Kết nối hạ tầng thuận lợi
Xác định việc kết nối hạ tầng giao thông là yếu tố quan trọng để thúc đẩy phát triển tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, nhiệm kỳ qua, Huyện ủy, UBND huyện có nhiều giải pháp thu hút nguồn lực đầu tư, xây dựng giao thông. Nhiều tuyến đường ách yếu phục vụ dân sinh, phát triển kinh tế - xã hội được hoàn thành như: Đường giao thông từ Quốc lộ 7A vào Bệnh viện ĐKKV Tây Nam, đường đô thị Con Cuông từ quốc lộ 7A đến khu công nghiệp nhỏ. Đặc biệt, nhiệm kỳ qua, huyện đã nỗ lực hoàn thành dự án đường từ thị trấn Con Cuông đi xã Bình Chuẩn, được khởi công cách đây 13 năm. Đây là tuyến đường huyết mạch đi qua các xã: Bồng Khê, Mậu Đức, Đôn Phục và Bình Chuẩn với chiều dài toàn tuyến gần 29 km.
Huyện cũng tích cực huy động nguồn lực xây dựng mới đường giao thông đến trung tâm xã Châu Khê; kết nối đường giao thông từ xã Mậu Đức đi xã Thạch Ngàn; Sửa chữa hạ dốc đường giao thông vào vùng sản xuất Thung Coong xã Chi Khê; Sửa chữa cấp bách tuyến đường từ bản Cống đi bản Cai xã Cam Lâm, nâng cấp, mở rộng đường giao thông bản Cai - bản Cam, đường bê tông (đoạn tuyến từ Khe Phường, bản Cống - đến bản Cai), đường Bồng Khê đi Khe Rạn; Sửa chữa cấp bách cầu treo Lam Khê, xã Chi Khê...
Bên cạnh hạ tầng giao thông, huyện cũng phối hợp với các ngành liên quan huy động hàng chục tỷ đồng để hoàn thành hạ tầng đường điện từ trung tâm xã Môn Sơn đến bản Búng xã Môn Sơn; xây dựng hệ thống thủy lợi; Hoàn thành hồ chứa nước khe Hiềng xã Châu Khê; Đập Phai Hịa xã Lục Dạ; Đập Phai Ló lớn xã Môn Sơn; Kè chống sạt lở một số vị trí dọc Sông Lam dài 500m; Xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp Bồng Khê để kêu gọi các doanh nghiệp vào đầu tư.
Trong nhiệm kỳ qua, huyện Con Cuông tăng cường xây dựng hạ tầng thương mại và hạ tầng văn hóa, trường học, trạm xá, Di tích lịch sử nhà cụ Vi Văn Khang, Hạ tầng di tích danh thắng Thẳm Nàng Màn xã Yên Khê; xây dựng trụ sở mới của một số đơn vị theo quy hoạch; Hoàn thành 7 cầu treo dân sinh và 6 cầu cứng thuộc Dự án quản lý tài sản đường địa phương (LRAMP); hoàn thành 38 km tuyến đường tuần tra biên giới từ bản Khe Nà xã Châu Khê đến giáp biên giới Việt - Lào. Hệ thống điện sản xuất, điện chiếu sáng được đầu tư và cải tạo, nâng cấp; Huy động được 44,702 tỷ đồng đầu tư xây mới, nâng cấp các công trình đầu mối, hệ thống kênh mương phục vụ sản xuất, trong đó nhân dân đóng góp 11,121 tỷ đồng.
Một trong những điểm nhấn của nhiệm kỳ qua là huyện đã tích cực vận động doanh nghiệp vào đầu tư xây dựng hạ tầng, phục vụ phát triển du lịch trên địa bàn. Điển hình là tổ hợp khách sạn, trung tâm thương mại Mường Thanh Con Cuông với tổng mức đầu tư 360 tỷ đồng (hoàn thành tháng 10/2016), tạo điểm nhấn cho đô thị, vừa tăng cường hạ tầng cho phát triển du lịch.
Hiện, huyện đang tiếp tục phối hợp với các sở ngành huy động nguồn lực góp sức xây dựng cầu Thanh Nam qua Sông Lam và đầu tư một số cơ sở vật chất, hạ tầng gắn với phát triển du lịch, xây dựng các điểm du lịch cộng đồng tại: Bản Khe Rạn xã Bồng Khê; Bản Nưa, bản Pha xã Yên Khê; bản Xiềng xã Môn Sơn.
Những điểm sáng trong phát triển kinh tế
Giai đoạn 2015 - 2020, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Con Cuông giảm từ 32,01% (năm 2015), xuống còn khoảng 14,18% (năm 2020), trung bình mỗi năm giảm 3,38%. Để đạt được những kết quả nêu trên, có sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực rất lớn của đồng bào trên địa bàn. Quá trình đó, huyện đẩy mạnh phát triển kinh tế theo hướng sản xuất, chăn nuôi hàng hóa sạch; phát huy tối đa tiềm năng lợi thế kinh tế rừng, dược liệu, phát triển du lịch sinh thái.
