Điều đầu tiên phải nói vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á HLV Park Hang-seo mới phải đối diện với những đối thủ khó chơi nhất sau 4 năm làm việc tại Việt Nam. Triết lý bóng đá của ông Park từ trước đến nay luôn ưu tiên xây dựng một hàng phòng ngự vững chắc rồi mới nghĩ tới tấn công. Nhưng đội tuyển Việt Nam đã thua liên tiếp 5 trận đấu, lỗi cá nhân có, lỗi hệ thống có, phải chăng là chất lượng hàng phòng ngự của chúng ta đang có vấn đề?
Sân chơi quá tầm
Bình luận viên Đặng Gia Mẫn cho rằng: “Trong quá khứ, chúng ta đang rất tự hào về hàng phòng ngự trong sơ đồ 3 hậu vệ mà ông Park đang áp dụng tại Việt Nam. Nên nhớ AFF Cup 2018, thủ môn Đặng Văn Lâm đã lập kỷ lục khi có 405 phút giữ sạch lưới giúp ĐT Việt Nam vô địch giải đấu. Ở tại vòng loại thứ 2 World Cup 2022, Quế Ngọc Hải và các đồng đội không để thủng lưới 5/8 trận góp phần vào chiến tích lịch sử cho ĐTQG. Nhưng vòng loại thứ 3 World Cup 2022 thì 11 đội bóng khu vực châu Á ở một tầm cao hoàn toàn khác, đó chính là sự khác biệt mà đánh giá đội tuyển chúng ta cần lưu ý”.
Trong 4 trận đấu đã qua, ĐT Việt Nam đã để đối phương làm rung mành lưới đến 10 lần. Đa phần những bàn thua đều xuất phát từ lỗ hổng ở tuyến phòng ngự, các bàn thua tâm phục khẩu phục, trong cảnh biết mà chịu. Trước hết, ngoại trừ 2 bàn thua của Thanh Bình, lỗi về nhận định trình độ học trò trong việc thay người mà ông Park đã nhận, thì 8 bàn thua còn lại đều khó trách HLV Park Hang-seo. Theo chúng tôi có 3 yếu tố khiến chúng ta đã để thủng lưới trung bình 2,5 bàn/trận như hiện nay:
Tuyến phòng ngự của ĐT Việt Nam thiếu đi sự ổn định vànhân sự tốt nhất. Ngoài việc Đoàn Văn Hậu chấn thương và vắng mặt trước ngày trận đấu đầu tiên diễn ra thì thủ môn và tiền vệ phải Nguyễn Trọng Hoàng không thể góp mặt trong 2 cuộc đối đầu với Trung Quốc và Oman. Trung vệ Bùi Tiến Dũng cũng chỉ thi đấu từ trận gặp Australia tại Mỹ Đình. Những người thay thế khó lòng ăn ý với Quế Ngọc Hải và các cầu thủ đá chính khác.
Ngoại trừ Trung Quốc không chơi pressing, những đối thủ của ĐT Việt Nam ở VL cuối cùng World Cup 2022 đều tận dụng tối đa thể hình, thể lực để dồn lên tấn công, ép sâu đội hình chúng ta. Với những màn tra tấn thể lực với nhịp độ cao của các trận đấu, hàng thủ của thầy Park đã không giữ được sự tập trung cần thiết trong 90 phút. Để ý sẽ thấy 15 phút cuối trận đấu, chúng ta phải co cụm chống đỡ, trận đấu với đội tuyển Trung Quốc thậm chí đến phút cuối cùng cũng không thể đứng vững, thúc thủ 3-2.
Đối với các cầu thủ hàng đầu châu lục, kinh nghiệm và tiểu xảo thi đấu của những cuộc so tài căng thẳng đã khiến các tuyển thủ Việt Nam không thể giữ được cho mình cái đầu lạnh. Điều này dẫn đến những sai lầm cá nhân đáng tiếc do ức chế, hai pha phạm lỗi lãng xẹt dẫn đến phạt penalty của Hồ Tấn Tài và Đỗ Duy Mạnh trong trận gặp Oman là minh chứng rõ nhất cho điều đó. Bảy lần bị thổi penalty trong suốt hành trình VL World Cup 2022 thể hiện sự thiếu kinh nghiệm của tuyến phòng ngự. Điều này không bộc lộ trong các lần đối đầu với các đội bóng trong khu vực, khi trình độ chúng ta nhỉnh hơn.
Điều đọng lại
Thua trận liên tiếp nên hàng hậu vệ Việt Nam toàn bị chấm điểm thấp hơn trung bình của toàn đội là điều đương nhiên. Nhiều khả năng trong 6 trận đấu còn lại, khi cuộc cạnh tranh càng đi vào giai đoạn quyết định thì số bàn thua còn có thể tăng thêm. Trước mắt đội tuyển Nhật Bản cũng đang rất cần điểm ngay khi gặp chúng ta trên sân Mỹ Đình vào đầu tháng tới.
HLV Park Hang-seo sẽ còn đau đầu để tìm ra giải pháp cho hàng thủ của mình trong thời gian tới. Điều quan trọng nhất là các cầu thủ đội tuyển Việt Nam học được kinh nghiệm thi đấu khi cọ xát với các đội bóng hàng đầu châu Á./.