Qua thảo luận và kết quả lấy phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 4, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị mở rộng hình thức tố cáo để phù hợp với sự phát triển của xã hội, đồng thời ghi nhận các hình thức tố cáo đã được quy định trong các luật khác như tố cáo qua thư điện tử, fax, điện thoại.
Băn khoăn về hình thức tố cáo qua điện thoại, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, thực tiễn ở địa phương người ta dùng nhiều “sim rác” điện vào số điện thoại của cơ quan chức năng, có thông tin chính xác nhưng cũng có thông tin kiểu “đánh trận giả” báo sai vị trí nhằm thực hiện khai thác than trái phép. Do đó, ông Vũ Hồng Thanh đề nghị cần “lưu vết” để xác minh, xử lý.
Bày tỏ mở rộng hình thức tố cáo khác, nhưng Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cũng đề nghị cân nhắc về hình thức tố cáo qua điện thoại. “Về tính khả thi thì phải có một bộ phận của cơ quan đơn vị tiếp nhận điện thoại 24/24h, ghi đầy đủ thông tin để sau đó thẩm tra, xác minh. Do đó cần cân nhắc và quy định rõ hơn vì thực tế rất phức tạp mà nếu không nghe điện thoại là vi phạm”.
Trước những ý kiến trên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, quy định hình thức tố cáo qua điện thoại không phải là mới mà đã có trong luật PCTN nên luật này chỉ ghi nhận lại. Điểm mới trong luật này là dù tố cáo qua điện thoại vẫn phải tiến hành các thủ tục như tố cáo trực tiếp, sau đó tiến hành xác minh để rõ nhân thân, rõ vấn đề, rõ vi phạm thì mới quyết định thụ lý và khi đó mới phát sinh nghĩa vụ các bên.
Cũng theo ông Nguyễn Khắc Định, Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy, việc tố cáo qua thư điện tử, fax, điện thoại thực chất cũng chỉ là các phương thức thể hiện khác nhau của 2 hình thức tố cáo mà dự thảo Luật đã quy định là tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp. Hơn nữa, hiện nay việc ứng dụng công nghệ thông tin đã trở nên phổ biến trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội và trong quản lý nhà nước. Do đó, không nên giới hạn hình thức thể hiện của đơn chỉ có văn bản giấy, hình thức thể hiện của tố cáo trực tiếp chỉ là gặp mặt trình bày bằng lời nói.
“Dù tố cáo được thể hiện dưới hình thức nào thì trong giai đoạn xử lý ban đầu thông tin tố cáo, cơ quan có thẩm quyền giải quyết cũng đều phải xác định rõ được họ tên, địa chỉ (nhân thân) của người tố cáo, nội dung tố cáo phải có cơ sở để xác minh, kết luận thì mới có căn cứ để quyết định có thụ lý giải quyết tố cáo hay không” - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết.
Từ quan điểm trên, Thường trực Ủy ban Pháp luật và Cơ quan soạn thảo thống nhất chỉnh lý Điều 18 của dự thảo Luật về hình thức tố cáo gồm: Việc tố cáo được thực hiện bằng văn bản hoặc bằng lời nói; Văn bản tố cáo bao gồm bản giấy, bản fax, thư điện tử; Tố cáo bằng lời nói bao gồm: người tố cáo trình bày trực tiếp bằng lời nói tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền hoặc với cá nhân có thẩm quyền; tố cáo qua điện thoại với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng bổ sung các quy định chặt chẽ hơn về quy trình tiếp nhận tố cáo nhằm ngăn chặn việc lạm dụng các hình thức tố cáo mới được ghi nhận để tố cáo tràn lan, thiếu căn cứ, lợi dụng quyền tố cáo để xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng nhấn mạnh hình thức tố cáo qua điện thoại không phải là vấn đề mới và qua xác minh mới thụ lý giải quyết. Hơn nữa, luật này quy định rõ hơn chế độ trách nhiệm và chế tài đối với người cố tình tố cáo sai, lợi dụng tố cáo để vu khống, gây rối. Do đó, nhất trí bổ sung thêm hình thức này để tạo thuận lợi hơn cho người người dân thực hiện quyền tố cáo./.