(Baonghean) - Từ 1/3/2014, Thông tư số 03/2014/TT-BYT chính thức có hiệu lực. Theo đó, những gia đình có con bị 1 trong 158 bệnh hiểm nghèo theo Danh mục của Bộ Y tế sẽ được sinh con thứ 3 không vi phạm quy định. Đây là chính sách nhân văn, được nhiều người ủng hộ.

Chị Trần Thị T (phường Hưng Phúc, TP. Vinh) cho biết:  Huy V là  con trai thứ hai trong gia đình 9 con đầu là gái. Ngày Huy V ra đời, họ hàng nội ngoại ai cũng mừng vì gia đình chị đã “có nếp, có tẻ”. Thế nhưng hơn một tuổi, cháu chẳng tập nói cười. Mọi người cứ nghĩ là bé chậm nói, sau này tình cờ qua đọc trên mạng biết thông tin về trẻ tự kỷ, chị mới tá hỏa đem con đến trung tâm để khám. Từ ngày biết con bị bệnh, chưa ngày nào chị ngủ yên, nghĩ đến con là ứa nước mắt. Biết bệnh của con khó chữa và có thể để lại di chứng đến suốt đời, hai vợ chồng cũng đã nghĩ đến đẻ thêm một đứa con nữa. Nhưng một phần vì thương con trai bệnh tật, phần thì ngại ảnh hưởng đến công tác, tập thể nên hai vợ chồng chần chừ. Sau đó, biết có quy định mới của Nhà nước cho phép các gia đình có con bị bệnh hiểm nghèo, trong đó có bệnh tự kỷ được sinh thêm con, chị đã thấy thoải mái tinh thần cho dự định sinh thêm con thứ 3.
images943320_20140310_091137.jpgĐiều trị cho trẻ bị tự kỷ ở Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh.
 
Về phía góc độ của người làm dân số, ông Phan Văn Huê – Trưởng phòng Dân số, Chi cục Dân số/Kế hoạch hóa gia đình tỉnh cho rằng: “Thông tư 03/2014/TT-BYT rất kịp thời và hợp lý. Bản thân chúng tôi khi tuyên truyền trước những tình huống này cũng rất phân vân bởi biết rằng có nhiều người rơi vào tình cảnh này cũng khổ tâm lắm. Tâm lý chung người Việt, ai cũng muốn có nhiều con và con cái lành lặn để nương tựa tuổi già. Mở ra cơ hội này, người dân sẽ yên tâm, không còn băn khoăn, cũng không còn tình trạng tìm mọi lý do để “lách luật” nữa. Ngoài ra, trong thông tư cũng nói rõ, những trường hợp này muốn sinh thêm con phải có xác định của Hội đồng giám định y khoa tỉnh, thành phố hoặc Hội đồng giám định y khoa Trung ương, vậy nên nếu gia đình nào muốn làm “giả” hồ sơ sẽ rất khó, và điều đó cũng không ảnh hưởng nhiều đến sự biến động dân số. Thông tư này cũng cho thấy, bên cạnh những chính sách hỗ trợ việc nuôi dưỡng, chăm sóc cho  những gia đình có con bị dị tật bẩm sinh, chính sách cho những người khuyết tật, Nhà nước ta đã ngày càng linh hoạt hơn trong việc thực hiện các chính sách về dân số, góp phần nâng cao chất lượng dân số của nước nhà. 
 
Để thông tư này được triển khai xuống tận các hộ dân kịp thời, ngay sau khi có văn bản của Bộ Y tế, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh cũng đã gửi văn bản xuống các Trung tâm Dân số các huyện, thành, thị và đưa vào nội dung tuyên truyền trong thời gian tới. Bên cạnh đó, để người dân yên tâm hơn trong quá trình  mang thai và sinh con, ngành Dân số cũng tiếp tục tuyên truyền để người dân khám sàng lọc trước sinh và vận động người dân khám sàng lọc cho trẻ sau khi chào đời. Hiện tại chương trình được miễn phí tại  480 xã, phường, thị trấn thuộc 20 huyện, thành, thị. Với góc độ người làm y tế, Tiến sỹ Cao Trường Sinh – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Vinh, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi cho rằng: Những trường hợp trẻ bị tử kỷ hoặc bị các dị tật khác như bại liệt, khiếm thị, câm điếc vẫn có thể phát hiện được khi đang mang thai để can thiệp sớm. Sau khi có kết luận chính xác có thể tư vấn cho thai phụ thực hiện kế hoạch hóa gia đình để đảm bảo đứa trẻ sinh ra khỏe mạnh về thể chất và tinh thần.
 
Bài, ảnh: Mỹ Hà