(Baonghean) - Ngày 10/8/1961, những thùng hóa chất diệt cỏ được đánh dấu với vạch sơn màu da cam được quân đội Mỹ rải xuống mảnh đất này, đến nay đã tròn 52 năm! 52 năm, đủ để những cánh rừng xanh lá, đủ để những người đàn ông, những người đàn bà thuần hậu bước ra từ cuộc chiến trở về với ước mơ sinh ra những đứa trẻ - những đứa trẻ của một quốc gia TỰ DO - ĐỘC LẬP và cũng đủ để chúng lớn lên… Nhưng, có những điều mãi vẫn chưa thể xanh lên như màu rừng kia, hay bởi chúng đã được mặc định bởi cái vạch sơn màu da cam, cái màu đẹp đẽ trở thành màu nỗi đau của gần 5 triệu người Việt Nam?
Ảnh P.V
Tôi đã gặp bà mẹ ấy, nghiêng mái đầu xuống dưới hình hài co quắp của đứa con thứ tư và hát một bài hát ru. Bàn tay bà đã từng chôn ba người con mình mang nặng đẻ đau và đến với trần thế này quãng thời gian ngắn ngủi. Bà không còn nước mắt, nước mắt ấy đã chảy hết trong những lần vượt cạn và nhìn thấy hình hài những đứa con mình. Tôi cũng đã gặp những người cha đã tự tay lấy xích sắt để mong trói chân đứa con quậy phá, la hét đến điên dại của mình. Gặp những đứa trẻ ngơ ngác không hiểu vì sao chúng lại mang một thân hình dị dạng ngay cả khi cuộc chiến chỉ đi qua mái tóc bạc của ông mình? Có ai đó từng nói, những hình hài ấy, do nỗi đau vo lại mà thành.
Tôi vẫn luôn tự hỏi, dưới cánh máy bay C123 của Mỹ hơn 50 năm trước thả xuống thứ chất độc mang hình đám mây sương mù ấy, đã có bao nhiêu người phải ra đi, bao nhiêu người ở lại chống chọi với tật bệnh và nỗi tủi hổ, bao nhiêu người nữa vẫn được hoài thai với một hình hài không nguyên vẹn? Không ai có thể trả lời rằng đến bao giờ nỗi đau dai dẳng này mới có thể chấm hết. Nhưng, như người mẹ kia, khi người ta hỏi: Vì sao, bà có đủ dũng cảm để sinh nở ngần ấy lần, nuôi từng ấy đứa trẻ để một ngày chúng bỏ bà mà đi, thì bà chỉ cất lên lời ru tha thiết. Lời ru của bà, cho tôi hiểu, cái “bóng ma cuối cùng của cuộc chiến kia” có thể bắt bà đau đớn đến chết đi sống lại đến năm lần, bảy lần hoặc hơn thế nữa, nhưng không điều gì, không ai có thể làm tắt đi của bà hy vọng về sự lành lặn của những đứa con cũng như hy vọng về sự lành lặn của cuộc đời này...
Tôi đã nghe bài hát “Vì đâu em chết”, bài hát được chọn làm bài ca chính thức của chương trình “Đồng ca vì Công Lý” cho những nạn nhân chất độc da cam, để thấy bài hát được viết bằng nước mắt của nhạc sỹ Thanh Trúc trên dặm dài con đường thiên lý Bắc - Nam, gặp gỡ và chứng kiến bao phận người bị nỗi đau vò xé chính là tiếng kêu thức tỉnh lương tri của con người. Là nhạc sỹ, là tôi, là chúng ta với khát khao “giành giọt nắng từ bóng đêm”, như hy vọng, niềm tin kia của Mẹ.
Giới trẻ bây giờ, thịnh hành câu hỏi: “Lý do bạn đến Trái Đất này?”. Tôi tin rằng, nếu câu hỏi ấy vô tình đến với bất cứ một ai trong hàng triệu nạn nhân chất độc da cam trên đất nước chúng ta, thì chính họ đang cháy lên câu trả lời: Để Trái Đất này không còn chiến tranh!