Mắt rưng rưng nhìn lá quốc kỳ
Trong cuộc đời mỗi người, không phải ai cũng vinh dự được ra Thủ đô Hà Nội để vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Dù là ai, doanh nhân hay công nhân lao động; văn nghệ sĩ hay người nghèo khó; dân thường hay cán bộ cấp cao, mỗi lần vào Lăng viếng Bác đều có chung một tâm trạng: Kính cẩn nghiêng mình cảm phục trước anh linh Người.
Chúng tôi - những người dân miền Nam Thành đồng Tổ quốc cũng trong tâm trạng thiêng liêng xúc động ấy.
Một ngày mới bắt đầu ở Quảng trường Ba Đình lịch sử là lễ thượng cờ Tổ quốc lúc 6 giờ sáng. Từ 5 giờ 50 phút, loa phát thanh từ quảng trường thông báo: “Đã đến giờ cử hành lễ chào cờ. Đề nghị nhân dân ở khu vực quảng trường dừng mọi hoạt động, hướng về Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh để lễ chào cờ trang trọng”. Ắt thì tất cả những người dân đang tập thể dục ở khu vực này quay mặt về hướng Lăng, đứng nghiêm trang.
Tiếng nhạc “Tiến bước dưới quân kỳ” nổi lên hùng tráng cả một vùng Hà Nội: “Vừng đông đã hửng sáng, núi non xanh ngàn trùng xa, Tổ quốc bao la hiền hòa”. Một trung đội cảnh vệ quân phục chỉnh tề, hùng mạnh vác súng hành tiến đến trước cột cờ và thực hiện nghi thức thượng cờ.
Hòa trong dòng người Hà Nội, chúng tôi hướng về Lăng Bác. Lời Quốc kỳ trầm hùng xúc động thiêng liêng. “Đoàn quân Việt Nam đi, chung lòng cứu Quốc, bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa…”. Từ trong huyết quản của mình trào dâng niềm yêu đất Việt vô bờ. Trong phút ấy, mỗi người một cung bậc cảm xúc khác nhau, nhưng có một tâm trạng chung là thành kính tri ân người Anh hùng dân tộc Hồ Chí Minh. Thầm cảm ơn Người đã đem lại hòa bình hạnh phúc cho nước Việt. Tự hào về dân tộc Việt Nam hiên ngang kiên cường trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm, kiên trì bền vững trong xây dựng đất nước hòa bình; thủy chung với bầu bạn thế giới.
Càng xúc động hơn, khi dòng người bắt đầu vào Lăng viếng Bác. Hàng ngàn bước chân trên bậc thang mỗi ngày, hàng triệu lượt người vào viếng mỗi tuần, hàng trăm đoàn khách quốc tế trên khắp các châu lục viếng Bác mỗi năm, nhưng tất cả đều lặng lẽ, nhẹ nhàng, chậm rãi khi đi quanh linh cữu Bác. Trong trầm lắng, yên lặng, linh thiêng ấy, có tiếng nấc nghẹn lòng kìm nén của cô giáo trẻ; có giọt nước mắt xúc động của chị thanh niên xung phong. Còn chúng tôi - những người lính hải quân từ Trường Sa, DK1 trở về đưa tay lên mũ chào Người mà rưng rưng nước mắt với niềm xúc động vô bờ.
Giờ hạ cờ bắt đầu từ lúc 20 giờ cùng ngày. Loa truyền thanh thông báo: “Đã đến giờ lễ hạ cờ. Đề nghị nhân dân ở khu vực quảng trường dừng mọi hoạt động, hướng về Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh để lễ hạ cờ trang trọng”. Không ai bảo ai, hàng ngàn người dân thủ đô đang dạo mát và khách thập phương, tự giác lùi về phía sau ô cỏ thứ ba, đứng nghiêm trang mắt hướng về Lăng Bác. Lễ hạ cờ bắt đầu. Khúc nhạc “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân” hùng tráng phát ra từ phía Lăng. Một trung đội chiến sĩ cảnh vệ quân phục chỉnh tề đi đều từ xa hành tiến đến trước cột cờ và thực hiện nghi thức lễ hạ cờ.
Anh Trần Văn Lợi - nguyên thiếu tá sĩ quan nhà giàn DK1 quê ở Lưu Sơn, Đô Lương Nghệ An chia sẻ. “Không phải lần đầu vào Lăng viếng Bác, nhưng mỗi lần đi quanh linh cữu Người, mình luôn cảm giác xúc động linh thiêng. Mỗi người có cung bậc cảm xúc khác nhau, nhưng đều có chung một tấm lòng thành kính tri ân Bác. Mỗi lần viếng Bác, niềm tự hào yêu Tổ quốc mình hơn.”
