GẶP GỠ VÀ KẾT NỐI
Trải qua 46 năm xây dựng và trưởng thành, mối quan hệ hợp tác, hữu nghị Việt - Nhật được đánh giá đang ở thời kỳ đẹp nhất. Một trong những nỗ lực nhằm không ngừng vun đắp, làm dày thêm tình cảm khăng khít đó là chuỗi các sự kiện “Gặp gỡ Nhật Bản” do Bộ Ngoại giao tổ chức hàng năm với quy mô liên kết vùng, nhằm kết nối các đối tác Nhật Bản trên nhiều lĩnh vực với các địa phương Việt Nam.
Năm nay, Hội nghị “Gặp gỡ Nhật Bản - Khu vực Bắc Trung bộ 2019” được UBND tỉnh Nghệ An phối hợp với Bộ Ngoại giao Việt Nam và Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức tại TP. Vinh ngày 25/4. Hội nghị tập trung thảo luận các vấn đề hợp tác phát triển liên kết vùng, trọng tâm là các lĩnh vực như thu hút FDI, hợp tác nguồn nhân lực, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, du lịch, giáo dục - đào tạo và lao động...
Ngay sau sự kiện đáng chú ý này, Nghệ An cũng sẽ chủ trì Hội nghị “Gặp gỡ Nghệ An - Nhật Bản: Hợp tác và Phát triển” vào ngày 26/4, nhằm trao đổi, thảo luận sâu và định hướng thu hút đầu tư FDI, ODA, NGO; đẩy mạnh hợp tác sản xuất, kinh doanh, thương mại, du lịch, giáo dục - đào tạo và lao động... Dự kiến mỗi hội nghị sẽ thu hút khoảng 500 đại biểu trong và ngoài nước tham dự, bao gồm lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan đại diện của Nhật Bản tại Việt Nam, đông đảo đội ngũ doanh nghiệp Nhật - Việt...
Ngoài ra, bên lề các hội nghị sẽ diễn ra các cuộc gặp song phương giữa chính quyền với chính quyền (G2G), chính quyền với doanh nghiệp (G2B), giữa doanh nghiệp 2 nước (B2B),... qua đó tăng cường hiểu biết, tin tưởng lẫn nhau; đồng thời định hướng các nội dung hợp tác trong thời gian tới.
Là doanh nghiệp Nhật Bản có số vốn FDI tốp đầu tại Nghệ An (20 triệu USD), tạo việc làm cho 2.000 lao động với thu nhập trung bình 5 triệu đồng/tháng, Công ty TNHH MLB Tenergy là một trong những ví dụ cho thấy môi trường đầu tư hiệu quả với những chính sách ưu đãi, cơ chế tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tại Nghệ An. Trước thềm các hội nghị “Gặp gỡ Nhật Bản”, với tâm thế của một “người đi trước” - có kinh nghiệm đầu tư tại mảnh đất trung tâm Bắc Trung bộ, ông Masai Kazuya - Tổng Giám đốc công ty cho biết, từ góc độ nhà đầu tư, ông đánh giá Nghệ An có nguồn lao động dồi dào, con người chăm chỉ, chịu khó nên thuận lợi trong tiếp nhận công việc. Triển khai dự án đầu tư tại địa phương, Công ty TNHH MLB Tenergy nhận được sự hỗ trợ tận tình, chu đáo của chính quyền cũng như các cơ quan, ban, ngành trong quá trình hoàn tất hồ sơ thủ tục, cũng như việc thực hiện các nghĩa vụ của doanh nghiệp.
"Nếu có dịp chia sẻ kinh nghiệm với những nhà đầu tư Nhật Bản khác đang khảo sát tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Nghệ An, tôi sẽ khuyên họ rằng đây là nơi mà họ có thể lựa chọn để đầu tư. Bởi lẽ, như đã nói, Nghệ An là vùng đất rộng, có đầy đủ địa hình phù hợp nhiều loại ngành nghề kinh doanh, lại có thể cung ứng nguồn lao động lớn. Mặt khác, Nghệ An đang triển khai tốt các dự án khu công nghiệp, cảng biển... vốn là những tiêu chí rất quan trọng khi cân nhắc đầu tư”.
