Chật vật giữa tâm dịch
Hơn 2 tuần nay, Mạc Văn Thái (26 tuổi, xã Châu Lý, huyện Quỳ Hợp), chỉ quanh quẩn trong phòng trọ xập xệ ở quận Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng). Thái là một trong hàng nghìn lao động Nghệ An đang mắc kẹt giữa tâm dịch Đà Nẵng, phần lớn trong số này bày tỏ nguyện vọng được về quê. Dù phải cách ly 14 ngày theo quy định. “Tụi em ở đây rất thiếu thốn. Không làm việc thì không có lương, nên ai cũng muốn được về quê sớm. Nhưng tất cả sẽ tuân thủ quy định, không trốn về đâu”, Thái chia sẻ với phóng viên Báo Nghệ An qua điện thoại.
Hơn 1 năm trước, Thái cùng một nhóm đồng hương 15 người từ Quỳ Hợp vào Đà Nẵng làm thợ xây dựng. Công việc vất vả nhưng thu nhập cũng chẳng đáng là bao. Mỗi dịp nhận lương xong, họ chỉ giữ lại một ít để chi tiêu cá nhân, còn lại phải gửi về cho gia đình. Chính vì thế, khi Đà Nẵng giãn cách xã hội, công việc bị dừng khiến không ít công nhân phải lao đao. “Người dân tộc Thái bọn em tổ chức ăn Tết Độc lập rất lớn. Dù đi đâu cũng thường về quê để đón Tết. Hy vọng là cơ quan chức năng sớm tổ chức đưa lao động ở trong này về, rồi cách ly theo quy định để chúng em được ăn Tết”, Thái bày tỏ nguyện vọng.
Cách khu trọ của Thái không xa, một nhóm 11 người cùng quê Nghĩa Đàn cũng đang sống chật vật trong lán trại tồi tàn. Họ là những thợ làm cầu đường thất nghiệp vì dịch Covid-19. “Ở đây thiếu đủ thứ, ai cũng muốn được về quê cả. Cũng may là ít ngày trước có nhóm đồng hương đến hỗ trợ ít lương thực, thực phẩm nhưng hiện tại cũng hết sạch rồi”, anh Nguyễn Văn B. (46 tuổi, xã Nghĩa Lợi, Nghĩa Đàn), nói và tiết lộ, ít ngày trước, nhóm thợ này có đến 16 người. Nhưng không chịu được cảnh sống chật vật, 5 người trong số họ đã bỏ về quê. Họ lên chiếc xe trộn bê tông công trình, chen chúc nhau trong đó để “qua mặt” các trạm kiểm soát.
Phần lớn những người thợ xây dựng này ở theo nhóm, lâu nay vẫn thường ăn cơm ở quán. Chính vì vậy, ở các xóm trọ và lán trại công nhân, không hề có các dụng cụ nấu ăn cho đến lương thực thực phẩm. Vì vậy mà khi Đà Nẵng bị giãn cách, quán hàng lần lượt đóng cửa, những công nhân này bắt đầu phải tự xoay xở tìm cái ăn.
Không chỉ có lao động phổ thông, nhiều sinh viên Nghệ An đang theo học ở Đà Nẵng cũng lâm vào cảnh tương tự. Thắng (20 tuổi, quê ở huyện Diễn Châu), đang là sinh viên một trường đại học trên địa bàn quận Liên Chiểu cho hay, như nhiều sinh viên nghèo khác, mỗi dịp nghỉ hè, em thường ở lại thành phố để xin việc làm thêm, kiếm ít tiền để trang trải chi phí.
Cuối tháng 7, Thắng được nghỉ hè. Nhưng khi vừa nghỉ học thì dịch bùng phát, khiến Thắng lâm vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”. Về quê không được, mà ở lại cũng không xong. “Bình thường em thường xin làm ở các quán cafe, nhưng bây giờ quán xá đóng cửa hết rồi. Chẳng biết xin được việc gì làm. Lúc đầu cứ nghĩ sẽ ở lại làm thêm gửi tiền về quê phụ giúp bố mẹ nuôi em, bây giờ lại phải điện về kêu cứu bố mẹ gửi tiền vào”, Thắng nói.
