Ở bậc tiểu học, trẻ có 5 năm để làm quen dần với việc học hành. Trong 5 năm này, mục tiêu giáo dục chủ yếu là cho các cháu làm quen. Như vậy, việc học trước khi vào lớp 1 không những là thừa mà còn có nhiều hệ lụy khác.

Đây là quan điểm của TS Vũ Thu Hương, giảng viên khoa Tiểu học, trường ĐHSP xung quanh câu chuyện nhiều bậc phụ huynh cho con học chữ trước khi vào lớp 1.

Ảnh minh họa!
Ảnh minh họa!

Nuôi con nhìn sang nhà hàng xóm

Mặc dù chưa bước vào năm học chính thức, nhưng thời điểm này đã có rất nhiều bậc phụ huynh có con vào lớp 1 đã tìm “lò” luyện chữ cho con.

Tại một khu tập thể quân đội ở Cống Vị (Ba Đình, HN) nơi một giáo viên tiểu học có tiếng viết chữ đẹp, rèn con vào nếp sinh sống những ngày này tấp nập học sinh vào ra. Con đi học, bố mẹ, ông bà ở ngoài ngóng con. Sân khu tập thể đông vui hơn ngày thường.

Có con theo học tại đây, chị Duyên cho biết, mặc dù được nhiều người nói rằng không nên học trước, chị cũng đọc được ở đâu đó các chuyên gia khuyến cáo không nên cho con học trước nhưng mà vẫn không yên tâm.

“Bạn hàng xóm bằng tuổi con nhà mình mà đã biết đọc, biết viết thậm chí biết cộng trừ trong phạm vi 10 rồi. Hỏi ra mới biết bạn ấy ở nhà được ông bà dạy từ khi bé mới 5 tuổi. Sợ con không theo kịp bạn bè nên đành phải cho con đi học”- chị Duyên than thở.

Được biết, các con học cũng “căng thẳng” không kém gì anh chị luyện thi đại học. Bởi mỗi buổi các con học trong 3 tiếng (luyện tập đọc, tập viết và học các chữ số). Tùy theo thời gian học, có cô giáo dạy 2 buổi/lớp/tuần, nhưng cũng có cô dạy 3 buổi/lớp/tuần.

Vừa ra khỏi lớp, nhìn thấy mẹ bé Châu Anh, con chị Tuyết (Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, HN) đã mếu máo khóc. Cô bé thút thít nói với mẹ, không thích đi học. Dỗ dành mãi, bé mới nín. Chị Tuyết cho biết, “có lẽ phải tìm cô khác cho con. Cháu ở nhà quen nhẹ nhàng, giờ đi học cô ép vào khuôn khổ, chị một ngoặc sai cô cũng nói to nên cháu sợ. Hôm nào đi học về cũng khóc, trước khi đi thì nhất quyết không đi. Mà không học trước thì làm sao theo kịp các bạn được. Bạn bè của cháu ở lớp mầm non đều biết đọc, biết viết hết rồi”.

Có nên dạy trước?

TS Vũ Thu Hương, giảng viên khoa Tiểu học, trường ĐH Sư phạm cho rằng, thực sự là bên cạnh tâm lý thích khoe con (tâm lý sính bệnh thành tích) của không ít các vị phụ huynh, các cha mẹ còn có tâm lý quá lo lắng cho con.

Trả lời câu hỏi, việc học trước có thực sự ý nghĩa với trẻ, TS Hương thẳng thắn khẳng định “Không có tác dụng gì. Bởi ở bậc tiểu học, trẻ có 5 năm để làm quen dần với việc học hành. Trong 5 năm này, nếu đọc kĩ luật giáo dục, chúng ta sẽ thấy, mục tiêu giáo dục chủ yếu là cho các cháu làm quen. 

Như vậy, việc học trước khi vào lớp 1 không những là thừa mà còn có nhiều hệ lụy khác như làm cho các bé sợ học, ghét học, chán nản và phá phách. Đó là tôi còn chưa tính đến những hệ lụy khác mà trẻ sẽ gặp phải về sức khỏe khi phải học quá sớm”.

TS Hương cũng phân tích, trẻ con hoàn toàn không nhận thức được thế nào là điểm cao và điểm thấp, thế nào là giỏi và dốt vì lớp 1 các cháu mới bắt đầu học lớn hơn và nhỏ hơn.Vì thế, mọi việc tự ti hay tự tin là do cha mẹ cả. 

“Một em bé mang điểm kém về đưa cho mẹ xem, người mẹ đó thấy vậy quát ầm lên hoặc đánh mắng em bé. Khi đó em bé sẽ ngay lập tức nhận ra mình vừa bị điểm xấu và bé sẽ cảm thấy rất xấu hổ. Nếu mẹ em bé lại bảo: ừ không sao, mai cố gắng thì con sẽ giỏi hơn, thì em bé đó sẽ thấy bình thường và lại vui vẻ đến lớp vào ngày mai. Như vậy, trẻ em tự tin hay tự ti đều do thái độ hành xử của cha mẹ chứ không phải là việc cháu được điểm mấy ở lớp. Các cháu mới bắt đầu đi học nên chưa hiểu được mấy, các cha mẹ rất cần biết điều này” – TS Hương nói.

Theo Infonet

TIN LIÊN QUAN