Theo dự báo nhu cầu sử dụng hạt ca cao trên thế giới trong những năm tới sẽ tăng mạnh, trong khi đó nguồn cung lại có sự sụt giảm do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và sâu bệnh. Do vậy, đây được xem là “cơ hội vàng” cho ca cao VN phát triển mạnh sản xuất để cung ứng ra thị trường thế giới.
TẬP TRUNG PHÁT TRIỂN CA CAO
Theo Cục Trồng trọt, đến năm 2013, diện tích ca cao của cả nước đạt trên 22.000 ha (chủ yếu được trồng thuần và xen canh trong vườn dừa, điều, cây ăn quả), diện tích đang cho thu hoạch chiếm 50% tổng diện tích ca cao, sản lượng ước tính 6.765 tấn hạt khô.
Những vườn ca cao được chăm bón tốt năng suất có thể đạt từ 20- 30 tạ hạt khô lên men/ha đối với ca cao trồng thuần, và từ 10-15 tạ hạt khô lên men/ha đối với ca cao trồng xen. Sản phẩm ca cao bước đầu đã tham gia XK được gần 3000 tấn hạt khô lên men (năm 2012). Chất lượng hạt ca cao lên men được các tổ chức trong nước và quốc tế đánh giá rất cao.
Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết: “Mặc dù ca cao mới được trồng và phát triển ở các tỉnh phía Nam, đã cho thu hoạch 5-6 năm nay, nhưng được xem là cây trồng có tiềm năng phát triển vì điều kiện tự nhiên khá phù hợp. Nhất là mô hình ca cao trồng xen trong vườn dừa, vườn điều hay trồng thuần ở các tỉnh phía Nam, vừa tăng thu nhập vừa góp phần duy trì diện tích cây dừa, cây điều cùng phát triển hiệu quả”.
Cây ca cao đang có những cơ hội mới để phát triển
Theo ông Hòa, thời gian qua khá ồn ào về cây ca cao bị chặt bỏ khoảng 3.000 ha, trong đó, Bến Tre là địa phương trồng ca cao lớn nhất khoảng 10.000 ha, diện tích bị giảm khoảng 1.300 ha. Do giá ca cao giảm xuống còn 30.000 đ/kg so với trước là 45.000 đ/kg nên có người cho rằng vì giá thấp nên nông dân chặt bỏ để trồng cây khác như bưởi da xanh.
Tuy nhiên, diện tích sụt giảm có nhiều nguyên nhân, đó là tỉ lệ hao hụt khi trồng như nhiều loại cây khác, trồng ở những vùng không thích hợp như nhiễm phèn mặn, khô hạn và tất nhiên bị tác động nhiều do thị trường giá giảm khiến nhà vườn tự đốn bỏ. Vậy nhưng, hiện nay tình trạng này đã không còn xảy ra do giá ca cao đang tăng trở lại hơn 50.000 – 55.000 đ/kg hạt khô lên men (khoảng 4.300 – 4.500 đ/kg trái tươi).
Còn ông Casvander Horst, Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam dự báo: Đến năm 2020, thế giới sẽ thiếu khoảng 1 triệu tấn ca cao do nhu cầu sử dụng cao tăng, đặc biệt đối với thị trường châu Á. Do vậy, đây sẽ là cơ hội tuyệt vời cho VN tập trung phát triển ca cao để nâng cao vị thế trong lĩnh vực này khi nguồn cung đang ngày càng thiếu hụt. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu thế giới thì cần phải nâng cao chất lượng ca cao.
Cục Trồng Trọt cũng nhận định rằng, đây chính là thời điểm thuận lợi để VN vươn lên trở thành nhà cung ứng ca cao lớn cho thế giới. Nếu như năm 1999, diện tích ca cao mới chỉ đạt 900 ha, thì đến nay diện tích ca cao đã đạt tới 22.000 ha, trồng tập trung ở vùng Tây Nguyên, Đông Nam bộ và một số tỉnh ĐBSCL.
Tuy nhiên, hiện sự phát triển này chưa tương xứng với tiềm năng và cơ hội đang mở ra. Do vậy, mục tiêu đến năm 2015, VN sẽ phát triển diện tích ca cao lên tới 33.500ha và 50.000 ha vào năm 2020 theo hướng bền vững cả về số lượng và chất lượng.
CẦN CÓ GIẢI PHÁP BỀN VỮNG
Thực tế so với các cây trồng khác, số phận cây ca cao còn khá long đong khi không còn nhiều diện tích trống để trồng thuần; đồng thời đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt của cây cà phê, cao su, hồ tiêu, cây ăn trái, kể cả cây điều và cũng chưa được xem là cây trồng chính hay chủ lực.
Do là cây trồng mới nên nông dân cũng chưa dám mạnh dạn đầu tư, nhất là khi thấy thu nhập từ ca cao không hấp dẫn khiến họ càng thiếu sự chăm sóc đúng mức, thực trạng này chiếm khoảng 50% diện tích. Qua khảo sát, những mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn của UTZ năng suất tăng 15%/năm và chất lượng cũng nâng lên.
Hơn nữa, thời điểm hiện tại ca cao vẫn là cây trồng mới nên diện tích còn ít, chủ yếu trồng quy mô nhỏ, năng suất bình quân cũng thấp, sản lượng chưa cao. Bên cạnh đó, công tác nghiên cứu, tập huấn kỹ thuật trồng và lên men còn nhiều hạn chế, nếu không có những giải pháp nâng cao năng suất bền vững thì cây ca cao sẽ rất khó cạnh tranh được với các cây trồng khác trong vùng trồng ca cao.
Ông Đinh Hải Lâm, GĐ Phát triển Ca cao Việt Nam (Cty Mars Incoporated) cũng cho rằng, thách thức lớn của ngành ca cao VN hiện nay chính là diện tích đất đai của nông dân còn nhỏ hơn so với các nước sản xuất ca cao khác. Hơn nữa, lại có nhiều cạnh tranh với các cây trồng khác nên ca cao cần phải canh tác theo hướng thâm canh có năng suất cao.
Nếu VN sản xuất ca cao chất lượng thấp thì sẽ phải cạnh tranh với Indonesia về giá. Do vậy, VN cần phải có những giải pháp phát triển ngành ca cao bền vững với những cơ hội rộng mở. “Dự án hợp tác công tư tăng cường phát triển ca cao bền vững tại Việt Nam” do Bộ NN-PTNT ký kết với Chính phủ Hà Lan sẽ là cú hích cho ngành cao cao phát triển bền vững.
Ông Phạm Huy Thông, GĐ Trung tâm KNQG, Trưởng ban Điều phối ca cao Việt Nam (VCC) cho biết: Năm 2014, VCC sẽ phối hợp với các địa phương rà soát đánh giá kết quả thực hiện quy hoạch phát triển ca cao và đề xuất điều chỉnh quy hoạch đến năm 2020 cho sát với tình hình thực tế và dự báo thị trường trong những năm tới.
Ban Điều phối ca cao VN sẽ cùng với Cục Trồng trọt đề xuất chính sách hỗ trợ trồng xen ca cao với một số cây trồng khác lên Bộ và Chính phủ nhằm giúp nông dân sản xuất đạt hiệu quả cao; khuyến khích đầu tư nâng cấp, đổi mới công nghệ chế biến, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng để xây dựng thương hiệu của ca cao VN.
Theo NNVN