Có chung những thiện cảm tương tự với mảnh đất và con người xứ Nghệ, Công ty khai thác đá vôi Yabashi Việt Nam sẽ là cầu nối giúp kết nối Nghệ An với một số doanh nghiệp “đồng hương” từ tỉnh Gifu tại các hội nghị “Gặp gỡ Nhật Bản”. Khi được hỏi động cơ dẫn đến quyết định này, ông Tatsuyoshi Yabashi - Chủ tịch Tập đoàn Yabashi cho hay: “Chúng tôi là công ty Nhật đầu tiên đặt nền móng tại Nghệ An, đã xúc tiến kinh doanh tại mảnh đất này gần 20 năm. Kết quả, tôi cảm thấy dường như mình rất may mắn vì luôn tìm được những con người tài giỏi ở đây. Lúc đầu, mối quan hệ giữa công ty và tỉnh Nghệ An có đôi chút khó khăn, nhưng với triết lý kinh doanh “khám phá con người”, lấy con người làm gốc để xây dựng doanh nghiệp có ích cho xã hội, chúng tôi đã nhận được sự thấu hiểu, hỗ trợ cũng như sự chỉ đạo nhiệt tình từ Nghệ An. Để không quên ân tình ấy, chúng tôi muốn giúp Nghệ An phát triển hơn nữa. Chúng tôi cũng tâm niệm, đạt được thành công trên đất Nghệ An là cách tốt nhất để chúng tôi quảng bá cho hình ảnh của Nghệ An”.
"Đạt được thành công trên đất Nghệ An là cách tốt nhất để chúng tôi quảng bá cho hình ảnh của Nghệ An”.
THỜI CƠ ĐỐI VỚI NGHỆ AN
Đại diện lãnh đạo tỉnh phát biểu trước các cơ quan thông tấn, báo chí tại buổi họp báo thông tin về 2 hội nghị đặc biệt ý nghĩa này, đồng chí Lê Ngọc Hoa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An nhấn mạnh, các hội nghị nhằm mục đích tạo bước chuyển biến trong quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa các tỉnh khu vực Bắc Trung bộ nói chung, tỉnh Nghệ An nói riêng với Nhật Bản.
Các sự kiện được kỳ vọng sẽ thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển nói chung, hợp tác kinh tế với Nhật Bản nói riêng để nâng cao hiệu quả, tạo động lực mới thu hút đầu tư trực tiếp từ Nhật Bản, đẩy mạnh hợp tác nguồn nhân lực và kết nối địa phương với các bên. Cùng với đó, 2 hội nghị và các hoạt động bên lề sẽ góp phần thúc đẩy mối quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng giữa Việt Nam và Nhật Bản, phát huy vai trò trung tâm khu vực Bắc Trung bộ, nâng cao vị thế của tỉnh Nghệ An trước đối tác Nhật Bản.
“Đây thực sự là cơ hội vàng cho tỉnh Nghệ An trong việc quảng bá, giới thiệu về văn hóa, con người, tiềm năng, lợi thế, môi trường đầu tư của Nghệ An, tăng cường củng cố và mở rộng mối quan hệ hữu nghị giữa Nghệ An với các đối tác Nhật Bản”.
Về định hướng “hút vốn” hiệu quả từ đất nước mặt trời mọc, đồng chí Lê Ngọc Hoa cho biết, hiện nay tỉnh Nghệ An tập trung thúc đẩy kêu gọi các nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư vào lĩnh vực gồm: Công nghiệp sản xuất ô tô; Công nghiệp kỹ thuật cao và công nghiệp hỗ trợ (chế tạo phụ liệu, phụ kiện, linh kiện, cấu kiện, bộ phận, phụ tùng, chi tiết máy móc thiết bị... cung cấp cho ngành công nghiệp lắp ráp cơ khí, điện - điện tử, công nghệ thông tin, ô tô, công nghiệp hóa dầu, nhiệt điện); cơ khí chế tạo, gạch lát cao cấp; sứ vệ sinh cao cấp sản xuất các loại vật liệu mới...
Bên cạnh đó, các lĩnh vực khác như nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; dược liệu, cà phê, cao su, chè theo hướng thâm canh, nâng cao chất lượng sản phẩm; các dự án xây dựng nhà máy chế biến thịt (bò, lợn và gia cầm) và nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi gắn với công nghiệp phục vụ cho chăn nuôi trên địa bàn tỉnh... cũng sẽ là những danh mục hấp dẫn để mời gọi, thuyết phục nhà đầu tư Nhật Bản.
Với sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, trên nền tảng những tiềm năng, thế mạnh sẵn có, cộng với biết tranh thủ những mối quan hệ truyền thống với các địa phương, doanh nghiệp Nhật Bản, Nghệ An đang minh chứng là điểm đến có tiềm năng sinh lợi trong con mắt các nhà đầu tư. Từ đó, kỳ vọng có thêm nhiều dự án hợp tác quy mô và triển vọng với sự đồng hành tích cực của các đối tác xứ hoa anh đào trong thời gian tới.