(Baonghean) - Nghệ An hiện có 9 cơ sở đào tạo lái xe ô tô và mô tô; 11 cơ sở đào tạo lái xe mô tô và 14 cơ sở liên kết đào tạo; việc mở các lớp đào tạo lái xe ở cơ sở đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân ở các vùng xa. Để kiểm soát chất lượng đào tạo, Sở Giao thông Vận tải đã tăng cường quản lý giáo viên và tổ chức sát hạch chặt chẽ.
Về sát hạch lái xe ô tô, ngoài Trung tâm Đào tạo, sát hạch ở Nam Đàn, bằng nguồn vốn xã hội hóa, hiện trên địa bàn tỉnh có thêm 2 trung tâm sát hạch (Trung tâm Đào tạo và sát hạch lái xe số 1 - Vĩnh An và Trung tâm PTS); như thế vừa giảm tải cho trung tâm ở Nam Đàn và tạo thuận lợi cho học viên tham gia sát hạch. |
Việc có nhiều trung tâm đào tạo lái xe đã tạo thuận lợi tối đa cho người học. Thậm chí, một số cơ sở đào tạo nếu bố trí được giáo viên và cơ sở vật chất có thể mở lớp đào tạo lái xe mô tô đến cụm xã ở các huyện.
Công tác sát hạch cũng được Phòng Quản lý phương tiện và người lái tăng cường về cơ sở. Riêng sát hạch lái xe mô tô, Phòng đã tham mưu cho Sở thành lập Hội đồng và cử cán bộ về các huyện để sát hạch, giúp học viên không phải di chuyển xa.
Riêng 9 trung tâm đào tạo ô tô có thể đảm bảo lưu lượng đào tạo hơn 6.700 học viên cùng thời điểm, đáp ứng nhu cầu của người học.
Qua trao đổi, ông Trần Anh Tuấn - Trưởng phòng Quản lý phương tiện và người lái, Sở GTVT khẳng định: “Với hệ thống cơ sở đào tạo hiện có, riêng về sát hạch lái xe mô tô, có thể ngày nào cũng tổ chức được, bởi các Hội đồng sát hạch đã có kinh nghiệm và đội ngũ cán bộ luôn sẵn sàng về những địa phương đã mở các lớp đào tạo. Còn về sát hạch ô tô, trên cơ sở 3 trung tâm có chức năng nhiệm vụ với phương tiện tương đương như nhau nên phòng có thể chủ động điều tiết để đảm bảo tiến độ yêu cầu của các lớp đào tạo lái xe ô tô các hạng”. |
Từ đầu năm 2017 đến cuối tháng 5 vừa qua, có trên 30.000 người được đào tạo và sát hạch lái xe các hạng, trong đó, Sở GTVT đã cấp giấy phép lái xe ô tô các loại cho 7.500 người và giấy phép lái xe mô tô cho trên 20.000 người. 5 tháng đầu năm 2017, Sở GTVT cũng đã cấp đổi gần 61.000 giấy phép lái xe.
Tính lũy kế, đến nay, trên địa bàn Nghệ An có 631.752 người được cấp giấy phép lái xe các hạng, trong đó, trên 500.000 người được cấp giấy phép lái xe mô tô.
Các cơ sở đào tạo tập trung đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch đáp ứng các quy định của Bộ LĐ-TB&XH theo Luật Dạy nghề.
Để nâng cao chất lượng đào tạo, định kỳ hàng năm, Sở GTVT phối hợp với Sở LĐ-TB&XH tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất tại các trung tâm. Đồng thời, thông qua việc siết chặt công tác sát hạch để đánh giá hiệu quả, chất lượng đào tạo, từ đó có những kiến nghị chấn chỉnh, nâng cao công tác đào tạo, sát hạch lái xe.
Hàng năm, Sở GTVT còn tổ chức ký cam kết đối với các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch, các sát hạch viên đối với việc thực hiện nghiêm túc các quy định của Nhà nước trong nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; việc công khai mức thu phí sát hạch và giá các dịch vụ khác theo quy định.
Thông qua đó còn phòng chống tiêu cực trong lĩnh vực này, góp phần nâng cao kỹ năng của người lái phương tiện tham gia giao thông, giảm thiểu tai nạn giao thông.
Ông Trần Anh Tuấn cho biết thêm, để tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch lái xe, ngành GTVT tăng cường công tác kiểm soát chương trình đào tạo, gắn giữa lý thuyết và thực hành.
Định kỳ kiểm tra cơ sở vật chất, phương tiện và trang thiết bị, chấm điểm hoạt động của các cơ sở đào tạo theo quy định. Ngành cũng đang có chương trình tăng cường thiết bị giám sát công tác đào tạo, đặc biệt chú trọng kiểm tra các chủng loại xe ô tô khi đào tạo và sát hạch phù hợp với yêu cầu thực tế.
Cùng với xã hội hóa trong công tác đào tạo, tăng tính tự chủ, tự trách nhiệm của các cơ sở đào tạo thì việc giám sát thực hiện đúng các nội dung chương trình và thời gian đào tạo lái xe theo quy định càng phải được nâng cao.
Nguyên Sơn