(Baonghean) - Tranh thủ có mưa, bà con nông dân các địa phương trong tỉnh đều tranh thủ ra đồng để khép kín diện tích lúa mùa và chăm sóc lúa hè thu.

Những cơn mưa nhỏ vừa qua đã giúp các diện tích đất khô hạn ở Quế Phong có nước. Bởi vậy nông dân bản làng ở  Mường Nọc  và Châu Kim đang tập trung xuống đồng làm đất và cấy lúa mùa để có lương thực trong mùa Đông tới. Ông Kim Văn Mão,  Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện cho biết: Ở Mường Nọc, số diện tích thuần trồng lúa hai vụ đã cấy xong hết, còn khoảng 6 ha này của bà con bản Dốn do thiếu nước, bây giờ có nước nên bà con tập trung ra đồng làm vụ mùa. Trò chuyện với các ông La Văn Kim, Lữ Văn Thinh, Vi Văn Đại đang làm đồng, được biết: Mấy ngày nay bà con tập trung ra đồng khẩn trương cấy xong toàn bộ diện tích. 

Nông dân xã Mường Nọc (Quế Phong) cấy lúa vụ mùa. Ảnh: lang Mạnh hùng

Khắc phục hạn hán vừa qua, vụ mùa 2015 huyện Quế Phong đặt mục tiêu hoàn thành và vượt chỉ tiêu sản xuất; chủ động khai thác hết diện tích đất đai sẵn có, cơ cấu sản xuất hiệu quả phấn đấu đạt và vượt trên diện tích 2.200 ha lúa nước/sản lượng 11.083 tấn, trong đó cơ cấu 50% diện tích lúa lai, số diện tích còn lại cơ cấu các giống lúa thuần có năng suất cao, chất lượng gạo tốt, hạn chế tối thiểu trồng lúa địa phương và giống lúa cũ các vụ trước. Thực hiện kế hoạch sản xuất, cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, các đoàn thể phát động phong trào thi đua lao động sản xuất, vận động hội viên và bà con nông dân hăng hái thi đua lao động sản xuất trên diện tích được giao của mình. Theo nông lịch sản xuất vụ mùa 2015 bắt đầu gieo cấy từ ngày 5/7. Đến nay (4/8) toàn huyện đã cơ bản cấy xong trên toàn bộ diện tích 2.200 ha.  

Những cơn mưa nhỏ rải rác vừa qua là cơ hội để nhiều xã vùng cao Con Cuông ra đồng khép kín nốt những diện tích lúa mùa còn dở dang. Về xã Đôn Phục (Con Cuông), thấy trụ sở Đảng ủy, UBND vắng người, gọi điện thoại mới hay tất cả cán bộ xã đang tập trung xuống các thôn bản vận động bà con tranh thủ trời mưa có nước xuống đồng gieo cấy lúa mùa. Hơn 2 tháng qua xã Đôn Phục là một trong những vùng bị nắng nóng đỉnh điểm, không có nước sản xuất. Dịp có mưa này, nông dân lập tức tiến hành gieo lúa, trỉa ngô.

Phó Bí thư Đảng ủy xã Đông Phục - đồng chí Lang Thị Huyền cho biết: Cả tuần nay chúng tôi phải huy động toàn bộ lực lượng cán bộ bám cơ sở chỉ đạo sản xuất  cho kịp thời vụ. Nhờ tập trung chỉ đạo, đến nay cơ bản 160 ha lúa  mùa đã gieo cấy xong, chỉ còn một ít ruộng hốc chọ của bản Hợp Thành chưa đủ nước khả năng phải chuyển đổi sang trồng cây khác. Đồng chí Huyền cho biết thêm: Nhờ huyện hỗ trợ cho xã 3 chiếc máy bơm, xã huy động máy bơm hoạt động cả ngày đêm bơm nước vào ruộng. Để giúp bà con bớt khó khăn, xã chi ngân sách hỗ trợ tiền xăng dầu theo công thức tiền xăng dầu bơm nước cấy lúa xã chịu một nửa, bà con chịu một nửa. Đến nay cơ bản Đôn Phục đã gieo cấy hết diện tích. Còn các xã như Môn Sơn, Yên Khê, Chi Khê… thì đã khép kín diện tích lúa thu mùa. 

