Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, PV Báo Nghệ An đã trao đổi với Tiến sĩ, Luật sư Nguyễn Trọng Hải - Trưởng Văn phòng Luật sư Trọng Hải & Cộng sự, cụ thể như sau:
Quyền riêng tư - một trong những quyền con người quan trọng nhất
Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình (bí mật đời tư) là một trong những quyền công dân cơ bản, quan trọng nhất được Hiến pháp năm 2013 ghi nhận.
Cụ thể: Khoản 1, Điều 21 Hiến pháp Việt Nam năm 2013 nêu rõ: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn”.
Quyền riêng tư của công dân luôn được pháp luật bảo vệ. Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định cụ thể quyền bí mật đời tư tại Điều 38 như sau: “Quyền bí mật đời tư của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ”. Người làm lộ bí mật đời tư của người khác với tính chất nghiêm trọng còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Bộ luật Hình sự năm 2015 đã quy định về “Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác” tại Điều 159.
Điều 12 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định: “Bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín của công dân. Không ai được xâm phạm chỗ ở, an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín của công dân. Việc khám xét chỗ ở, khám xét, tạm giữ và thu giữ thư tín, điện tín, khi tiến hành tố tụng phải theo đúng quy định của bộ luật này”.
Nhằm bảo vệ bí mật đời tư trong giao dịch điện tử, Luật Giao dịch điện tử quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân không được sử dụng, cung cấp hoặc tiết lộ thông tin về bí mật đời tư hoặc thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác mà mình tiếp cận hoặc kiểm soát được trong giao dịch điện tử nếu không được sự đồng ý của họ, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Người bệnh có quyền được giữ bí mật thông tin cá nhân
Liên quan đến bí mật sức khỏe của cá nhân, pháp luật có quy định rõ về nghĩa vụ, trách nhiệm của người bệnh như khai báo trung thực, tuân thủ chỉ định, hướng dẫn của thầy thuốc, nhân viên y tế và nội quy, quy chế của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh… Nếu ai vi phạm sẽ chịu các biện pháp chế tài theo quy định của pháp luật. Và ngược lại, người bệnh cũng có quyền pháp lý được bảo vệ và tôn trọng, cụ thể là quyền nhân thân.
Khoản 1, Điều 25, Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân quy định về trách nhiệm của thầy thuốc trong việc giữ bí mật về những điều có liên quan đến bệnh tật hoặc đời tư mà mình được biết về người bệnh.
Khoản 3, Điều 33, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định một trong các trách nhiệm của thầy thuốc và nhân viên y tế trong phòng lây nhiễm bệnh truyền nhiễm tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh là giữ bí mật thông tin liên quan đến người bệnh. Khoản 5, Điều 8, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định cấm phân biệt đối xử và đưa hình ảnh, thông tin tiêu cực về người mắc bệnh truyền nhiễm.
Điều 8, Luật Khám bệnh, chữa bệnh quy định rõ người bệnh được giữ bí mật thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong hồ sơ bệnh án; chỉ được phép công bố khi người bệnh đồng ý hoặc để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng chẩn đoán, chăm sóc, điều trị người bệnh giữa những người hành nghề trong nhóm trực tiếp điều trị cho người bệnh hoặc trong trường hợp khác được pháp luật quy định. Điều 9, Luật Khám bệnh, chữa bệnh quy định người bệnh được tôn trọng danh dự, bảo vệ sức khỏe trong khám bệnh, chữa bệnh; không bị kỳ thị, phân biệt đối xử…
Luật sư Nguyễn Trọng Hải nêu rõ: Do vậy, đối với bệnh nhân Covid-19, nếu họ vi phạm thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Nhưng bản thân họ cũng là bệnh nhân nên cũng cần được tôn trọng về quyền riêng tư của người bệnh, tránh những hành vi phân biệt đối xử, kỳ thị, xâm phạm quyền nhân thân của họ.
Việc công khai danh tính bệnh nhân và người liên quan dịch Covid-19 được thực hiện như thế nào?
Luật sư Nguyễn Trọng Hải nhấn mạnh: Việc công khai này chỉ có thể được tiến hành bởi các cơ quan có thẩm quyền. Cơ sở để thực hiện là các cơ quan thẩm quyền sẽ căn cứ trên lợi ích quốc gia, dân tộc, sức khỏe cộng đồng để quyết định công khai hay không công khai. Hy sinh lợi ích cá nhân để đảm bảo sức khỏe cộng đồng thì cơ quan có thẩm quyền có quyền công bố danh tính.
Cơ sở pháp lý thực hiện việc công khai được quy định tại Khoản 2, Điều 14, Chương II, Hiến pháp Việt Nam năm 2013. Khoản 2, Điều 14 ghi rõ “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.
Với quy định như vậy, rõ ràng: Chỉ cơ quan có thẩm quyền (cụ thể là Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của virus Corona gây ra và Bộ Y tế) mới có quyền công bố danh tính, hình ảnh của bệnh nhân và người liên quan dịch Covid-19.
Việc công bố danh tính của bệnh nhân và người liên quan dịch Covid-19 của cơ quan có thẩm quyền ở Việt Nam lâu nay đều đảm bảo tốt quyền của công dân khi danh tính đều được viết tắt và ký hiệu bằng số như BN17, BN21... Như vậy, việc cá nhân, tổ chức khác đưa đầy đủ tên tuổi, danh tính, địa chỉ của bệnh nhân và người liên quan dịch Covid-19 là vi phạm pháp luật. Người bệnh và người liên quan dịch Covid-19 có thể khởi kiện theo quy định hiện hành.
Hiện nay, Việt Nam đang khuyến khích công dân khai báo về dịch Covid-19. Việc khai báo này nhằm mục đích giúp cho cơ quan có thẩm quyền nắm rõ về thông tin người nghi nhiễm Covid-19, từ đó có biện pháp xử lý kịp thời. Việc khai báo hoàn toàn khác hẳn việc tung tin, đưa danh tính của người bệnh và người liên quan dịch Covid-19 gây hoang mang dư luận, xáo trộn trật tự, an toàn xã hội.