Đưa người đi nước ngoài, cả gia đình phạm tội
Phiên tòa xét xử 2 bị cáo Đoàn Thị Liệu (58 tuổi) và Ngô Thị Hồng Hạnh (26 tuổi), cùng trú xã Diễn Nguyên, huyện Diễn Châu về tội “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài” thu hút sự quan tâm của dư luận. Nhiều người thân của các lao động hiện đang ở nước Samoa đã đến tham dự tòa.
Đoàn Thị Liệu có chồng là Nguyễn Văn Tuấn (SN 1972). Hai vợ chồng làm nông nghiệp tại địa phương trước khi Tuấn đi nước ngoài lao động. Khoảng tháng 10/2019, anh Lương Xuân T. cùng người bạn liên lạc với Tuấn qua mạng xã hội hỏi thủ tục đi nước ngoài. Tuấn đã có những thỏa thuận ban đầu qua facebook với các lao động. Để làm tin, Tuấn nói với lao động đến trực tiếp nhà mình để bàn bạc cụ thể. Tại nhà của Liệu, chị này đã gọi điện để các lao động nói chuyện trực tiếp với Tuấn.
Qua điện thoại, Tuấn hứa hẹn đưa các lao động sang New Zealand với giá 8.500 USD, đi theo diện thư mời, sang làm nghề xây dựng, có chỗ ăn nghỉ đầy đủ. Theo Tuấn, thủ tục mà các lao động cần chuẩn bị chỉ là hộ chiếu, giấy xác nhận tư pháp. Các lao động sẽ được Tuấn đón, bố trí nơi ăn ở, mức lương từ 20 đến 40 triệu đồng, thời hạn 2 năm. Sau đó, Tuấn sẽ lo giấy tờ để các lao động được ở lại lâu hơn.
Sau khi nghe Tuấn tư vấn, các lao động đồng ý đi New Zealand và được hướng dẫn nộp tiền, hồ sơ cho Đoàn Thị Liệu. 4 lao động khác sau khi nghe tin cũng liên lạc với Tuấn và được đối tượng này hướng dẫn như trên. Nghe Tuấn cam kết đưa sang New Zealand, 6 lao động đã nộp tổng số tiền hơn 932 triệu đồng cho Liệu. Tất cả số tiền trên Liệu đã chuyển cho chồng. Quá trình nhận tiền của các lao động, do mắt mờ, chữ xấu nên Liệu đã nhờ con dâu là Ngô Thị Hồng Hạnh viết biên nhận và ký xác nhận.
Sau đó, Tuấn đặt vé máy bay cho các lao động sang Samoa (chứ không phải New Zealand như cam kết) và liên lạc với vợ thanh toán tiền vé máy bay, tiếp nhận thư mời làm việc thông qua ứng dụng Messenger in ra để các lao động tin tưởng. Nhưng do Liệu không thông thạo việc sử dụng Internet nên tiếp tục nhờ con dâu làm những việc này.
Ngày 23/11/2019, Liệu thuê xe ô tô chở 6 lao động xuống sân bay Vinh để ra Hà Nội. Sau đó, từ sân bay Nội Bài, các lao động trải qua ba chặng bay để đến Samoa. Tuấn đã đón 6 lao động về phòng mình ở. Một thời gian sau, do Tuấn không bố trí được công việc nên 2 lao động đã yêu cầu được về nước. 4 lao động còn lại hiện vẫn tiếp tục ở Samoa để tìm kiếm việc làm.
Cơ quan điều tra xác định, trong vụ việc này, Nguyễn Văn Tuấn đóng vai trò cầm đầu nhưng hiện đang ở nước ngoài nên đã bị công an phát lệnh truy nã. Đoàn Thị Liệu biết Tuấn không có chức năng đưa người đi lao động nhưng đã giúp sức cho chồng nhận tiền, hồ sơ, in thư mời cho 6 lao động…. Ngô Thị Hồng Hạnh đã giúp sức cho bố mẹ chồng thực hiện việc kiểm đếm tiền, viết giấy cam kết…
Tại phiên tòa, bị cáo Liệu khai làm theo chỉ đạo của chồng. Bị cáo Hạnh trình bày vì mẹ chồng mắt mờ, chữ xấu nên đã “giúp” mẹ viết một số giấy tờ khi được nhờ. Hai bị cáo khai không hưởng lợi khoản tiền nào trong vụ việc này.
“Trả lại tiền, con cho tôi”
Trong số 6 lao động được Tuấn đưa sang Samoa, hiện 2 người đã trở về Việt Nam nên trực tiếp đến tham dự tòa. 4 lao động hiện đang ở Samoa nên người thân đến tham dự tòa với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Lao động trở về từ Samoa đã thuật lại những lời hứa hẹn mà Tuấn trước đó từng nói. “Quá trình người nhà của Tuấn cho xem thư mời, chúng tôi vì không biết ngoại ngữ nên chỉ nhìn qua và hoàn toàn tin tưởng Tuấn. Sau khi được đưa sang Samoa, Tuấn không bố trí việc làm cho chúng tôi. Hơn nữa, chi phí ăn uống, sinh hoạt đắt đỏ mà chúng tôi lại không có việc làm nên cuộc sống rất khó khăn”, một lao động trình bày. Đó cũng là lý do họ yêu cầu Tuấn phải đưa về Việt Nam. 2 lao động này yêu cầu các bị cáo phải hoàn trả số tiền hơn 190 triệu đã nạp (được trừ đi 30 triệu đồng mà 2 bị cáo đã đền bù).
Riêng đối với người thân của các lao động hiện đang ở Samoa, họ cho biết vì số tiền đưa cho Tuấn quá lớn nên vẫn cố bám trụ để tìm việc làm. Nhưng do tình hình dịch Covid-19 nên hầu hết họ không tìm được công việc ưng ý. Hơn nữa, với thân phận bất hợp pháp, họ phải sống chui lủi, khổ cực. “Đề nghị các bị cáo trả lại toàn bộ tiền và trả lại con cho tôi”, bố của một lao động đã nghẹn ngào khi nhắc đến đứa con đang ở xứ người.
Người thân của các lao động cho hay vì hoàn cảnh khó khăn, họ quyết định vay nóng, cầm cố tài sản vào ngân hàng để lấy tiền cho chồng, con đi nước ngoài. Tuấn hứa đưa sang New Zealand nhưng sau đó lại sang Samoa và không có việc làm khiến cuộc sống vốn đã vất vả càng khổ cực hơn, nhất là khoản nợ lớn vẫn còn đó.
Một vị hội thẩm phân tích, hành vi của các bị cáo là vi phạm pháp luật. Nhưng việc các lao động ngay từ đầu chấp nhận đi “chui” là điều cần lên án. Các lao động biết rõ muốn sang nước ngoài lao động phải qua công ty được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động tư vấn, môi giới, tuyển dụng. Nhưng vì tâm lý ngại học ngoại ngữ, ngại chờ đợi… các lao động đã chấp nhận đi theo diện du lịch. Do đó, trong vụ việc này các lao động cũng có một phần lỗi.
HĐXX nhận định, dù trong vụ án này, hai bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ như thành khẩn khai báo, khắc phục một phần hậu quả… Nhưng hành vi của 2 bị cáo đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và uy tín của đất nước nên cần xử lý nghiêm. HĐXX tuyên phạt Đoàn Thị Liệu 42 tháng tù giam, bị cáo Ngô Thị Hồng Hạnh 24 tháng tù, cho hưởng án treo.