Khác với mọi năm, thị trường ngoại binh năm nay không còn mấy sôi động. Có hơn 200 ngoại binh đến sân cỏ Việt Nam rồi đi, rất ít khuôn mặt trụ lại V.League như Romario (B.BD), Benjamin (Nam Định), Gustavo (TP.HCM), Junior (FLC Thanh Hóa). Một phần là chất lượng không đạt, chỉ “tốt nước sơn” với những bản lý lịch hoành tráng, phần còn lại các cầu thủ chất lượng không chấp nhận với kiểu thử việc của các BHL.
Ngoại binh im ắng
Năm nay, không có nhiều bản hợp đồng được quảng bá rầm rộ. Có vẻ các cổ động viên cũng chán không còn quan tâm nhiều đến những chiêu trò PR của các đội bóng, toàn “thử kêu, đốt tịt”. Các ngoại binh ghi được 9, 10 bàn thắng sau 26 vòng đấu ngày càng hiếm, không ít đội đành đưa tiền đạo đá phòng thủ.
Các đội chủ yếu áp dụng phương châm “cũ người, mới ta”, nghĩa là đem về những ngoại binh đã từng đá V-League, chân giò đã được kiểm chứng để tránh rủi ro. Số khác thì nhanh chóng tái ký hợp đồng để tránh việc bị nhòm ngó như Zarour, Toure (Sanna.KH), Moses, Oseni (Hà Nội), Fagan, Stevens (Hải Phòng)…
Lình xình đôi chút đó là việc bầu Vinh chia tay cựu tuyển thủ MU Possebon,để đón ngoại binh mới là Paulo Daniel Fernandes Tavares. Tiền vệ sinh năm 1985, quốc tịch Bồ Đào Nha đang khoác áo CLB C.D. Cova da Piedade tại Liga Pro được coi là phù hợp với CLB TPHCM hơn.
Vụ còn lại thì tiền đạo người Brazil - Claudecir dos Reis Rodrigues Junior cuối cùng đã phải cầu xin đội bóng chủ quản “nương tay” sau những màn đi đêm láu cá. Nhiều khả năng phút 89, phải xì ra cỡ 150.000 USD may ra Claudecir mới “tự chuộc” bản hợp đồng còn 1 năm nữa của mình. Tuy nhiên, khó có chuyện tiền đạo này được gia nhập CLB khác, đối thủ của Quảng Nam tại V-League.
Siêu cò Đại tái xuất sân cỏ và có vẻ CLB Sài Gòn sẽ ký hợp đồng với Nsi với giá trị thấp hơn khi anh ấy thi đấu cho XSKT Cần Thơ nhiều. Ông bầu CLB Sài Gòn này trở lại đã khiến cho chợ cầu thủ trở nên sôi động, khó lường hơn rất nhiều.
Hên xui, khó lường
Đã lâu nay, thị trường cầu thủ Việt Nam không theo quy luật nào, cũng không định giá chuẩn, cứ thuận mua, vừa bán thôi. Có điều các cầu thủ cũng “khôn” lên rất nhiều sau những lần bị cò ăn chặn, họ biết tự thổi giá bằng các tin đồn trên báo chí, đội A muốn cầu thủ X, đội B đã liên hệ cầu thủ Y.
Thậm chí họ đi cả team “xe pháo mã” như Trọng Hoàng - Văn Bình - Văn Hoàn của SLNA để chung lưng, đấu cật bảo vệ quyền lợi của mình. Bóng đá Việt Nam không có nhiều các nhà môi giới có chứng chỉ hành nghề FIFA Agents và vì thế, đâu là giá trị thực của cầu thủ luôn là điều bí mật.
Từng là “siêu cò” nên những chi phí bất thành văn, tiền cắt phế…có lẽ cò Đại chả lạ gì. Trước đây, vào năm 2012, “siêu cò” Đại đã ghi kỷ lục đưa Lê Phước Tứ về XMXT Sài Gòn với giá trọn gói 12 tỷ đồng.
Trước đó, XM Ninh Bình cũng phải mất 8 tỷ đồng cho bản hợp đồng đưa Thắng “bế” về đất Hoa Lư, tất nhiên vẫn là tay Trần Tiến Đại thu xếp. Tuyển thủ Như Thành thậm chí không đá một trận nào cho XMXT Sài Gòn vẫn cầm 7 tỷ (chỉ ký hợp đồng ghi nhớ).
Khá ngạc nhiên, TP HCM và Sài Gòn lại là những CLB có nhiều biến động nhân sự nhất. Trong khi Bầu Vinh chủ động thanh lý một lúc 13 cầu thủ cùng HLV trưởng, thì ngay sau khi bầu Đại xuất hiện ở Sài Gòn FC thì lần lượt Hữu Thắng, Công Thảo, Văn Thuận, Đình Trọng, Văn Đại phân nửa đội hình chính đã ra đi trước ngày khai mạc giải.