(Baonghean) - Theo ghi nhận của phóng viên, từ ngày mồng 4 tết đến nay, dọc các tuyến Quốc lộ lớn như 1A, đường tránh Vinh, Quốc lộ 46… công nhân đứng đợi xe đi lao động phía Nam không nhiều như những năm trước. Qua tìm hiểu một số công nhân ở các vùng quê Nghi Lộc, Hưng Nguyên đang đi làm trong miền Nam cho biết: Giá vé tàu từ Sài Sòn về Vinh cũng hết gần 1,1 triệu đồng, cả đi và về hơn 2 triệu đồng, chưa kể quà tết cho bố mẹ, anh chị em, trong khi thu nhập ngày một giảm sút, công việc không ổn định nên họ đã không về.

Một số người dù biết rằng đi xe khách giá rẻ hơn nhưng nhồi nhét mấy ngày liền chịu cảnh say xe nên cũng đành… chúc tết qua điện thoại. Một số khác sau khi về đã không trở lại làm nữa bởi tính toán mức lương 3 triệu đồng/tháng không đủ trang trải cho cuộc sống nơi đất khách quê người.

Ngoài lý do kể trên, có một nguyên nhân lao động ít trở lại miền Nam làm việc còn do ở Nghệ An đã mọc lên rất nhiều nhà máy mới và đang đăng tải thông tin tuyển dụng. Như Nhà máy BSE (Nam Cấm) hiện nay có gần 3.000 lao động và đang tuyển dự kiến 8.000 lao động. Nhà máy Haivina Kim Liên từ 2.500 lao động năm 2012 đã tăng lên 3.000 lao động năm 2013 và năm 2014 đang mở rộng nhà xưởng tuyển thêm 500 công nhân. Rồi Khu tổ hợp công nghệ cao Vạn An (Nam Đàn) là dự án mới, tốc độ thi công rất nhanh, đang tuyển dụng công nhân,  hiện đã có trên 1.000 lao động, ngành nghề là chế biến dược liệu, đá quý…

Theo số liệu tổng hợp, từ năm 2011 đến giữa năm 2013 đã có 178 dự án/34.080 tỷ đồng được cấp giấy chứng nhận đầu tư, trong đó: đầu tư trong nước có 170 dự án/32.682 tỷ đồng được cấp giấy chứng nhận đầu tư (so với kế hoạch nhiệm kỳ đạt 90,78% số vốn đăng ký). Vốn thực hiện của các dự án đạt trên  6.700 tỷ đồng, bằng 20,53% vốn đăng ký. 

Về  đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI): Có 8 dự án/1.398 tỷ đồng (tương đương 69,9 triệu USD) được cấp giấy chứng nhận đầu tư (so với kế hoạch nhiệm kỳ đạt 13,98% số vốn đăng ký). 100% dự án đã hoàn thành, đi vào hoạt động. Vốn thực hiện đạt 910 tỷ đồng, bằng 65% vốn đăng ký. Riêng Hàn Quốc là nước có số dự án đầu tư vào Nghệ An đứng đầu với 11 dự án, tổng vốn đầu tư khoảng 70 triệu USD.

Kinh tế khó khăn, doanh nghiệp cắt giảm lao động, buộc hàng ngàn lao động người Nghệ ở miền Nam phải trở về quê tìm việc. Điều đáng mừng là các dự án có vốn đầu tư nước ngoài trong thời kỳ này đã khai thác hiệu quả nguồn lao động dồi dào của địa phương. 4 dự án dệt  may, 2 dự án sản xuất  điện tử đã tạo việc làm cho hơn 10.000 lao động địa phương. Những dự án này cũng được triển khai nhanh, hoạt động sớm.

 Như vậy, cùng với việc các nhà đầu tư đang trở về đầu tư cho Nghệ An thì lao động phổ thông của tỉnh cũng đã tìm được cơ hội việc làm ngay tại quê hương, được đảm bảo các chế độ, quyền lợi. Mỗi buổi sáng mai, trên tuyến Quốc lộ 46, đường Đặng Thai Mai, Khu công nghiệp Nam Cấm… nườm nượp công nhân đến nhà máy. Việc làm, thu nhập có thể chưa được như mong muốn nhưng đã thấy được một bức tranh công nghiệp khởi sắc từ các dự án thu hút đầu tư thời gian qua. 

Châu Lan