Tình nguyện ghi danh vào đội cảm tử

Những ngày này, Khu Di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồnđón nhiều đoàn khách viếng thăm và dâng nén tâm hương trước anh linh của hàng nghìn người con ưu tú đã ngã xuống. Đặc biệt là sự hy sinh anh dũng của 13 thanh niên xung phong Đại đội 317 vào rạng sáng 31/10/1968, tức là vào thời khắc trước 1 ngày Mỹ ngừng ném bom miền Bắc.

Về Truông Bồn lần này, chúng tôi dành thời gian tìm đến gia đình ông Hoàng Văn Thắng, người đang thờ anh trai là liệt sĩ Hoàng Văn Phúc, một người con đã hóa thân vào mảnh đất quê hương.

Chuyện về người con Mỹ Sơn ngã xuống ở 'tọa độ lửa' Truông Bồn ảnh 1

Ông Hoàng Văn Năm kể về sự hy sinh của anh trai. Ảnh: Công Kiên

Hôm ấy, ông Thắng đang vào miền Nam thăm con cháu, bà Đặng Thị Chung tiếp chuyện thay chồng. Một lúc sau, hai người em ruột của ông Thắng là ông Hoàng Văn Năm và bà Hoàng Thị Sáu cũng có mặt. Nhờ vậy, chúng tôi có dịp ghi chép được phần nào mảng ký ức của người thân về liệt sĩ Hoàng Văn Phúc - người góp phần viết nên huyền thoại Truông Bồn.

Ông Năm mở đầu câu chuyện: “Bố mẹ chúng tôi có 8 người con, 5 trai và 3 gái, anh Phúc là con thứ 3. Anh em chúng tôi đều tham gia kháng chiến, góp phần giải phóng quê hương, đất nước. Riêng anh Phúc tham gia đội phá bom cảm tử và hy sinh ở tuổi 19, khi chưa lập gia đình”.

Chân dung liệt sĩ Hoàng Văn Phúc. Ảnh: GĐCC

Vợ chồng cụ Hoàng Văn Mân ban đầu ở xã Thái Sơn, cách xã Mỹ Sơn khoảng 5 km. Khi ấy, Truông Bồn còn rất đỗi hoang vu, nhà cửa thưa thớt, nên cụ Mân chuyển gia đình về đây theo lời kêu gọi của lãnh đạo huyện Đô Lương. Hai cụ tảo tần bám trụ ruộng đồng, đất bãi để nuôi đàn con thơ khôn lớn.

Rồi chiến tranh lan ra miền Bắc, máy bay Mỹ trút bom xuống Truông Bồn ngày càng ác liệt, nơi đây được ví là “tọa độ lửa”. Hàng nghìn thanh niên xung phong được điều động về mở đường, san lấp hố bom; đêm đêm từng đoàn xe nối đuôi nhau băng qua để vào tiền tuyến.

Lực lượng TNXP san lấp hố bom nơi "tọa độ lửa" Truông Bồn. Ảnh tư liệu

Suốt ngày đêm, máy bay Mỹ dội xuống trục đường đi qua Truông Bồn đủ các loại bom đạn, trong đó, có những loại hết sức nguy hiểm như bom nổ chậm, bom từ trường để ngăn chặn sự chi viện cho chiến trường miền Nam. Giữa lúc “dầu sôi, lửa bỏng”, theo chỉ đạo của cấp trên, xã Mỹ Sơn thành lập Đội Phá bom cảm tử, gồm những người có kinh nghiệm chiến đấu và thanh niên khỏe mạnh, nhanh nhẹn.

Nhiệm vụ của đội là rà phá những quả bom chưa phát nổ nằm dọc tuyến đường, đảm bảo an toàn cho những chuyến xe qua, để việc chi viện luôn thông suốt.

Bước vào lứa tuổi thanh niên cũng là lúc quê hương bị máy bay Mỹ dội bom ác liệt, không ít lần Hoàng Văn Phúc chứng kiến cảnh xóm làng cháy rụi, nhà cửa tan hoang, người dân bị bom vùi. Năm 1967, anh tham gia trực chiến tại đài quan sát phòng không trên đỉnh núi Mào Gà, thực hiện nhiệm vụ phát hiện và cảnh báo khi có máy may địch sắp vào bắn phá khu vực Truông Bồn.

Với những chiến công và đóng góp trên "tuyến lửa" Truông Bồn, liệt sĩ Hoàng Văn Phúc được truy tặng Huân chương Kháng chiến hạng Ba. Ảnh: Công Kiên

Biết tin xã thành lập Đội Phá bom cảm tử, anh đã tình nguyện ghi danh và xin được tham gia. Đội cảm tử của xã Mỹ Sơn gồm 12 chiến sĩ được tập huấn kỹ thuật rà, phá các loại bom, do đồng chí Nguyễn Văn Sáu, người từng tham gia bộ đội chống Pháp trực tiếp chỉ huy.

