Một cố vấn pháp lý cho đảng cầm quyền Myanmar bị bắn chết bên ngoài sân bay sầm uất nhất nước ngày 29-1.

images1813644__c__v_n_ph_p_l____ng_c_m_quy_n_myanmar_b__b_n_ch_t__588eda8959d8e.jpgCố vấn pháp lý đảng cầm quyền Myanmar Ko Ni bị ám sát tại sân bay - Ảnh: Reuters

Reuters cho biết cảnh sát đã bắt giữ một tay súng trong vụ bạo lực chính trị hiếm hoi tại thủ đô thương mại Yangon của nước này.

Tuy nhiên các nhà chức trách vẫn chưa rõ động cơ sát hại cố vấn Ko Ni (65 tuổi) của đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD). Ông Ko Ni là một thành viên nổi bật của cộng đồng thiểu số người Hồi giáo tại Myanmar.

Vụ ám sát diễn ra trong bối cảnh căng thẳng leo thang trong cộng đồng Phật giáo chiếm đa số tại Myanamar.

Lãnh đạo Myanmar Aung San Suu Kyi đang phải chịu áp lực về một chiến dịch an ninh mạnh tay hơn trong khu vực phía tây bắc đất nước mà chủ yếu là người Hồi giáo sinh sống.

Trợ lý San Naing của ông Ko Ni cho biết một tay súng đã bắn vào luật sư Ko Ni tại sân ga chính của sân bay quốc tế Yangon lúc 17g ngày 29-1.

Phương tiện truyền thông đăng tải hình ảnh một người đàn ông mặc áo hồng, quần short và dép nhắm một khẩu súng vào phía sau đầu của ông Ko Ni khi ông đang bế một đứa bé.

Một thành viên trong gia đình cho biết luật sư Ko Ni đang giữ cháu trai vào thời điểm ông bị bắn chết. "Cha tôi nói chuyện với cháu trai của ông. Sau đó tôi nghe một tiếng súng. Ban đầu tôi nghĩ là lốp xe nổ. Sau đó tôi thấy cha tôi nằm trên mặt đất" - con gái luật sư là bà Yin Nwe Khine nhớ lại.

Phát ngôn viên tổng thống Htin Kyaw là Zaw Htay cho biết người tài xế taxi cố ngăn cản tay súng cũng bị bắn chết.

"Chúng tôi đã bắt giữ và đang thẩm vấn tay súng để tìm hiểu lý do vì sao y lại giết chết ông ấy và kẻ đứng sau hoặc kẻ chi tiền để y làm điều này" - ông Htay nói với hãng Reuters.

Trong khi đó một quan chức cảnh sát nói với hãng Reuters rằng nghi can là một công dân Myanmar 53 tuổi đến từ thành phố Mandalay.

Luật sư Ko Ni là một chuyên gia về luật hiến pháp. Ông từng lên án vai trò mạnh mẽ của quân đội trong chính phủ Myanmar bất chấp việc chuyển giao quyền lực lại cho chính quyền dân sự của bà Suu Kyi hồi tháng 4 năm ngoái.

"Cha tôi thường xuyên bị đe dọa và chúng tôi đã được cảnh báo phải cẩn thận nhưng cha tôi không chấp nhận việc đó một cách dễ dàng. Ông luôn làm điều mà ông cho là đúng" - bà Yin New Khine nói thêm.

Theo TTO

TIN LIÊN QUAN