Án phạt của Ban kỷ luật VFF như sau: BTC sân Hàng Đẫy và CLB Hà Nội bị phạt 70 triệu đồng và phải thi đấu trên sân không có khán giả tại vòng 7. CLB Hải Phòng cũng phải nộp phạt số tiền 70 triệu đồng vì sự cố trên.
Rõ ràng, BTC sân Hàng Đẫy, CLB Hà Nội và CLB Hải Phòng phải nhận mức phạt trên là hoàn toàn chính xác. Tuy nhiên, việc Ban kỷ luật VFF cấm CLB Hà Nội thi đấu trên sân không có khán giả tại vòng 7 (gặp CLB TP. HCM) là điều bất công với các cổ động viên đội bóng thủ đô.
Video cổ động viên Hải Phòng đốt pháo sáng trên sân Hàng Đẫy hôm 21/4. |
Khách quan mà nói, màn cổ vũ của Hội cổ động viên CLB Hà Nội ở trận đấu với CLB Hải Phòng tại vòng 6 là đúng mực và rất văn minh. Trái ngược với những gì mà cổ động viên đến từ đất cảng đã làm trên sân Hàng Đẫy. Vậy mà, những người hâm mộ bóng đá chân chính của CLB Hà Nội lại phải nhận án phạt oan uổng từ Ban kỷ luật VFF.
Cùng quan điểm với HLV Chu Đình Nghiêm, Chủ tịch Nguyễn Quốc Hội cho biết: “Án phạt không cho cổ động viên tới sân ảnh hưởng tới động lực và sự hưng phấn của các cầu thủ. Đây sẽ là sự thiệt thòi cho những cổ động viên chân chính của CLB Hà Nội và CLB TP.HCM. Tôi nghĩ chúng ta cần sự chung tay của các bên để chấm dứt tình trạng này trong tương lai”.
Đúng là “quýt làm, cam chịu”, cổ động viên của CLB Hà Nội và CLB TP.HCM chẳng gây ra lỗi gì thì phải theo dõi đội nhà thi đấu qua màn ảnh tivi, trong khi “thủ phạm” là các cổ động viên của CLB Hải Phòng lại “bình an vô sự”. Đơn giản là CLB Hải Phòng không có Hội cổ động viên (đã giải tán từ năm 2009), nên Ban kỷ luật VFF đành “bó tay”.
Đã đến lúc, VFF triển khai phương án do Chủ tịch LĐBĐ Hải Phòng Đan Đức Hiệp đề xuất: “BTC giải của Hải Phòng, cũng như BTC giải VĐQG nghiên cứu phương án lắp đặt camera an ninh tại các khán đài, tăng cường lực lượng an ninh làm nhiệm vụ giám sát tại các trận đấu và kiên quyết xử lý nghiêm (thậm chí khởi tố) với những khán giả, cổ động viên cố tình vi phạm, gây rối trật tự công cộng trước, trong, sau mỗi trận đấu bóng đá”.
Có như vậy mới xử được đúng người đúng tội, tránh được tình trạng “quýt làm, cam chịu” như hiện nay./.