(Baonghean.vn) Cách trung tâm "thủ phủ Mường Xén" 42 cây số, có một địa danh đầy kỳ bí, đó là "Cổng trời", với độ cao trên 1.800 m so với mặt nước biển. Ấy nhưng, bao năm nay trên đó đã có hàng trăm con người thầm lặng cống hiến tuổi xuân, vì tình yêu nghề, mến trẻ, những mong mang con chữ đến với đồng bào...
Cuối năm, những đợt rét triền miên ùa về trên những cánh rừng bao la nơi đại ngàn. Lời ước hẹn phải bằng mọi giá đặt chân đến "Cổng trời" trước ngày Tết đã đưa chúng tôi đến với Mường Lống sau hơn 3 giờ đồng hồ vật lộn với bao con dốc cao từ Thị trấn Mường Xén.
Trước khi đi, thầy Trần Ngọc Khánh, Trưởng phòng Giáo dục huyện Kỳ Sơn không quên dặn dò: "Mường Lống bắt đầu bước vào mùa mưa nên đường lên "Cổng trời" rất trơn, khó đi. Trời thường đổ mưa bất chợt, các anh nên mang theo áo mưa". Chiếc xe Sirius của tay lái Vi Văn Tuấn, ở xã Hữu Kiệm với "thâm niên" 16 năm chạy đường rừng đã dẫn chúng tôi đến trung tâm xã. Vượt màn sương nặng hạt và tí tách mưa rừng, sau những đánh vật với bao con dốc, nền đá sắc nhọn, đầy rẫy ổ gà, ổ trâu, bản Thẳm Hốc mới hiện ra trước mắt.
Đúng như tên gọi, bản Thẳm Hốc trông giống như cổng hang nhìn từ dưới lên với địa thế cách biệt, địa hình hiểm trở nên cuộc sống của người dân nơi đây gặp không ít khó khăn. Toàn bản với 100% đồng bào Mông, chủ yếu sinh sống dựa vào sản xuất chăn nuôi gia súc và phát triển từ rừng. Địa điểm mà chúng tôi chọn "xông đất" đầu tiên là Trường tiểu học Mường Lống 2 - một ngôi trường nhỏ nằm heo hút trên đỉnh dốc "Cổng trời". Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Quang Hùng (quê Anh Sơn) vồn vã giới thiệu: "Thỉnh thoảng mới có khách dưới xuôi lên. Đa số thầy cô giáo ở trường này đều ở huyện và miền xuôi cả nên cuối tuần họ về thăm nhà rồi lên trường vất vả lắm. Bản thân tôi, mỗi lần nghĩ đến đoạn đường gần 300 km quanh co, heo hút, toàn dốc đứng cũng ngán lắm. Nhưng cái duyên với nghề đã bám chặt rồi thì không bỏ được nữa". Thầy bảo, các nhà báo "gặp may" rồi đấy vì các cô giáo ở dưới xuôi mới lên cắm bản với bà con hôm nay sẽ làm lễ "nhập sơn".
Bên bếp lửa hồng mới nhen, cô giáo Nguyễn Thị Hồng, tâm sự: "Nhà ở Thanh Chương, ban đầu lên đây cũng nản lắm, những ngày cuối tuần cứ phải vượt qua bao nhiêu dốc cao về nhà rồi sáng sớm lại lặn lội lên trường. Có những hôm trời mưa, nhiều đoạn đường đất nhão, xe bị kẹt không đi được, một mình giữa đường rừng, tủi thân đến phát khóc. Thế nhưng, cứ nghĩ ai cũng muốn xa trường về thị trấn thì học sinh ở Mường Lống sẽ ra sao? Nhìn lại, mới ngày nào, thấm thoắt đã gắn bó nơi đây gần 10 năm trời".
Thầy Vừ Y Giài - Hiệu phó Trường tiểu học Mường Lống 1 cho biết, mấy năm trước tỷ lệ học sinh ở Mường Lống đến lớp học rất ít. Nhưng sau thời gian dài được cô, thầy vận động nên đến nay, tỷ lệ học sinh huy động đến lớp đã đạt trên 95%. Cùng với tuyên truyền, vận động học sinh đến lớp, vào dịp hè từ tháng 8, giáo viên nhà trường còn đến các bản làng để hướng dẫn ôn bài và phụ đạo bồi dưỡng thêm kiến thức cho các em.
Chính vì vậy, nhiều em đã tiến bộ, bước vào năm học mới có thể theo kịp các bạn". Ông Lầu Bá Dúng, bản Mường Lống 1 phấn khởi: "Bây giờ thì bản làng đã hiểu cái tâm, cái bụng của các thầy, cô giáo rồi nên hăng hái động viên con em đến trường học lắm. Bà con đã nhận thức được chỉ có học mới thoát nghèo, học về xây dựng quê hương, bản làng, thế nên học sinh ở đây nhiều em học giỏi lắm, như em Vừ Y Mỹ, Xồng Bá Thành, Và Y Súa năm nào cũng đạt học sinh tiên tiến, học sinh xuất sắc...".
Thầy Nguyễn Sỹ Đông - Hiệu trưởng Trường tiểu học Mường Lống 1 vui mừng chia sẻ: "Nhớ lại trước đây, hàng ngày thầy trò chúng tôi phải dạy và học dưới mấy lớp học tạm bợ, xuống cấp, vừa học vừa lo chống mưa dột. May được Nhà nước đầu tư kịp thời cho trường xây dựng một số phòng học mới, nên từ năm học 2009 - 2010 hệ thống trường, lớp ở Mường Lống đã khang trang, kiên cố hơn. Điều đáng mừng là đến nay trường không còn học sinh bỏ học giữa chừng như những năm trước, năm học vừa qua có 3 giáo viên đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua, 11 giáo viên đạt tiên tiến, 1 giáo viên đạt giáo viên giỏi tỉnh và trên 45% học sinh đạt khá, giỏi. Đặc biệt, trong năm học 2009-2010, em Xồng Bá Dìa (bản Mường Lống 1), đậu Thủ khoa vào ĐH Sư phạm 1 Hà Nội và ĐH Y Hà Nội, rồi nhiều em đậu vào Trường DTNT tỉnh...".
Thầy Đông tâm sự: "Bản làng giờ đã khác xưa thật nhiều nhưng sự học nơi đây xem ra đang còn lắm gian nan. Toàn trường có 21 lớp, trong đó có 8 lớp ghép với 306 học sinh. Mong ước thường trực của thầy trò nhà trường là Nhà nước sớm quan tâm triển khai mô hình bán trú để các em thuận tiện hơn trong việc học tập, đỡ vất vả khi phải lội bộ 2-3 giờ mỗi ngày đến trường.