Trước phản ứng của giới nghệ thuật về Thông tư quy định "hoa hậu, người mẫu không được chụp ảnh nude”, Trưởng phòng Quản lý Biểu diễn Lê Minh Tuấn cho rằng cần phải hiểu đúng, đầy đủ quy định của pháp luật.

Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch mới đây ban hành thông tư số 01/2016 hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định về lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật. Thông tư nhận nhiều phản ứng của giới Hoa hậu, người mẫu về các điều khoản.

Ông Lê Minh Tuấn - Trưởng phòng Quản lý Biểu diễn Nghệ thuật, Cục Nghệ thuật Biểu diễn - chia sẻ với VnExpress những vấn đề quanh Thông tư.

- Nhiều nghệ sĩ hoang mang vì cho rằng quy định trong thông tư không rõ ràng ở điều "người biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; người đoạt danh hiệu tại cuộc thi người đẹp, người mẫu không được 'chụp ảnh, ghi hình hình ảnh cá nhân không có trang phục'". Ý kiến của ông thế nào?

- Chúng ta phải nhìn nhận quy định đúng bản chất và đầy đủ. Điều 3 thông tư 01 quy định những người hoạt động nghệ thuật không được "chụp ảnh, ghi hình hình ảnh cá nhân không có trang phục hoặc sử dụng trang phục, hóa trang phản cảm". Từ "phản cảm" gắn với cả hai ý trong câu trên. Như vậy, chỉ khi chụp hình, hình ảnh cá nhân mà nội dung phản cảm, không phù hợp chuẩn mực đạo đức xã hội mới thuộc phạm vi điều chỉnh.

Ngoài ra, mọi người cũng thường chỉ đọc một vài ý mà không để ý rằng quy định này dành để "đánh giá tính chất, mức độ nghiêm trọng của hành vi do người biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; người đạt danh hiệu tại cuộc thi người đẹp, người mẫu" thực hiện. Mỗi lĩnh vực có quy định pháp luật riêng, cá nhân tham gia hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang... sẽ chịu sự điều chỉnh của Nghị định 79, 15 và Thông tư số 01, còn nếu cá nhân tham gia lĩnh vực Mỹ thuật nhiếp ảnh thì chịu sự điều chỉnh của pháp luật chuyên ngành lĩnh vực đó.

images1504368_le_minh_tuan_5164_1460380248.jpgÔng Lê Minh Tuấn - Trưởng phòng Quản lý Biểu diễn và Băng đĩa, Cục Nghệ thuật Biểu diễn.

- Căn cứ nào để đánh giá hành vi đó có phản cảm hay không?

- Việc đánh giá hành vi là phản cảm hay không đã được quy định rõ trong khoản 2 Điều 3 Thông tư 01/2016, sẽ do một hội đồng kết luận, đánh giá, thẩm định và tham mưu cho cơ quan quản lý xử phạt. Để đánh giá hành vi đó, hội đồng thẩm định sẽ có chuyên gia chuyên ngành đủ trình độ kết luận. Bản thân các bài viết trên báo chí cũng đã đưa ra nhận định cơ bản về những hành vi không phù hợp chuẩn mực xã hội. Truyền thông và dư luận là kênh tham khảo cho hội đồng thẩm định có thêm thông tin đa chiều để đưa ra kết luận chính xác.

- Thông tư mới có gì khác khi trước đây nhiều hành vi được cho là phản cảm của người mẫu, Hoa hậu trong biểu diễn nghệ thuật cũng đã bị xử phạt?

- Thông tư này mới ở chỗ là quy định cụ thể hành vi sử dụng hình ảnh phản cảm để "lưu hành trên mạng viễn thông" và nhắm mục đích tạo scandal để nổi tiếng. Trước đây Nghị định 79 chưa có điều này.

Theo Nghị định của Chính phủ về quản lý mạng viễn thông, "mạng viễn thông" bao gồm các trang mạng xã hội, trang điện tử tổng hợp, blog cá nhân...

- Trường hợp cá nhân đó không tự đăng mà bị người khác tung lên mạng, cá nhân đó sẽ bị xử lý ra sao?

- Quy định đã rất cụ thể "vô ý hoặc cố ý phổ biển trên mạng viễn thông". Chính vì vậy, tôi có ý kiến là đối với người biểu diễn, trước khi thực hiện các hành vi hãy cân nhắc thật kỹ, tránh vi phạm chuẩn mực đạo đức xã hội, không phù hợp thuần phong mỹ tục, dẫn tới vô tình hoặc cố ý vi phạm quy định của pháp luật.

