(Baonghean.vn) - Hãng Reuters hôm 10/11 tiết lộ đề xuất của Nga nhằm thúc đẩy một tiến trình cải cách Hiến pháp tại Syria trong thời gian 18 tháng và sau đó là cuộc bầu cử Tổng thống trước thời hạn nhằm chấm dứt xung đột tại Syria. Tuy nhiên, phía Nga lại phủ nhận việc đưa ra kế hoạch này. Người ta đang chờ đợi cuộc đàm phán quốc tế về tình hình Syria sẽ diễn ra ở Vienna (Áo) ngày 14/11 tới để xem thực hư thế nào. 

Theo Hãng Reuters, đề xuất 8 điểm mà Nga dự thảo trước cuộc đàm phán quốc tế diễn ra ở Vienna (Áo) ngày 14/11 tới đây không loại bỏ việc Tổng thống Bashar al-Assad tham gia tranh cử. 

Ít nhất 22 người thiệt mạng trong cuộc xung đột tại thành phố Latakia hôm 10/11/2015. Ảnh: BBC

Theo bản đề xuất, tiến trình cải cách không nhất thiết do ông Assad làm chủ trì mà có thể do một ứng cử viên được các bên nhất trí bầu ra. Tuy nhiên, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngay lập tức bác bỏ rằng không có văn kiện nào do Nga đang chuẩn bị để đưa ra trong đàm phán quốc tế về Syria được tổ chức tại Vienna (Áo) vào tuần này.

Theo bà Maria Zakharova, Moscow sẽ tập trung vào hai vấn đề chính tại cuộc họp ở Vienna.  "Đầu tiên là thành lập tổ chức và hiểu rõ ai là kẻ khủng bố ở Syria và khu vực. Thứ hai, thiết lập danh sách các đại diện phe đối lập Syria có khả năng tham gia các cuộc đàm phán với Damascus".

Trước động thái này, giới quan sát cho rằng, phương Tây và Nga đang “nắn gân” nhau trên mặt trận truyền thông trước thềm cuộc đàm phán tại Vienna về cuộc khủng hoảng Syria. Các nước châu Âu, đặc biệt là Anh đã có những phản ứng gay gắt khi đề xuất này được Reuters tiết lộ.

Giao tranh dữ dội tại khu vực Aleppo. Ảnh: BBC

Ngoại trưởng Anh Philip Hammond khi phát biểu với báo giới tại trụ sở Liên Hợp quốc hôm 10/11 đã đặt câu hỏi rằng “Làm sao chúng ta có thể mang lại hòa bình cho một quốc gia bị nội chiến liên miên với 250.000 - 300.000 người thiệt mạng mà không loại bỏ nguyên nhân của cuộc nội chiến?”. 

Trên thực tế, chính quyền Moscow đang tăng cường các nỗ lực ngoại giao để giải quyết cuộc xung đột tại Syria. Tại vòng đàm phán đầu tiên ở Vienna vào cuối tháng trước, Nga bày tỏ quan điểm muốn phe đối lập tham gia vào các cuộc đàm phán hòa bình. Tuy nhiên, nhà ngoại giao Anh nhấn mạnh chỉ khi ông Assad ra đi thì mới có thể đưa các tổ chức đối lập gia nhập tiến trình chính trị.

Có thể thấy rằng, các bên can dự vào tình hình Syria đang có những bất đồng về mặt nguyên tắc. Vì thế, chẳng có gì đảm bảo đàm phán hòa bình cho Syria sẽ sớm đem lại kết quả tích cực. Cả lực lượng của Chính phủ Syria do Nga hỗ trợ và lực lượng đối lập do các nước phương Tây hậu thuẫn đều tiến hành các cuộc chiến chống kẻ thù chung là nhóm khủng bố IS. 

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Syria Bashar al-Assad trong cuộc gặp tại Điện Kremlin, Nga hôm 20/10/2015. Ảnh: Reuteurs

Bên cạnh đó, sự can thiệp từ bên ngoài mỗi lúc một sâu có thể khiến tình hình Syria trở nên phức tạp hơn. Trong đó, Mỹ và Nga là hai cường quốc đang chạy đua trong việc “chống lưng” cho hai lực lượng đối đầu nhau tại Syria. Quân đội Syria vừa phá vỡ vòng vây kéo dài 1 năm của Nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại căn cứ không quân lớn nhất ở phía Bắc Syria. 

Dường như Mỹ rất sốt ruột với các chiến dịch không kích không hiệu quả và đang tính toán các bước đi mới để không bị “lép vế” so với các chiến dịch của Nga tại Syria. 

Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter thông báo, Lầu Năm Góc đã sẵn sàng công khai xem xét khả năng triển khai thêm bộ binh đến Syria. Những phát biểu này khiến người ta có cảm giác chính quyền của Tổng thống Obama đang rất nóng lòng muốn đưa bộ binh vào Syria./.

Thu Hà

TIN LIÊN QUAN