Thời gian qua, huyện Con Cuông phối hợp với Vườn quốc gia Pù Mát và các công ty, đơn vị quản lý rừng và người dân bước đầu phát huy tốt tiềm năng rừng. Cùng với bảo vệ, trồng mới rừng, các đơn vị, người dân khai thác hiệu quả sản phẩm phụ kết hợp phát triển cây dược liệu. Huyện đã phối hợp với doanh nghiệp trên địa bàn tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng, sơ chế, bảo quản cây dược liệu cho hàng chục hộ dân trong vùng sản xuất thuộc các xã: Chi Khê, Cam Lâm, Đôn Phục và Môn Sơn.
Đến nay, trên địa bàn huyện đã trồng được vùng dược liệu hơn 20 ha và đang tích cực ứng dụng khoa học công nghệ chế biến nhiều sản phẩm đưa ra thị trường, được người tiêu dùng đón nhận. Trong đó có những sản phẩm được Bộ Công thương và UBND tỉnh Nghệ An công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP đạt hạng 4 sao.
UBND huyện đã chỉ đạo các phòng chuyên môn xây dựng các mô hình chuyển giao tiến bộ KHKT như: Nuôi cá leo thương phẩm; cánh đồng lớn; sản xuất thử giống lúa thuần chất lượng cao; xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cam Con Cuông và rượu men lá... Bên cạnh đó, hoạt động của các làng nghề được chú trọng. Nhiệm kỳ qua, huyện thành lập mới 11 hợp tác xã, nâng tổng số toàn huyện có 24 hợp tác xã (trong đó có 13 HTX nông nghiệp, 3 HTX công nghiệp, 3 HTX tiểu thủ công nghiệp, 2 HTX vận tải, 1 HTX dịch vụ chợ, 1 HTX tín dụng).
Một mũi nhọn của Con Cuông, đó là phát triển du lịch sinh thái. Trên địa bàn huyện có những địa danh đẹp được khai thác du lịch như: Thác Khe Kèm, khe Nước Mọc, đập Phà Lài, du thuyền Sông Giăng hay khám phá rừng nguyên sinh với hệ thống hang động, thực vật phong phú của Vườn quốc gia Pù Mát.
Cùng đó, các doanh nghiệp và nhiều hộ đồng bào Thái tham gia dịch vụ du lịch cộng đồng, phục vụ du khách khám phá cảnh quan, bản làng, nhà sàn Thái, nghe các tích chuyện của bản, của mường; tìm hiểu về đời sống sản xuất, sinh hoạt hàng ngày của bà con; thưởng thức các món ăn truyền thống của dân tộc Thái như cơm lam, xôi ngũ sắc, gà nướng, cá nướng, thịt nướng, canh bồi đọt mây, các món rau rừng…
Bên cạnh đó, du khách còn được tham gia chương trình giao lưu văn nghệ hát dân ca Thái, nhảy sạp, thưởng thức vũ điệu cồng chiêng, vũ hội rượu cần; được trải nghiệm ngủ nhà sàn của đồng bào Thái. Và một điểm hết sức đặc biệt khi du khách đến các điểm du lịch cộng đồng ở Con Cuông là được thăm các di tích văn hóa, lịch sử, tìm hiểu phong tục tập quán, văn hóa của 7 dân tộc anh em sinh sống trên địa bàn huyện.
Để tiếp tục phát triển du lịch sinh thái, cộng đồng, huyện tăng cường phối hợp để mở các lớp đào tạo cho người dân về cách làm du lịch, chế biến các món ăn phục vụ du lịch, duy trì phát triển nghề dệt thổ cẩm, mây tre đan và chế tác các sản phẩm lưu niệm phục vụ du khách.
Chăm lo văn hóa, giáo dục, y tế
Cùng với phát triển kinh tế, huyện Con Cuông chăm lo tốt cho công tác giáo dục, y tế, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp. Chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn từng bước được nâng lên. Tỷ lệ xét công nhận tốt nghiệp THCS đạt trên 98%, tỷ lệ tốt nghiệp THPT hàng năm đạt bình quân 95%; học sinh giỏi tỉnh bậc THCS, THPT luôn đứng đầu bảng B. Nhiều trường học đạt chuẩn quốc gia, điển hình, lần đầu tiên huyện Con Cuông có trường THPT (trường THPT Con Cuông) đạt chuẩn quốc gia và cũng là huyện miền núi đầu tiên đạt kết quả này.
Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm. Đến nay, việc xây dựng xã đạt chuẩn quốc gia về y tế thực hiện theo đúng lộ trình. Chất lượng khám chữa bệnh và dịch vụ khám và điều trị, tinh thần, thái độ phục vụ, y đức ngày càng được nâng lên, trang thiết bị y tế được đầu tư, cơ bản đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân.
Quá trình phát triển, huyện Con Cuông chú trọng phát huy tốt truyền thống quê hương cội nguồn cách mạng và những phẩm chất quý báu của người Con Cuông là yêu nước, cách mạng, đoàn kết, sáng tạo, cần cù, vượt khó, hiếu học, tạo nên sức mạnh to lớn, tiếp tục xây dựng hình ảnh “Người Con Cuông nói lời hay, làm việc tốt, ứng xử văn minh”. Những giá trị văn hóa đó phục vụ đắc lực cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của Con Cuông toàn diện và bền vững hơn.