- Thông tư đưa ra quy định với người đoạt danh hiệu tại cuộc thi người đẹp, vậy những người vào Top 5, Top 10 hoặc không đoạt danh hiệu mà có những hành vi trên sẽ được xử lý ra sao?

- Quy định dành cho người "đoạt danh hiệu tại các cuộc thi" là bao gồm cả danh hiệu chính và phụ. Thí sinh trong Top 5, Top 10 các cuộc thi hầu hết đều có danh hiệu phụ. Đây là quy định tương đối cụ thể và bao quát hết đối tượng đoạt giải trong các cuộc thi.

Nếu anh không đoạt giải mà tham gia hoạt động nghệ thuật thì anh sẽ bị điều chỉnh bởi hành vi của "người biểu diễn, trình diễn thời trang". Người tham gia cuộc thi và không đoạt giải sau đó cũng không tham gia biểu diễn nghệ thuật thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của thông tư này.

- Thông tư này áp dụng thế nào với những người đoạt giải nhưng trước đấy có ảnh nude phản cảm?

- Trong thực tế, ban tổ chức và giám khảo các cuộc thi trước đây đều đánh giá hành vi đó có phù hợp hay không và đưa ra khỏi vòng thi những thí sinh như vậy. Sau khi thông tư này ban hành, những hành vi đó đã được đưa vào trong quy phạm pháp luật. 

- Nếu vi phạm những quy định trong thông tư này, các cá nhân sẽ bị xử phạt như thế nào?

- Hiện nay Bộ Văn hóa đang tổ chức sửa đổi Nghị định 158 quy định cụ thể mức phạt vi phạm hành chính và chế tài xử lý hành vi vi phạm theo Nghị định số 15 sửa đổi và thông tư số 01. Theo kế hoạch của Bộ, Nghị định 158 sửa đổi bổ sung sẽ trình trong quý III.

- 15/5 thông tư có hiệu lực, liệu Nghị định 158 sửa đổi đã kịp ban hành để ứng dụng xử phạt hay chưa?

-  Nghị định sửa đổi về xử phạt bao giờ cũng phải sau Nghị định và Thông tư số 01 ban hành, khi các hành vi được thể chế hóa mới có chế tài xử phạt hành vi đó. Vì vậy bao giờ cũng có độ trễ hơn so với văn bản quy định về nội dung.

Tuy nhiên, hầu hết các hành vi vi phạm đều đã có trong Nghị định 158 về xử phạt vi phạm hành chính. Theo Nghị định 158, hình thức xử lý hiện nay mới chỉ dừng ở mức phạt tiền. Tới đây những hành vi vi phạm thông tư 01 sẽ bị đình chỉ biểu diễn tối đa từ 3 đến 6 tháng hoặc 6 đến 12 tháng và tối đa lên tới 24 tháng. Khi thực hiện hành vi vi phạm, người vi phạm sẽ bị xử phạt, hết thời gian xử phạt họ được tiếp tục biểu diễn.

Về mức xử phạt tiền, luật xử phạt vi phạm hành chính với lĩnh vực Văn hoá trong đó bao gồm lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật hiện quy định tối đa 50 triệu, tùy theo từng mức độ vi phạm.

- Nếu cá nhân vi phạm trong một chương trình biểu diễn nghệ thuật thì đơn vị tổ chức nghệ thuật sẽ bị xử lý như thế nào?

- Theo quy định của điều 3 thông tư số 01, các hành vi trên được quy định dành cho các cá nhân, bởi việc thực hiện hành vi bao giờ cũng bắt đầu từ cá nhân. Cá nhân thực hiện mới có sản phẩm và mới được đánh giá phản cảm hay không phù hợp với chuẩn mực đạo đức, thuần phong mỹ tục.

Nếu đơn vị tổ chức biểu diễn có cá nhân phản cảm, không phù hợp chuẩn mực xã hội thì đương nhiên trách nhiệm sẽ thuộc về tổ chức và cá nhân đó. Điều này được quy định ở lĩnh vực tổ chức biểu diễn trong Nghị định 79 và điều 7 của Nghị định số 15 sửa đổi, bổ sung.



Theo VNE

TIN LIÊN QUAN