Và vài năm lại đây, bên phía hàng rào Nhà máy sợi Vinh cũ, đã hình thành một phố ăn đêm nhưng thực ra gần như bán suốt ngày đêm với các thức dân dã cua, ốc, ếch…chủ yếu phục vụ cánh công nhân lao động tự do.  Mùa hè, nhiều nhà hàng chuyển bán bia hơi. Thế, cũng đã tạo nên một nét mới làm phong phú ẩm thực phố này.  

Di tích lịch sử Cồn Mô trên đường Nguyễn Văn Trỗi

Quãng dưới đường Nguyễn Văn Trỗi xuôi xuống đường Dũng Quyết, với điểm nhấn là công sở, nhà xưởng, kho tàng… của Công ty CP Dệt may Hoàng Thị Loan. Phố chỉ rộn rịp lên một nhoáng mỗi sớm mỗi chiều khi vào ca, tan tầm, sau đó trở về nếp lặng lẽ có phần tịch mịch. Lúp xúp, cũ kỹ các khu nhà tập thể vắng người, thưa thớt hàng ăn sáng, hàng sửa xe đạp, cắt tóc vỉa hè,… vắng khách. Những ông chủ, bà chủ lơ đãng ngồi trên ghế tựa trước cửa, như là những nhân viên bảo tồn một khu xóm thợ gắn với lịch sử thợ thuyền và phong trào cách mạng của Vinh. 

Cư dân trên đường Nguyễn Văn Trỗi nay có quyền tự hào về truyền thống đấu tranh ngày bình minh cách mạng. Sử ghi: “Cao trào cách mạng 1930-1931, với đỉnh cao Xô Viết Nghệ Tĩnh được mở đầu bằng cuộc đấu tranh của công - nông Vinh - Bến Thuỷ, ngày 1-5-1930, đúng 5 giờ sáng, đội tự vệ được bố trí canh gác các ngả đường, sau tiếng trống lệnh từ trung tâm phát ra, cùng tiếng mõ, tiếng trống nhiều nơi trong vùng hưởng ứng. Nhân dân từ các ngả đường thuộc địa phận Bến Thuỷ nô nức đổ về tập trung tại Cồn Mô... Hoảng sợ trước làn sóng biểu tình của quần chúng, kẻ thù dã man bắn vào đoàn biểu tình làm 7 người chết, 18 người bị thương và hơn 100 người bị bắt. Cồn Mô - Bến Thuỷ đã thấm đẫm máu đào của công nông Vinh - Bến Thuỷ”. Cồn Mô nằm trên đường này. Đài kỷ niệm ngày đau thương và hào hùng ấy đã được dựng lên, người dân hương khói tri ân những ngày kỷ niệm. 

Nét cảng sông Bến Thủy tấp nập, sầm uất một thời nay in dấu ở các hàng bán than đá, vật liệu xây dựng, cơ khí và những chuyến xe tải lầm lụi từ phía bến sông chạy lên; ở cả cái trụ sở nhỏ bé treo biển “Trạm Biên phòng cửa khẩu Cảng Bến Thủy”. Sẽ rất ý nghĩa nếu như một ngày khi hoạt động du lịch ven sông Lam vào thực chất, đường Nguyễn Văn Trỗi được chọn là con đường đầu mối để du khách tìm về những di tích, địa  danh minh họa cho những phong trào cách mạng công - nông Vinh Bến Thủy. Đó là hội Tư Văn và nhà Văn Thánh ra đời từ thế kỷ 19; di tích lịch cấp quốc gia Cồn Mô, nhà thờ đồng chí Lê Viết Thuật – Bí thư Xứ ủy Trung kỳ…

Phố có cái náo nhiệt dường ấy, có cái tĩnh lặng dường ấy. Phố còn chứa đựng bao nhiêu câu chuyện kể về một vùng Yên Dũng Hạ - Bến Thủy lịch sử. Nhưng thật lạ, khi những ngày nắng cả tháng Tư, chầm chậm đạp xe trên quãng vắng, lại tưởng như sẽ được ngay lập tức râm ran lên tiếng ve thuở học trò trong vắt. Bạn có thể trải nghiệm cảm giác đó như tôi, để chúng ta lớn lên những kỳ vọng phố tươi trẻ cho đường Nguyễn Văn Trỗi của phố Vinh thân yêu.

Nguyễn Văn Trỗi sinh ngày 1/2/1940 tại làng Thanh Quýt, xã Điện Thắng, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam; sau cùng gia đình vào Sài Gòn (nay là TP. Hồ Chí Minh) sinh sống. Lớn lên, ông làm thợ điện ở Nhà máy điện Chợ Quán và tham gia tổ chức Biệt động thành, Đại đội quyết tử cánh Tây Nam Sài Gòn (thuộc Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam). Ông được giao nhiệm vụ đặt mìn ở cầu Công Lý (nay là cầu Nguyễn Văn Trỗi), để ám sát phái đoàn quân sự chính trị cao cấp của Chính phủ Mỹ do Bộ trưởng quốc phòng Robert McNamara dẫn đầu. Công việc bại lộ, ông bị bắt ngày 9/5/1964.

Chính quyền Việt Nam Cộng hòa kết án tử hình và Nguyễn Văn Trỗi đã hy sinh anh dũng trước mũi súng kẻ thù vào ngày 15/10/1964. Ông đã được truy nhận đảng viên Đảng Nhân dân Cách mạng miền Nam và được Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam truy tặng Huân chương Thành đồng hạng nhất. Nguyễn Văn Trỗi được đặt tên đường ở nhiều đô thị trong cả nước.

Đình Sâm