(Baonghean) - Hai năm rồi mới về thăm lại người quen cũ. Cách nhau chỉ chưa đầy 50 cây số, tôi đã ghé nhà bạn ấy cũng hơn cả chục lần, ấy mà hôm qua khi “a lô” với nhau, bạn cứ dặn đi, dặn lại đến chỗ ngã ba nọ thì rẽ trái, qua chỗ đài tưởng niệm kia thì rẽ phải, sốt cả ruột! Tưởng bạn đã “bắt nhịp” với bệnh tuổi già, ai dè khi về đến đầu xã tôi đã phải tá hỏa hỏi đường. Chao ôi, chỉ 2 năm mà nông thôn mới (NTM) đã làm thay đổi bao nhiêu là hạ tầng quê bạn. Mọi thứ dường như đang cố “khước từ” những gì gọi là lạc hậu. 

Ngồi với nhau, bữa cơm khá thịnh soạn mà đặc sản như bạn giới thiệu là “gà “đi bộ” thật chứ không phải gà “đi thể dục” như trong Vinh mô”. Câu chuyện của tôi với bạn dường như cuốn vào duy nhất chủ đề nông thôn mới (NTM). Vị cán bộ “vác tù và hàng tổng” (bạn làm trưởng thôn) của tôi hồ hởi tâm sự: “Cả năm trời không mấy khi được giấc ngủ ngon. Việc này chưa rồi, trồi việc khác”. Từ chỗ ban đầu đưa ra dân khó khăn thế nào, cho đến cơ chế giám sát công trình ra làm sao. Rồi bạn lại liệt kê đầy đủ quá trình khỏa lấp 19 tiêu chí nữa… Cái nào nghe cũng gian nan. Cuối cùng bạn tếu táo: “Giờ thì như ông thấy đấy, mà không chỉ mỗi mình ông lạc đường đâu, trâu làng nhiều con vào nhầm chuồng nhà khác nữa mà…”.

Tôi hỏi bạn: “Thế bây giờ đã “ngủ ngon” được chưa?” Bạn trả lời: “Vẫn chưa?”. “Răng rứa?”. “Nợ, nợ công trình vẫn còn. Mà nợ được là may rồi ông nhỉ, còn duyên còn nợ mà”. Vâng, đấy là câu chuyện cuối tuần của tôi với bạn, giữa một công dân “cũ” của đô thị về thăm “nông thôn mới”.

Tôi lặng lẽ mang những cảm xúc có đôi chút hồn nhiên của bạn về với thị thành, vui với niềm vui của bạn. Được biết, đến tháng 7/2015, toàn tỉnh đã có 43 xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM. Không nghi ngờ gì cả, phong trào NTM trong toàn tỉnh đang được thi đua rộng khắp, sôi nổi và mang lại những đổi thay tích cực. Công cuộc xây dựng NTM trên toàn tỉnh trong 4 năm qua đã thực sự thay đổi mạnh mẽ đối với diện mạo và chất lượng sống của không ít “vùng lõm” trên địa bàn. Ngoài nguồn vốn rót hỗ trợ từ Trung ương, của tỉnh, của huyện, của xã, thì quá trình vào cuộc của sức dân được khơi mạch bằng sự đồng thuận đã làm nên “cuộc cách mạng” sống động nhất trong việc thay đổi diện mạo bộ mặt nông thôn tỉnh nhà. Hôm nay ai về với Sơn Thành (Yên Thành) hay Nam Cát (Nam Đàn) rồi Quỳnh Thạch (Quỳnh Lưu)... chắc sẽ không khỏi ngỡ ngàng về sự đổi thay thực chất đó. Người dân không chỉ các xã đã “có bằng” mà cả các đơn vị đang chinh phục 19 tiêu chí đều được hưởng những thành quả của NTM mang lại. Sự xuất hiện của hàng ngàn mô hình kinh tế mới, công trình mới, đường giao thông bê tông hóa sạch đẹp  chạy khắp thôn xóm, nhà văn hóa, sân thể thao, trường học… được đầu tư khang trang. Sức mạnh của lòng dân 4 năm qua còn được thể hiện qua các con số: hiến 4.975.010m2 đất, đóng góp hàng chục ngàn ngày công và  huy động được 4.303, 5 tỷ đồng. Theo chúng tôi được biết thì xấp xỉ 1/3 số tiền đầu tư hành trăm công trình dân sinh đó được đến từ túi tiền của nhân dân (29%). Điều ấn tượng không chỉ đơn thuần là những công trình, là những “tiêu chí” mà quan trọng hơn, lớn hơn là chúng ta đã khơi dậy được sức mạnh của khối đại đoàn kết, quy tụ được lòng dân. 

Cái được thì đã rõ, quá tích cực và không thể không ghi nhận. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng NTM cũng đã xuất hiện những vấn đề cần phải “để ý” hơn. Ngoài những tồn tại cá biệt ở một số đơn vị như mức huy động, đối tượng huy động, việc giám sát chất lượng…. rồi cả bệnh“ nặng” hạ tầng, “nhẹ” sản xuất, nhớ công trình mà lại quên “bữa ăn, giấc ngủ” đã được phản ánh lâu nay thì nổi lên vấn đề mà còn làm vị trưởng thôn trong câu chuyện dẫn trên “khó ngủ” đấy là nợ công trình. Xã thì nhiều, xã thì “sắp sửa” nhiều. Có lẽ nợ công trình nông thôn mới vẫn đang tiếp tục là vấn đề khá “nóng” cần phải tập trung để từng bước giải quyết dứt điểm. Việc “tiêu tiền khi chưa ở trong túi” có thể mang lại “băng khánh thành” nhưng cũng để lại các khoản nợ kha khá…

Hình như xã nào cũng có chuyện “chậm” tiền, huyện nào cũng có số chục, số trăm. Được biết, mỗi nơi, mỗi cấp, mỗi “tý” ấy vậy mà cộng lại thì đến hết năm 2014, có 431/431 xã còn nợ đầu tư xây dựng NTM với số nợ 27.850.000 triệu đồng. Trong đó, nợ đọng đối với các công trình đã hoàn thành 865.768 triệu đồng, nợ đối với các công trình chưa hoàn thành 1.884.359 triệu đồng. Nợ ở 34 xã đã đạt chuẩn NTM là 390.182 triệu đồng.

Như chúng ta đã biết, số lượng xã về đích nông thôn mới không còn là vấn đề thách thức nếu so với chỉ tiêu kế hoạch. Bởi vậy, đến lúc chúng ta cũng cần quan tâm hơn chất lượng chiều sâu của phong trào. Đặc biệt là đừng quên số tiền nợ công trình sẽ là một trong những câu hỏi không dễ “trả lời” trong tương lai. Nhắc lại câu tếu táo của người bạn “Còn duyên thì còn nợ”. Nói là nói vui thế thôi, chứ “duyên” mà để lâu quá thì “nợ” cũng… ngại!

Nguyễn Khắc An