Về miền Nam nhớ Bác khôn nguôi
Chào cờ Tổ quốc ở Quảng trường Ba Đình không chỉ là nghi thức quốc gia, mà còn là tình cảm của cả dân tộc đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nghi thức ấy đã trở thành niềm tự hào của người dân Thủ đô, là biểu tượng cao quí về sự tôn kính quốc nước của dân tộc Việt Nam, là niềm kiêu hãnh của người dân Việt Nam với bầu bạn quốc tế.
Hằng ngày người dân Thủ đô và khách thập phương chứng kiến nghi thức thượng hạ cờ trang trọng thiêng liêng tại Quảng trường Ba Đình, nhưng không phải ai cũng tường tận trong đoàn quân ra thực hiện nghi thức thượng hạ cờ ấy có bao nhiêu chiến sĩ. Có người nói là đội quân hùng hậu, có người nói là trung đội cảnh vệ, nhưng hầu như không biết chính xác trong đội quân ấy có bao nhiêu người.
Một sĩ quan của Bộ Tư lệnh Lăng cho biết, đội quân hằng ngày thực hiện nghi thức thượng, hạ cờ ở Lăng Bác gồm 34 chiến sĩ. Đó là quân số đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam mà tiền thân là Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. 34 chiến sĩ thực hiện nghi thức thượng hạ cờ có ý nghĩa linh thiêng. Đó là những chiến sĩ đầu tiên của Quân đội ta mà Bác đã sáng lập và rèn luyện. Những người lính khoác trên mình danh hiệu cao quí Bộ đội Cụ Hồ luôn túc trực bên Bác. Cả những lúc Bác sinh thành hành quân chiến đấu, cả khi Người về thế giới vĩnh hằng.
Có một điều mà không phải ai cũng tường tận, đó là sử dụng nhạc trong nghi thức chào cờ buổi sáng với bài “Tiến bước dưới quân kỳ”. Lời bài ca giục giã bước quân hành: “Vừng đông đã hửng sáng/ núi non xanh ngàn trùng xa/ tổ quốc bao la hiền hòa../ muôn trái tim này hòa nhịp cùng ngàn lời ca trong sóng lúa/ lấp lánh sao bây trên quân kỳ”.Đây chính là tiếng kèn báo hiệu một ngày mới với ánh vầng dương buổi sáng, như thúc dục hiệu triệu trái tim người dân Việt Nam hãy sống và hành động theo lời Bác dạy và dâng hiến sức trẻ của mình cho đất nước...
Khép lại một ngày ở Quảng Trường Ba Đình lịch sử là tiếng nhạc “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân”. Lời nhạc trầm hùng thiết tha, như thúc dục hơn 90 triệu người dân Việt Nam trên con đường xây dựng đất nước phồn thịnh. “Đêm nay trên đường hành quân ra mặt trận, trùng trùng đoàn quân tiến bước theo con đường của Bác/ cả đoàn quân tiến theo Người như thác đổ/ hãy phất cao cờ đỏ Bác trao… ”.
Dù ngày hay đêm, dù biển xa hay đảo vắng, dù thành thị hay nông thôn, triệu người như một tiến theo con đường mà Đảng và Bác Hồ đã chọn. Dẫu con đường phía trước có thể còn nhiều chông gai, có thể là mặt trận đầy sự hi sinh, nhưng người Việt đã quyết, chí Việt đã bền, Đảng Việt Nam đã ngời sáng vinh quang. Trong chiến tranh, người dân Việt Nam đoàn kết tiến ra mặt trận, “Xông lên giải phóng thành đô quét sạch bóng quân xâm lược”.
Thời bình đoàn kết đấu tranh xây dựng đất nước, xóa nghèo, tăng giàu, xây dựng đất nước phồn vinh. Tuy Bác đã đi xa, nhưng Bác vẫn trong trái tim mỗi người, tư tưởng vĩ đại của Bác về giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước “đàng hoàng tươi đẹp” vẫn mãi đồng hành cùng dân tộc Việt Nam.
Chúng tôi trở về miền Nam thành đồng Tổ quốc trong niềm tự hào về Hà Nội, tự hào về Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và ngưỡng mộ đất và người Hà Thành ngàn năm văn hiến. Vẳng nghe trong tim tôi lời bài hát “Vầng trăng Ba Đình”. Lời bài hát “Con ở miền Nam ra thăm Lăng Bác/ đã thấy trong sương hàng tre bát ngát/ mai về miền Nam tuôn trào nước mắt/ mai về miền Nam nhớ Bác không nguôi” thấm vào gan ruột.