(Baonghean) -Những năm qua, nhiều tuyến đê sông, đê biển trên địa bàn tỉnh ta đã được nâng cấp sửa chữa. Tuy nhiên, khi mùa mưa bão cận kề, nhiều đoạn đê xuống cấp, thân đê vẫn ẩn họa nhiều nỗi lo. Do vậy, cần có những phương án để bảo vệ các tuyến đê xung yếu.
Được biết, hệ thống đê của Nghệ An có 473,04km, trong đó tuyến đê cấp III (đê tả Lam) dài 68,22km, nhiều đoạn trọng yếu chưa có cơ đê: Đoạn K0-K4, đoạn K6-K9, đoạn K14-K16+250 (tuyến Đô Lương). Có 10 cống đã xuống cấp trầm trọng, thân và nền đê ẩn họa thẩm lậu, rò rỉ, sạt trượt, mối… Tuyến đê cấp IV tả, hữu sông Lam dài 31km gồm Thanh Chương - Nam Đàn, hiện dự án nâng cấp đê lưu vực sông Cả mới triển khai thi công một số đoạn nên các tuyến đê này chỉ chống lũ được mức báo động III. Đê cửa sông có chiều dài 113,36 km, trong đó có 81,16 km ở Quỳnh Lưu, 22 km ở Diễn Châu, 9,7 km ở Nghi Lộc hiện trạng đê xuống cấp nhiều, chất lượng đê kém. Một số gói thầu nâng cấp đê đang thi công dang dở. Đối với tuyến đê biển có 82 km, đã được nâng cấp đảm bảo chống được gió bão cấp 10 gặp triều cao trung bình tần suất 5%.
Đê Bãi Dâu, xã An Hòa (Quỳnh Lưu) nhiều đoạn đang là đê đất, cần được nâng cấp.
Về tuyến đê Phượng Kỷ (trọng điểm loại II) ở xã Đà Sơn - Đô Lương, ông Hoàng Hữu Đông - Chủ tịch UBND xã Đà Sơn cho biết: Đê Phượng Kỷ đi qua xã gần 2 km, nhưng là điểm trọng yếu vô cùng quan trọng, bảo vệ cho hàng chục ngàn hộ dân cư ở các huyện Đô Lương, Yên Thành và một phần của Thanh Chương. Đoạn đê này chỉ mới được lát bê tông mặt đê làm đường giao thông, và kè đá một số đoạn, còn trong thân đê đang ẩn họa nhiều nỗi lo. Thân đê chủ yếu đắp thủ công, nhiều vị trí bị tổ mối, nền đê là cát thô dày nên mùa mưa dễ xuất hiện sủi, cao trình đỉnh đê thấp. Điều đáng ngại là ở xã Tràng Sơn còn có trên 200 hộ dân của xóm 10 đang nằm ngoài bờ sông. Chị Trần Thị Lượng cho biết: Lâu nay cũng sống chung với lũ quen rồi, cứ vào mùa mưa là phải chuẩn bị gói ghém đồ đạc, nước dâng là phải vào trú ở làng khác hoặc dựng lều lán ở tạm thân đê.
Ông Đông - Chủ tịch UBND xã Đà Sơn cho biết thêm: Vào mùa mưa xã vận động trên 200 hộ dân ở xóm 10 ở ngoài đê chằng chéo nhà cửa, khi ở mức báo động phải di chuyển đến nơi an toàn. Xã huy động nhân dân chuẩn bị hàng ngàn bao tải, khi cần là dùng bao tải đất và cọc tre để chống chọi. Đề nghị các ngành liên quan cần gia cố các điểm nghi có mối và ách yếu. Đặc biệt là cần phải xây dựng mới đoạn đê tiềm ẩn nhiều nguy cơ vỡ. Lãnh đạo nông nghiệp huyện Đô Lương cho biết: Đô Lương đã chuẩn bị vật liệu dự trữ để bảo vệ đê như đất đắp, trên 20.000 bao tải, 14.000 cọc tre, 9.855 đôi quang gánh, huy động lực lượng canh đê, lực lượng xung kích. Khó khăn nhất hiện nay là dự án đê Cầu Dâu, di dời đê Cầu Dâu sang vị trí mới bảo vệ cho 400 hộ dân thường phải di tản khi mùa mưa đến đang thi công dang dở.
