(Baonghean.vn) - Sau khi được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu, sản phẩm mực khô của huyện Quỳnh Lưu càng khẳng định được vị trí trên thị trường.

Xã Sơn Hải là "cái nôi" của mực khô Quỳnh Lưu; toàn xã có đội tàu tương đối hùng hậu với 260 phương tiện, chủ yếu làm nghề câu mực.

Mực khô Quỳnh Lưu có tiếng là ngon ngọt, dai, có màu vàng đẹp, nên từ lâuđược người dân trong và ngoài huyện tin dùng. Theo chia sẻ từ bà con ngư dân, mực sau khi câu lên không bị chà xước, được các lao động mổ, phơi trực tiếp trên tàu nên giữ được chất dinh dưỡng. Vì vậy, khi khách hàng thưởng thức sẽ cảm nhận vị ngọt thơm hơn...

resize_images2092970_700_stamp_.jpgMực khô chế biến trên ngay trên tàu cá của ngư dân Quỳnh Lưu. Ảnh: Việt Hùng

Theo chị Bùi Thị Thảo, chủ cơ sở hải sản ở thôn 5, xã Sơn Hải: Từ khi nhãn hiệu mực độc quyền được dán trên bao bì, bà con vùng biển Quỳnh Lưu không còn lo bị người khác làm nhái, giả hàng. Các cơ sở, đại lý cung cấp mực bán được hàng nhanh, nhiều khi "cháy hàng" không đủ cung cấp ra thị trường.

Đây là cơ hội thuận lợi cho người người dân địa phương. Với đặc điểm phơi mực ngay từ ngoài biển, không có ruồi muỗi hay bụi bặm, khi tàu thuyền cập bến mực khô nhanh chóng được đóng bao và bảo quản trong tủ cấp đông nên rất sạch sẽ.

Với những ưu thế như vậy, sau khi công bố nhãn hiệu tập thể mực khô Quỳnh Lưu đã được khách hàng tin tưởng. Đồng thời, tạo cơ sở pháp lý cho ngư dân yên tâm hơn trong việc đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Mực khô của Quỳnh Lưu thơm ngọt. Ảnh: Việt Hùng

Mực khô được Cục sở hữu trí tuệ cấp nhãn hiệu là bước phát triển mới, thúc đẩy mạnh mẽ cho hoạt động khai thác cũng như dịch vụ buôn bán của bà con vùng biển Quỳnh Lưu.

Bên cạnh đó, khi có thương hiệu, tiềm năng tiêu thụ của mực khô địa phương là rất lớn; ngoài thị trường xuất khẩu truyền thống như Trung Quốc, Lào, thì sản phẩm mực khô Quỳnh Lưu đang tiếp cận các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước châu Âu thông qua con em địa phương lao động và sinh sống ở đó.

Sản phẩm mực khô Quỳnh Lưu với bao bì có nhãn hiệu tập thể. Ảnh: Hồng Diện

Ông Hoàng Sơn - Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Hải cho biết: "Mực khô Quỳnh Lưu nói chung và xã Sơn Hải nói riêng trong những năm qua đã có vị trí trên thị trường, nhưng sau khi được công nhận nhãn hiệu tập thể sản phẩm thêm khẳng định được chất lượng, uy tín đối với người tiêu dùng, tạo động lực cho ngư dân chuyên nghề câu mực ngoài biển khơi. Qua đó, không chỉ mang lại thu nhập cao cho các gia đình còn tạo thêm việc làm cho nhiều lao động, đưa kinh tế địa phương từng bước khởi sắc".

Mỗi năm, huyện Quỳnh Lưu bán ra thị trường gần 1.000 tấn mực khô. Để loại sản phẩm đặc trưng này xuất khẩu thị trường ở các nước mới, Hiệp hội sản xuất và kinh doanh mực khô sẽ tiếp tục kết nạp thêm nhiều thành viên, tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh và thương hiệu sản phẩm.

Hồng Diện

TIN LIÊN QUAN