Nông dân xã Châu Kim (Quế Phong) làm đất sản xuất vụ mùa. Ảnh: Lang Mạnh Hùng

Vụ hè thu - mùa năm nay, huyện Nghi Lộc gieo cấy 6.200 ha lúa; trong đó có  3.300 ha là diện tích lúa hè thu và 2.900 ha lúa mùa. Phần lớn diện tích lúa hè thu đang thời kỳ kết thúc đẻ nhánh, chuyển sang đứng cái, làm đòng. Còn diện tích lúa mùa đang ở giai đoạn đẻ nhánh. Trời mưa nhỏ trong mấy ngày qua đã giúp cây lúa sinh trưởng tốt hơn song sâu bệnh cũng nhiều hơn. Nông dân Nghi Lộc, nhất là các xã vùng sản xuất thâm canh lúa ngày nào cũng có mặt trên đồng ruộng để chăm sóc. Hộ ông Đặng Hữu Báu ở xóm Kim Liên – Thị trấn Quán Hành (Nghi Lộc) gieo cấy 26 sào lúa. Tranh thủ lượng nước bổ sung nhờ mưa nên ông đã huy động toàn bộ nhân lực khẩn trương xuống đồng tỉa dặm, bón thúc làm cỏ sục bùn tạo điều kiện cho cây lúa phát triển. 

Hiện tại, công tác kiểm tra trên đồng ruộng Nghi Lộc cho thấy chuột đang phá hại ở các vùng sản xuất thâm canh, thường là những nơi nhiều nước và gần khu vực dân cư. Các xã Nghi Vạn, Nghi Đồng, Nghi Hoa, Nghi Công Bắc,... có diện tích lúa bị chuột cắn phá nhiều nhất. Tổng diện tích bị chuột cắn phá trên địa bàn huyện là 280 ha. Trong đó có 85 ha bị phá hại nặng. Tỷ lệ cao nhất là 20 đến 30% số dảnh bị cắn phá. Trước tình hình đó, Trạm Bảo vệ thực vật Nghi Lộc đã có công văn và yêu cầu các xã, thị trấn, các ngành liên quan tập trung chỉ đạo nông dân diệt chuột bảo vệ lúa hè thu. Các địa phương trong huyện cũng đang tích cực triển khai mọi biện pháp để diệt chuột, bảo vệ cây trồng.

Là địa phương chủ động về nguồn nước nên vụ hè thu - mùa năm 2015 này, xã Nghi Công Bắc sản xuất được 320 ha, đạt 100% kế hoạch. Đến giai đoạn cây lúa chuẩn bị trổ bông thì bà con nông dân ở đây phải đối phó với nạn chuột hại. Hiện toàn xã có khoảng 60 ha lúa bị chuột gây hại. Trước tình hình đó, UBND xã Nghi Công Bắc đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Đồng chí  Nguyễn Văn Lý, Chủ tịch UBND xã Nghi Công Bắc cho biết: “Xã chỉ đạo các tổ chức đoàn thể phát động đoàn viên, hội viên tham gia diệt chuột với bà con nông dân. Theo đó, tổ chức đào hang đập chuột theo phương pháp thủ công. Sử dụng chế phẩm sinh học, thuốc hóa học Ratka để diệt chuột. Đồng thời, phát dọn bờ vùng, bờ thửa để chuột không có nơi cư trú...”.

Trong thời gian này, Trạm Bảo vệ thực vật huyện Nghi Lộc cũng đã tăng cường cán bộ bám cơ sở, theo dõi sát tình hình diễn biến của bệnh đạo ôn để làm tốt công tác dự tính, dự báo, đưa ra các giải pháp phòng trừ kịp thời. Bệnh bạc lá cơ bản đã được các địa phương khống chế, chưa để lây lan trên diện rộng. Tuy nhiên,  rầy cũng đã rải rác xuất hiện, mật độ nơi cao 300 đến 400 con/m2. Bà Đặng Thị Hải, Trưởng Trạm BVTV huyện Nghi Lộc cho biết: Cây lúa ở giai đoạn trổ bông rất nhạy cảm với các loại sâu bệnh hại. Do vậy, trạm khuyến cáo bà con nông dân thường xuyên bám đồng để theo dõi sự phát triển của cây lúa cũng như sự xuất hiện của các loại sâu bệnh hại. Người dân tích cực thăm đồng, phát hiện sâu bệnh phải báo ngay cho UBND các xã, thị trấn để có phương án phòng trừ kịp thời, tránh để lây lan ra diện rộng. 

Lang Hùng - Văn Mùi - Hồng Vinh