Bộ Quốc phòng vừa ban hành Thông tư 207/2017/TT-BQP hướng dẫn thực hiện chuyển xếp lương đối với công nhân quốc phòng.

Đối tượng áp dụng gồm công nhân quốc phòng thuộc biên chế của Quân đội nhân dân, được bố trí theo vị trí việc làm; thực hiện nhiệm vụ tại cơ sở sản xuất, sửa chữa, cải tiến, bảo quản vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự; bảo đảm, phục vụ nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu và thực hiện các nhiệm vụ khác của Quân đội.

Nguyên tắc chuyển xếp lương là căn cứ vào vị trí việc làm và yêu cầu trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của vị trí việc làm để xếp vào loại, nhóm; căn cứ vào thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đến hết tháng 6 năm 2016 để xếp bậc lương (nếu có thời gian đóng bảo hiểm xã hội đứt quãng chưa được hưởng chế độ trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần thì được cộng dồn).

images1999807_bna_59b5f03212257.jpgẢnh minh họa

Khi thực hiện chuyển xếp lương không được kết hợp nâng bậc, nâng nhóm, nâng loại.

Thông tư quy định rõ cách chuyển xếp lương đối với trường hợp tại thời điểm ngày 01/07/2016 đang bố trí đúng yêu cầu trình độ chuyên môn, nghiệp vụ theo vị trí việc làm.

Về chuyển xếp loại, nhóm lương: Đang được bố trí đúng yêu cầu trình độ đại học theo vị trí việc làm thì xếp vào Nhóm 1 Loại A; đang được bố trí đúng yêu cầu trình độ cao đẳng theo vị trí việc làm thì xếp vào Nhóm 2 Loại A; đang được bố trí đúng yêu cầu trình độ trung cấp theo vị trí việc làm thì xếp vào Loại B; đang được bố trí đúng yêu cầu trình độ sơ cấp theo vị trí việc làm thì xếp vào Loại C Bảng lương công nhân quốc phòng quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 19/2017/NĐ-CP.

Chuyển xếp bậc lương: Trên cơ sở đã thực hiện xong chuyển xếp loại, nhóm lương, căn cứ vào thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc (bao gồm thời gian công tác trong và ngoài Quân đội, nếu có đứt quãng chưa hưởng chế độ trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần thì được cộng dồn) để thực hiện xếp bậc lương, cụ thể: Tính từ bậc 1, cứ sau mỗi khoảng thời gian 2 năm (đủ 24 tháng) đối với các hệ số lương từ 3,95 trở xuống và cứ sau mỗi khoảng thời gian 3 năm (đủ 36 tháng) đối với các hệ số lương trên 3,95 được xếp lên 1 bậc lương theo Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này.

Trường hợp trong thời gian công tác trước ngày 01/07/2016 được nâng bậc lương trước thời hạn thì thời gian trước thời hạn đó được cộng để tính vào thời gian xếp lên bậc lương cao hơn. Trường hợp trong thời gian công tác trước ngày 01 tháng 7 năm 2016 có năm không hoàn thành nhiệm vụ được giao hoặc bị kỷ luật khiển trách thì bị trừ 6 tháng, bị kỷ luật cảnh cáo hoặc giáng chức, cách chức thì bị trừ 12 tháng vào thời gian tính xếp lên bậc lương cao hơn.

Trong quá trình chuyển xếp lương đến bậc lương cuối cùng, nếu có số tháng dư (chưa đủ 24 tháng đối với các hệ số lương từ 3,95 trở xuống hoặc chưa đủ 36 tháng đối với các hệ số lương trên 3,95) thì số tháng dư này sẽ được tính vào thời gian để xét nâng bậc lương tiếp theo hoặc xét hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung. Thời gian để xét nâng bậc lương tiếp theo hoặc xét hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung được tính bắt đầu từ tháng 7 năm 2016.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/10/2017.

Các chế độ quy định tại Thông tư này được tính hưởng từ ngày 01/07/2016.

Theo Chinhphu.vn

TIN LIÊN QUAN