(Baonghean) - Phong trào làm giao thông nông thôn được đồng bào các dân tộc của huyện Con Cuông hưởng ứng tích cực. Đường thôn bản được mở rộng, nâng cấp giúp các địa phương có điều kiện đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, tiếp tục thực hiện xây dựng nông thôn mới (NTM).  

Đổ bê tông đường thôn Liên Đình, xã Chi Khê.

Chi Khê là 1 trong 3 xã điểm xây dựng NTM của huyện Con Cuông. Phong trào làm đường giao thông nông thôn ở đây phát triển rất mạnh. Những con đường bê tông rộng rãi đã đưa vào sử dụng hơn 1 năm nay tại 3 bản: Liên Đình, Trung Đình và Nam Đình của xã Chi Khê đã giải quyết rất nhiều điều kiện về đi lại sinh hoạt và sản xuất cho bà con nhất là chấm dứt  cảnh học sinh trong các thôn những ngày mưa phải xắn quần dò dẫm từng bước đến trường. 

Nói về những ngày cùng với bà con dân bản làm đường, bà Lô Thị Thám, người dân bản Nam Đình vui vẻ cho biết: “Nhà không khá giả gì, nhưng khi cán bộ thôn họp dân, nêu chủ trương và kêu gọi toàn dân hiến đất, đóng góp tiền và ngày công, cùng với Nhà nước làm đường, tôi sẵn sàng đóng góp hơn 1 triệu đồng và nhiều ngày công đổ bê tông mặt đường. Đường làm xong, vào mùa thu hoạch, lúa từ ngoài đồng chở thẳng về tận nhà, không phải gánh gồng như trước nữa. Trẻ em đi học, người lớn đi chợ… bây giờ ngồi lên xe máy chạy băng băng”. Ở thôn Nam Đình, Liên Đình và Trung Đình, có hàng trăm hộ khác hiến đất, chặt cây lâu năm… để làm đường một cách hoàn toàn tự nguyện, thể hiện sự quan trọng của việc biết phát huy tốt nội lực người dân.

3 năm qua, huyện Con Cuông huy động nguồn lực để thực hiện Chương trình xây dựng NTM được hơn 593 tỷ đồng. Trong  đó, ngân sách Trung ương gần 13,9 tỷ đồng; vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án hơn 478,6 tỷ đồng; ngân sách tỉnh gần 82 tỷ đồng; ngân sách huyện, xã hơn 3 tỷ đồng; nhân dân đóng góp gần 16 tỷ đồng. Toàn huyện đã làm được 74 km đường bê tông nội thôn, bản; thực hiện 16 công trình giao thông liên xã.

Ở xã Chi Khê, ngày này, con đường vào bản Sơn Khê đang được máy móc ngày đêm hạ núi, mở rộng. Sơn Khê là bản đồng bào dân tộc Thái, bản duy nhất của xã Chi Khê được hưởng Chương trình 135/CP, vì vậy con đường liên thôn nối từ Quốc lộ 7 và bản, dài 2,4 km, được thực hiện bằng nguồn lồng ghép của Chương trình 135 và vốn xây dựng NTM, với mức đầu tư hơn 5 tỷ đồng. Công trình được chia làm 3 gói thầu, gói thầu thứ nhất dài gần 1 km, đã được đổ bê tông, gói thầu thứ 2, đang được Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng An Vinh thực hiện. Trước đây vào bản Sơn Khê, đường hẹp, dốc cao, xe ô tô không thể vào được, nay con đường đã được mở rộng 7 m, việc đi lại của người dân thuận lợi, hàng hóa được chở vào tận bản.

Ông Lộc Văn Hợi – Chủ tịch UBND xã Chi Khê cho biết: Trong quá trình xây dựng NTM, thuận lợi nhất là có nhiều chính sách phù hợp của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là chính sách hỗ trợ 100% xi măng cho dân làm đường giao thông nông thôn. Từ đó, người dân đồng tình cao, đi đến thống nhất góp tiền, công và hiến đất mở đường. Mặc dù địa phương có tới 65% đồng bào dân tộc thiểu số, cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng với tinh thần xây dựng quê hương, người dân đã đóng góp sức người, sức của cùng với Nhà nước làm nên những con đường mới, phục vụ cho nhiều yêu cầu thiết thực của cuộc sống.

Đến nay Chi Khê đã có 3/13 bản hoàn thành đổ bê tông mặt đường, bản Bãi Ổi đang triển khai đổ bê tông. Kế hoạch trong năm 2014 này, địa phương tiếp nhận 1.150 tấn xi măng làm đường giao thông nông thôn. Phấn đấu đến cuối năm 2014 này hoàn thành tiêu chí giao thông đến năm 2015 hoàn thành tiêu chí NTM. Còn một số tiêu chí đang gặp khăn, trong đó có tiêu chí tỷ lệ hộ nghèo, thì giải pháp của Chi Khê là đẩy mạnh trồng rừng nguyên liệu. Hiện nay địa phương có 2.500 ha đất đồi, trong đó mới trồng được 700 ha keo. Có một thực tế làm cản trở người trồng rừng là chưa có hệ thống giao thông vào vùng nguyên liệu, nên người trồng rừng phải bán với giá thấp. Do vậy, chủ trương của địa phương gắn với trồng rừng là mở đường, tạo điều kiện cho việc chăm sóc và khai thác…

Ông Phan Xuân Diện – Chánh Văn phòng điều phối NTM của huyện Con Cuông, trao đổi: Trước khi thực hiện Chương trình NTM, huyện xác định tiêu chí giao thông là khó khăn nhất. Thế nhưng, thực tế trong quá trình thực hiện, tiêu chí giao thông lại thuận lợi nhất. Nguyên nhân, là mặc dù đời sống của người dân còn khó khăn, nhưng có sự đồng thuận cao. Khi tỉnh hỗ trợ xi măng rồi, mặc dù huyện, xã không có điều kiện hỗ trợ cát, sỏi, người dân đã sẵn sàng đóng góp tiền mua cát, sỏi và ngày công, kịp thời đẩy tiến độ bê tông hóa giao thông nông thôn trên địa bàn huyện một cách rất nhanh gọn. Có thể khẳng định, sau 3 năm triển khai chương trình NTM, tiêu chí giao thông, trong đó làm đường giao thông nông thôn là nổi bật nhất trong 19 tiêu chí xây dựng NTM ở Con Cuông; từ kết quả ở lĩnh vực này, đã tạo động lực cho huyện thực hiện hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cũng như các tiêu chí NTM khác . 

Xuân Hoàng