Tình người trong khốn khó
Hơn 1 tuần trước, hội đồng hương với tên gọi “Hội Sông Lam tại Đà Nẵng” quyết định thành lập một “tiểu ban” để hỗ trợ những bà con, sinh viên cùng quê đang gặp khó khăn giữa tâm dịch. Một nhóm 12 người được phân công công việc cụ thể, từ hậu cần đến vận tải... Chỉ sau 1 ngày đăng tải tìm người khó khăn trên các trang mạng xã hội, “đường dây nóng” của hội đồng hương đã gần như quá tải. “Ở đây có 15 người quê Diễn Châu. Đói quá rồi anh chị ơi...”, một trong những tin nhắn phổ biến bình luận dưới những bài đăng trong nhóm đồng hương. Lập tức, các thành viên hội đồng hương sẽ hỏi thăm địa chỉ cụ thể. Chỉ trong chốc lát, hàng cứu trợ đã được chuyển đến.
Phần lớn các mặt hàng cứu trợ cũng được quyên góp từ những nhà hảo tâm xứ Nghệ. Họ thường là những doanh nhân, những người sinh sống lâu năm, có công việc ổn định ở Đà Thành. Cũng có những người, hoàn cảnh chẳng khấm khá là bao, thu nhập chỉ đủ mưu sinh qua ngày. Nhưng họ cũng sẵn sàng quyên góp từng quả trứng, những thực phẩm tự tay làm ra mang đậm chất quê như nhút, dưa cà muối...
Tất cả những mặt hàng cứu trợ đều được xịt khuẩn khử trùng trước khi trao tới tận tay người lao động. Các thành viên của tiểu ban cứu trợ cũng được trang bị bảo hộ đầy đủ mỗi lần đi trao quà. Chỉ sau 5 ngày, nhóm đã tới được 200 địa điểm, chưa kể các sinh viên nhận tại điểm tập kết. Qua đó, giúp gần 2.000 đồng hương, phần lớn là công nhân, thợ xây dựng đang thất nghiệp vì dịch. Có điểm, thậm chí có đến hơn 150 người cùng quê Yên Thành đang bị mắc kẹt được nhóm cứu trợ.
“Lao động Nghệ An ở Đà Nẵng rất nhiều. Họ đang thật sự rất khó khăn. Nhưng giải pháp này cũng chỉ là tạm thời thôi. Hầu hết họ đều bày tỏ muốn được về quê. Về lâu dài, hy vọng chính quyền 2 địa phương sớm tổ chức đón các lao động này về”, một thành viên hội đồng hương nói.
Ngoài việc cứu trợ, mỗi lần gặp gỡ, nhóm này cũng kêu gọi các lao động không tự ý trốn về quê, để “đảm bao an toàn cho quê hương, làng xóm”. “Nhiều người họ trốn về rồi. Mới hôm nay đến đưa hàng cứu trợ, vài ngày sau đến đã không thấy đâu nữa. Những người này về quê nếu không phát hiện, cách ly kịp thời thì rủi ro lây lan dịch bệnh ra cộng đồng rất cao”, thành viên này nói thêm.
Theo tìm hiểu của phóng viên, nhiều lao động ở Nghệ An những ngày gần đây do không chịu được cảnh sống chật vật đã tìm mọi cách về quê. Để tránh kiểm soát, họ thường nhờ người quen chở bằng xe máy lên đường tránh TP Đà Nẵng rồi đứng ven đường xin cánh xe tải “quá giang”. Một số thậm chí chấp nhận đi bộ hàng chục km băng qua đèo Hải Vân. Mới đây, ngày 6/8, một nhóm thợ xây 4 người quê ở Tân Kỳ và Quỳ Hợp đã được cơ quan chức năng đưa đi cách ly tập trung ở Thừa Thiên - Huế sau hơn 1 ngày đi bộ, băng qua đèo Hải Vân tìm cách đào thoát khỏi Đà Nẵng.