Trong vài nghìn ứng viên từ 140 quốc gia, chỉ 5-10 người được nhận học bổng OFID của Quỹ phát triển quốc tế OPEC và Phương nằm trong số đó.
Tháng 7/2017, Trần Bích Phương nhận học bổng OFID của Quỹ phát triển quốc tế OPEC dành cho sinh viên các nước đang phát triển theo học khoá đào tạo thạc sĩ. Học bổng gồm toàn bộ học phí, sinh hoạt phí 1.500 USD mỗi tháng, tiền vé máy bay, bảo hiểm y tế, sách vở và khoản phí 1.000 USD ban đầu khi mới sang.
Sinh viên được phép học tại bất cứ đại học nào trên thế giới, từ Anh, Mỹ hay Liên minh châu Âu. Mỗi năm, OFID nhận vài nghìn hồ sơ từ 140 quốc gia, nhưng chỉ trao 5-10 suất học bổng. Trong 10 năm từ khi ra đời của OFID, Trần Bích Phương là người Việt Nam đầu tiên nhận được học bổng cạnh tranh này.
Với gói học bổng trên, cuối tháng 8 này, Bích Phương sẽ sang thủ đô Stockholm (Thuỵ Điển) để bắt đầu khoá thạc sĩ Y tế toàn cầu kéo dài một năm tại viện Karolinska. Đây là trường đại học y hàng đầu của châu Âu, đứng tốp 5 thế giới, sánh ngang với các trường y như Harvard, John Hopkins, Oxford…
Viện Karolinska còn là hội đồng xét duyệt và trao giải Nobel về Y học. "Em sẽ được tiếp cận và học hỏi những kiến thức cập nhật nhất, những nghiên cứu, phát minh mới nhất, từ giáo sư đầu ngành giỏi nhất", nữ sinh Viêt Nam hào hứng nói. Hai tuần trước, Phương kết thúc khóa học sáu tuần về sức khỏe cộng đồng quốc tế tại Đại học Oslo (Nauy) theo học bổng trường cấp.
Từ một cử nhân ngành Kinh tế chuyển hướng sang Y tế, cô gái Hà Nội đã rất khó thuyết phục các tổ chức, quỹ và trường cấp học bổng cho mình. “Họ không biết em sẽ cam kết đến đâu và làm được những gì với sự đầu tư của họ. Em từng hai lần bị từ chối nhưng không bỏ cuộc và giờ đạt được những gì mơ ước: hai học bổng toàn phần, thư mời học từ ngôi trường danh tiếng và cơ hội được đặt chân đến châu Âu cổ kính, xinh đẹp”, cô gái 25 tuổi chia sẻ.
Là học sinh trường THPT chuyên Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội), Trần Bích Phương từng đạt giải ba học sinh giỏi quốc gia môn tiếng Anh năm lớp 11, được 8,5 điểm IELTS. Em sau đó được Đại học Anh quốc Việt Nam trao học bổng Hoàng tử Andrew trị giá 30.500 USD (gần 700 triệu đồng) cho toàn bộ khóa cử nhân và dự bị tại trường.
Học bổng này mỗi năm chỉ có 4 suất trên cả nước, tiêu chí hướng đến những học sinh năng động, có tiềm năng cống hiến cho sự phát triển đất nước, có khả năng làm đại sứ gắn kết, tăng cường giao lưu văn hóa học hỏi giữa Việt Nam và Vương quốc Anh… Bộ hồ sơ với bảng điểm đẹp (tổng kết lớp 12 là 8,6), tư duy đổi mới và sự chân thành đã giúp Phương giành học bổng.
Tốt nghiệp đại học với tấm bằng giỏi, Phương vào làm việc tại nhiều tập đoàn đa quốc gia lớn như Rolls-Royce, KPMG về kiểm toán. Tuy nhiên, em luôn mong muốn được làm công việc liên quan đến phát triển, giúp ích trực tiếp cho cộng đồng. Cô gái Hà Nội từ bỏ công việc với thu nhập nhiều người ao ước để vào thực tập không lương tại một tổ chức phi chính phủ quốc tế về sức khoẻ sinh sản.
Tại đây em nhận ra, y tế công cộng rất quan trọng nhưng không được chú trọng tại Việt Nam. Với mong muốn đi sâu vào học hỏi để phát triển vấn đề này và giúp đỡ mọi người, Phương ứng tuyển và được nhận làm trợ lý nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Sức khoẻ, thuộc Đại học Y tế Công cộng để tiếp cận, tìm hiểu thêm về chuyên môn.
"Kết thúc khóa học thạc sĩ, em sẽ về trung tâm làm việc tiếp. Khoảng 5-7 năm sau, em muốn trải nghiệm làm việc về mảng tổ chức dự án tại các tổ chức quốc tế lớn như WHO, World Bank hoặc UN. Với bằng thạc sĩ Y tế công cộng, kết hợp kinh nghiệm nghiên cứu và kiến thức đã có, em hy vọng được thực hiện những dự án có tác động trực tiếp đến cộng đồng", nữ sinh chia sẻ.
Ngoài ra, sau khi kết thúc khoá thạc sĩ, Phương dự tính thực hiện dự án riêng liên quan đến việc thúc đẩy nâng cao ý thức phòng chống bệnh tật, kết hợp giữa nghệ thuật và công nghệ trong thay đổi tư duy về sức khỏe của người Việt Nam./.
Theo VNE