Ở huyện Quỳnh Lưu, đến thời điểm này có nhiều đoạn đê ách yếu. Chị Lê Thị Tình ở xóm Tân Thịnh, xã An Hòa nói: Tuyến đê Bãi Dâu chưa được nâng cấp, triều cường lên nước tràn qua mặt đê làm ngập và hư hỏng cả cánh đồng muối. Ông Nguyễn Xuân Quyết - Chủ tịch UBND xã An Hòa cho biết thêm: An Hòa có 7 km đê cửa sông (cách lạch Quèn 2km), cũng mới kè đá được hơn 2 km, còn lại chủ yếu đê đất, vào mùa mưa triều cường thường tràn qua mặt đê vào làng và cánh đồng muối.
Ông Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp &PTNT cho biết: Mục tiêu là giữ cho đê được an toàn, Ban Chỉ huy PCBL tỉnh và các địa phương, các ngành chức năng đã tiến hành kiểm tra, đánh giá chất lượng các công trình đê điều và xác định được các vị trí xung yếu, xây dựng phương án bảo vệ cho từng trọng điểm. Như đối với tuyến đê 42 có trọng điểm ở Yên Xuân (K74+600-K78+660): tập trung chống sự cố trượt mái đê phía sông bằng cọc tre, chống sủi lỗ nhỏ, dùng thùng phi nhấn chặt. Nguồn vật tư điều động tại kho Hưng Xuân - Hưng Nguyên, tại núi Thành… Tại trọng điểm Hưng Phú - Hưng Khánh từ K80+600 đến K82+650 chống sạt, trượt mái đê, kẹt cửa cống, địa phương đã chuẩn bị vật tư, như rọ thép, tre, rơm, phên nứa, bao tải đất… Điều động 6 thuyền từ 12-24 tấn, 8 ô tô ở Hưng Phú, Hưng Khánh, Hưng Lam để vận chuyển ứng cứu. Trọng điểm Hòa Lạc từ K59-61, trong trường hợp xảy ra sự cố tại cống Nam Đàn, nước lũ tràn qua đỉnh đê… sẽ xuất kho vật tư tại Hạt quản lý đê Nam Đàn.
Nói chung phương án hộ đê toàn tuyến là lũ mức báo động II. Xử lý chống sạt lở mái đê bằng biện pháp thả rồng đá, rọ đá hộc, áp trúc mái đê. Nếu lũ báo động II đến mức thiết kế: Thả phai chắn các cửa khẩu và đắp bao tải đất tại các dốc trộc chống nước tràn qua. Xử lý thẩm lậu bằng biện pháp thoát nước mái hạ lưu, giếng lọc, chống sủi diện rộng bằng biện pháp phên nứa, rơm rạ, đá hộc. Khi lũ vượt trên thiết kế, chỉ đạo chính quyền địa phương để chủ động sơ tán dân khi có báo động, lập phương án bảo vệ tài sản của Nhà nước và nhân dân, lập phương án cứu hộ người. Đối với các tuyến đê trường hợp lũ lên cao hơn thiết kế thì bằng mọi cách phải huy động lực lượng để tập trung di dời dân đến nơi an toàn.
Đến thời điểm này tỉnh đã chuẩn bị khá đầy đủ vật tư dự trữ để bảo vệ đê, khối lượng tại các kho do các Hạt quản lý đê bao gồm đá hộc 16.887 m3, đá dăm 2.115m3, rọ thép 5.135 cái, thép sợi 38.882kg, bao tải 164.405 cái, bạt chống sóng 23.272 m2, vải lọc 6.899m2.
Để đảm bảo an toàn cho các tuyến đê, Ban Chỉ huy PCLB tỉnh, huyện cần phải tập trung chỉ đạo kiểm tra thường xuyên, kịp thời phát hiện sự cố để xử lý ngay từ giờ đầu. Thực hiện tốt “4 phương châm tại chỗ”. Trên các tuyến đê, mọi lực lượng luôn luôn sẵn sàng cứu hộ đê, khi phát hiện sự cố cần thực hiện theo phương án đã nêu.