Cơ quan CSĐT Công an TPHCM vừa có quyết định giải quyết khiếu nại đối với ông Cao Toàn Mỹ (sinh năm 1977, Giám đốc Công ty Vina Cyber, ngụ quận 3) - người được xác định là người bị hại trong vụ án Trương Hồ Phương Nga (sinh năm 1987, quốc tịch Việt Nam và Nga, Hoa hậu người Việt tại Nga năm 2007) và Nguyễn Đức Thùy Dung (sinh năm 1988) lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo đó, cơ quan CSĐT bác nội dung khiếu nại của ông Cao Toàn Mỹ về việc đề nghị hủy bỏ quyết định tạm giữ, thu hồi hơn 2,5 tỉ đồng từ ông, đồng thời chấp nhận đề nghị của ông Mỹ cho phong tỏa một tài khoản đứng tên của ông tương đương với số tiền bị thu hồi, để chờ giải quyết theo thủ tục tranh chấp dân sự.
Cũng theo quyết định này, nếu ông Mỹ không đồng ý thì có quyền khiếu nại đến Viện trưởng Viện KSND TPHCM trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày nhận được quyết định.
Trước đó, ngày 6/9/2018, cơ quan CQĐT ra quyết định thu hồi hơn 2,5 tỉ đồng từ ông Cao Toàn Mỹ. Đây là số tiền trong quá trình điều tra vụ án năm 2015, bị can Nguyễn Đức Thùy Dung thừa nhận chiếm đoạt 9,5 tỉ đồng (trong tổng số 16,5 tỉ đồng) nên muốn được khắc phục hậu quả, yêu cầu CQĐT dùng sổ tiết kiệm hơn 2,5 tỉ đồng của bị can đang bị cơ quan CSĐT thu giữ để trả lại cho ông Cao Toàn Mỹ.
Ngày 9/11/2015, cơ quan CSĐT Công an TPHCM ra quyết định xử lý vật chứng trả lại hơn 2,5 tỉ đồng cho chủ sở hữu là ông Cao Toàn Mỹ. Ngày 24/11/2015, theo quyết định xử lý vật chứng, ông Mỹ nhận toàn bộ số tiền hơn 2,5 tỉ đồng.
Tuy nhiên, tháng 9/2018, cơ quan điều tra ra quyết định thu hồi số tiền 2,5 tỉ đồng. Không đồng ý, ông Cao Toàn Mỹ đã làm đơn khiếu nại tới giám đốc Công an TPHCM và Viện trưởng Viện KSND TPHCM. Theo đơn khiếu nại, ông Mỹ cho rằng khi trả lại số tiền này cho ông thì cơ quan điều tra xác định ông là chủ sở hữu, nay nếu thu hồi trên cơ sở đây là tiền riêng của Nguyễn Đức Thùy Dung thì cần làm rõ lời khai của Dung.
Trả lời khiếu nại, Thủ trưởng cơ quan CSĐT thừa nhận thủ tục tố tụng khi thu giữ và xử lý vật chứng hơn 2,5 tỉ đồng có sai sót, và phát sinh tình tiết bị can Nguyễn Đức Thùy Dung thay đổi lời khai, không thừa nhận đã chiếm đoạt số tiền 2,5 tỉ đồng. Đồng thời, TAND TPHCM có yêu cầu điều tra bổ sung về số tiền này nên cần thiết phải thu giữ và xử lý chung khi kết thúc vụ án.
Theo cáo buộc, khoảng tháng 7/2012, Phương Nga nói với ông Mỹ mình có nhiều bạn bè trong giới địa ốc, có thể mua nhà với giá rẻ hơn thị trường. Ông Mỹ đưa bà Nga 6 tỉ đồng để nhờ mua một căn nhà tại quận 5 nhưng bà Nga không giao nhà.
Tiếp đến, bà Nga nói với ông Mỹ có căn nhà giá 16,5 tỉ đồng ở quận 1. Lần này ông Mỹ đưa cho bà Nga thêm 10,5 tỉ đồng. Sau khi đưa cho bà Nga tổng cộng 16,5 tỉ đồng mà không có nhà, ông Mỹ làm đơn tố cáo với cơ quan công an.
Tuy nhiên, Phương Nga phủ nhận cáo buộc lừa đảo 16,5 tỉ đồng của ông Mỹ. Phương Nga cho rằng, đó là số tiền ông Mỹ tự nguyện đưa cho cô vì 2 bên có quan hệ tình cảm.
Vụ án đã 2 lần được TAND TPHCM đưa ra xét xử sơ thẩm nhưng cả 2 lần hội đồng xét xử đều trả hồ sơ khi tiến hành xong phần thẩm vấn. Sau lần xét xử thứ 2, HĐXX cũng đã thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với Trương Hồ Phương Nga và Nguyễn Đức Thùy Dung, cho cả 2 tại ngoại điều tra.
Trong đó, lần xét xử thứ 2 (tháng 6/2017) tòa đã trả tự do cho cả Nga và Dung kèm yêu cầu điều tra bổ sung 9 nội dung.
Đặc biệt, trong phiên tòa này, các nhân chứng đã cung cấp cho tòa những tình tiết bất ngờ là thư viết trên giấy nilon được chuyển từ ngoài vào trại giam và ngược lại.
Do cơ quan điều tra cần thời gian để giám định chữ viết và các tài liệu kèm theo nên đã tạm đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can đối với Nga và Dung. Tới ngày 14/6, thì cơ quan điều tra tiếp tục phục hồi điều tra vụ án.