Trong những ngày tháng ác liệt ấy, sau mỗi trận bom máy bay Mỹ dội xuống, Hoàng Văn Phúc và các đồng đội lập tức có mặt để rà tìm và phá bom từ trường, bom nổ chậm, đảm bảo huyết mạch giao thông luôn thông suốt. Nhiệm vụ hết sức nguy hiểm, ranh giới giữa sự sống và cái chết quá đỗi mong manh nên mỗi khi vào cuộc, các chiến sĩ đều được truy điệu sống.

Sau mỗi thắng lợi, các chiến sĩ trở về trong cảnh khói bom và bùn đất nhem nhuốc, rưng rưng xúc động vì được đồng đội và bà con đón mừng…

Dành sự sống cho đồng đội

Sáng 11/9/1968, Đội Phá bom cảm tử nhận được lệnh bằng mọi cách xử lý nhanh quả bom đang án ngữ ở điểm Khe Mây trên Quốc lộ 34 để đoàn xe quân sự vào khu vực Ba Thung nhận hàng. Với sự chi viện của một đồng chí cán bộ Tỉnh đội, Đội trưởng Nguyễn Văn Sáu và 5 thành viên, trong đó có Hoàng Văn Phúc nhận nhiệm vụ phá quả bom ở Khe Mây.

Bằng Tổ quốc ghi công của liệt sĩ Hoàng Văn Phúc. Ảnh: Công Kiên

Từ rạng sáng đến gần trưa, các chiến sĩ đã vận dụng những giải pháp cần thiết nhưng vẫn không giải quyết được quả bom nằm chình ình giữa đường. Cuối cùng, mọi người đi đến thống nhất tăng lượng bộc phá lên gấp đôi, để nếu bom không nổ thì cũng bị chìm sâu xuống lòng đất, tạm thời đảm bảo an toàn.

Thống nhất phương án, Đội trưởng Nguyễn Văn Sáu nhận nhiệm vụ mang bộc phá vào đặt kích nổ quả bom. Nhưng Hoàng Văn Phúc liền ngăn lại: “Anh để em vào đặt cho… Em còn trẻ chưa có gia đình. Anh còn có chị và các cháu còn nhỏ dại”. Nói xong, anh Phúc mang bộc phá vào đặt. Vừa bước chân quay ra thì một tiếng nổ long trời vang lên…

Người thân luôn khắc khoải nhớ thương liệt sĩ Hoàng Văn Phúc. Ảnh: Công Kiên

“Hay tin anh Phúc phá bom, bố mẹ, anh chị em chúng tôi, rồi bà con xóm làng vội chạy ra Khe Mây với hy vọng tìm thấy anh bị sức ép rồi văng ra đâu đó. Nhưng tìm mãi, chỉ thấy một ít mẩu thi thể cùng đôi dép cao su. Đến nay, tôi vẫn nhớ cảnh bố lặng lẽ xách đôi dép của anh trở về, mẹ thì như chết lặng vì quá thương anh. Hôm ấy dậy sớm làm nhiệm vụ, anh chưa kịp ăn bữa sáng…”.

Ông Hoàng Văn Năm

Khi anh trai hy sinh, bà Hoàng Thị Sáu còn nhỏ. Suốt 54 năm trôi qua bà vẫn lưu giữ hình ảnh người anh hiền hậu, luôn yêu thương và chia sẻ với các em. Bà nhớ lại: “Những hôm không trực chiến, anh Phúc đi làm đồng về, nếu tôi chưa kịp nấu cơm, anh vội vàng vào nhóm bếp. Khi thấy bố cầm đôi dép cao su của anh, tôi òa khóc vì biết anh mãi mãi không về, từ đó gia đình luôn mang nỗi đau khắc khoải…”.

Sự hy sinh anh dũng của Hoàng Văn Phúc, người con đất Mỹ Sơn càng giúp các lực lượng làm nhiệm vụ ở Truông Bồn tăng thêm quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. Bom vẫn tiếp tục rơi, từng đoàn xe vẫn ra tiền tuyến. Để rồi, 50 ngày sau, tức ngày 31/10, thêm 13 chiến sĩ TNXP Đại đội 317 ngã xuống giữa Truông Bồn khói lửa…

Người thân bên tấm ảnh của liệt sĩ Hoàng Văn Phúc. Ảnh: Công Kiên

Ông Phan Trọng Lộc - Giám đốc Ban Quản lý Di tích Truông Bồn cho biết: “Truông Bồn là vùng đất linh thiêng, nơi in dấu bước chân sục sôi chiến đấu của hàng chục vạn thanh niên xẻ núi, phá bom cho xe vào tiền tuyến. Nơi đây, 1.240 người con ưu tú đã ngã xuống, góp phần viết nên kỳ tích của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Trong đó, có sự hy sinh anh dũng của liệt sĩ Hoàng Văn Phúc, hiện gia đình và chính quyền địa phương đã lập hồ sơ đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”./.