"Tôi không đồng tình với việc cha mẹ đánh con, nhưng tôi có sự đồng cảm với những gì họ đã làm, vì chuyện họ làm từng xảy ra với tôi", độc giả Bằng Nguyễn chia sẻ.
Ngày 12/9/2014 nước Mỹ bàng hoàng khi nhìn đứa bé 4 tuổi con của Andrian Peterson, tay chơi bóng bầu dục nổi tiếng của đội Vikings, bị đánh. Và sau đó thì Andrian bị bắt tại Montgomary tiểu bang Texas. Việc bắt Andrian không phải vì tội đánh con như một số người nghĩ sai vấn đề. Andrian bị bắt vì đánh con vượt quá giới hạn và trở thành tội hành hạ trẻ em.
Ở 50 tiểu bang của Mỹ việc cha mẹ đánh con vẫn được coi là hợp pháp, nhưng trong phạm vi cho phép. Ví dụ ở Delaware cho phép cha mẹ đánh con với một roi mềm nhất định và chỉ được dùng khi đánh con, không cho phép dùng tay chân đánh con. Ở tiểu bang Louisiana cho phép đánh bằng tay nhưng phải trong trường hợp thích hợp và không gây nguy hiểm tới sức khỏe của con.
Ở Texas nếu bạn đánh con mà để lại dấu vết bầm hoặc chảy máu sẽ bị quy tội hành hạ trẻ em. Nếu cha mẹ được quyền đánh con hợp pháp trong 50 tiểu bang thì việc hiệu trưởng đánh học sinh được cho phép ở 19 tiểu bang, nhưng thầy cô chỉ có quyền đánh bằng thước kẻ vào mông và không được quá 5 lần.
Nếu ở Mỹ luật pháp cho phép đánh con thì ở Việt Nam trước đây chuyện đánh con có lẽ trở thành thông lệ, hoặc thầy cô đánh học trò cũng không có gì lạ lẫm. Tôi có lần đọc bài báo lên án việc người làm cha mẹ sao lại đánh con bầm đít hoặc làm thầy cô sao đánh học trò, và rất nhiều lời bình luận yêu cầu phải xử tù người làm cha mẹ hoặc thầy cô đó.
Bản thân tôi cũng không đồng tình với việc làm cha mẹ sao đánh con, nhưng tôi có sự đồng cảm với những gì họ đã làm, vì chuyện họ làm cũng từng xảy ra với tôi. Cách đây 35 năm việc cha mẹ đánh con bằng gậy, chổi, dây xích là rất bình thường, và gia đình tôi cũng không ngoại lệ. Khi còn rất nhỏ tôi đã nhìn thấy ba đánh các anh tôi bằng dây điện mỗi khi các anh phạm lỗi. Cứ mỗi nhát roi là mỗi lần da thịt anh tôi lại rướm máu. Khi lớn lên thì chuyện đó cũng xảy ra với tôi. Lúc này tôi mới cảm thấy nó đau rát đến thế nào.
Những dấu dây điện để lại lâu ngày thành ghẻ lại càng đau hơn. Thời gian bị đánh tôi rất tức tối gia đình và cha mẹ, càng đánh thì tôi càng tỏ ra lì lợm bất trị. Mới lần đầu đánh tôi khóc rất nhiều nhưng càng về sau thì không còn khóc mà cắn răng tỏ ra cho ba biết có đánh thì tôi vẫn quậy phá. Khi đi học cũng vậy mỗi lần bị thầy cô dùng thước kẻ đánh vào tay thì tôi cũng tỏ vẻ trước mặt bạn bè rằng mình không sợ đòn.
Khi tôi lớn lên có dịp ngồi nói chuyện với ba, tôi hỏi tại sao lại dùng dây điện đánh chúng tôi như vậy. Ba tôi trả lời đánh bằng dây điện chỉ bị thương ngoài da chứ không bị nội thương. Rồi tôi hỏi tại sao phải đánh chúng tôi, sao không tìm cách nào dạy tốt hơn? Ba hỏi lại nếu tôi nằm trong trường hợp ba thì sẽ làm gì?
Tôi ngồi nghĩ lại thời gian ba mẹ phải đi bán hàng từ sáng sớm tới tối mới về nuôi 6 đứa con nhỏ, mỗi ngày đi bán về là bị hàng xóm mách đủ thứ. Hôm nay thì đánh lộn với thằng này, ngày mai lại làm bể ngói nhà người ta phải đền, vài ngày sau lại chơi đá banh làm bể tủ kiếng kế bên nhà, chưa kể là kéo nhóm đi qua xóm khác quậy đánh nhau. Mới đầu còn la rầy nhưng chẳng khá hơn, rồi tới lúc vượt quá sức chịu đựng thì dùng roi là một cách giải quyết tạm thời.
Càng nghĩ vào khoảng thời gian đó tôi càng thương ba nhiều hơn. Tôi ước gì lúc đó mình đừng ngỗ nghịch quậy phá, biết nghe lời hơn thì bản thân sẽ không bị ăn đòn và ba cũng không phải đánh chúng tôi như vậy. Và tôi cũng cảm thông với thầy cô giáo phải phụ trách hơn 40 học sinh quậy phá mỗi ngày, việc bị ức chế dồn nén mỗi ngày tới khi không kiềm chế là điều hiển nhiên. Có thầy cô chỉ biết ngồi khóc, nhưng cũng có thầy cô dùng hình phạt đánh đòn.
Chúng ta dù Việt Nam hoặc Mỹ cũng không đồng tình với hình thức hành hạ đánh đập trẻ em, nhưng chúng ta cũng không nên có cái nhìn cay nghiệt với một người làm cha mẹ hoặc thầy cô khi họ xảy ra lỗi lầm. Nếu luật pháp Việt Nam áp dụng rõ ràng như luật pháp ở Mỹ thì nạn hành hạ trẻ em cũng sẽ giảm đáng kể.
Theo VNE