(Baonghean.vn) - Trèo đèo, lội suối không quản nắng mưa về tận từng bản làng để vận động người dân thực hiện tốt công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình. Đó là công việc hằng ngày của những cán bộ dân số ở vùng dân tộc ít người. Ở đó, dân bản vẫn thường gọi họ là “những con ong rừng” chăm chỉ.
Xã Ngọc Lâm là vùng tái định cư Thủy điện Bản Vẽ của bà con huyện miền núi Tương Dương. Tuy phần lớn dân cư là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ nhận thức còn thấp so với mặt bằng chung của xã hội nhưng vấn đề dân số ở đây lại có những kết quả đáng mừng, toàn xã có tới 100% các cặp vợ chồng ký cam kết không sinh con thứ 3 trở lên, 93% phụ nữ trong xã áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại.
Chị Lộc Thị Đại, người đã có tới hơn 10 năm gắn bó với công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình chia sẻ: “Làm việc với bà con ở đây, vì trình độ hiểu biết của họ còn thấp nên có những khó khăn trong việc truyền tải thông tin. Mình phải tìm mọi cách nói sao cho dễ gần, đơn giản nhất thì họ mới hiểu được. Nhưng làm công tác này ở bản cũng có cái dễ hơn ở vùng xuôi, bà con ở đây nghe lời cán bộ lắm, họ tin tưởng ở cán bộ nên cán bộ nói là họ nghe theo”.
Kể về cái duyên đến với nghề, chị cho hay, ngày trước, cán bộ cấp trên giao cho chị nhiệm vụ giới thiệu về vấn đề sinh đẻ có kế hoạch cho bà con một bản nhỏ ở Tương Dương. Những bỡ ngỡ ban đầu khiến chị lúng túng, nhưng khi nhìn thấy ánh mắt đầy tin tưởng của bà con, chị lại có thêm động lực để cố gắng. Thế rồi, gắn bó với công việc đủ lâu, tình yêu nghề của chị cứ ngày một lớn dần.
Chị Đại vẫn nhớ trường hợp của gia đình anh Lương Văn May và chị Lương Thị Doan ở bản Muộng, vì sinh con một bề nên họ vẫn muốn sinh thêm. Chị đã đến nhà giải thích rõ cho họ hiểu nhưng dường như niềm ao ước có thêm con của họ vẫn rất lớn, đến độ những lời nói của chị như “nước đổ lá khoai”.
Thế là cứ đều đặn mỗi tháng vài lần, chị lại vượt quãng đường xa xôi đến với gia đình họ, tâm sự chân tình với hai vợ chồng để họ nhận ra giá trị nền tảng của một gia đình hạnh phúc. Kiên trì như vậy trong 3 tháng liền thì vợ chồng anh May cũng hiểu ra điều đó và đến bây giờ, khi kinh tế gia đình họ đã ổn định, họ rất quý và biết ơn chị. “Công việc này là thế, phải kiên trì, nhẫn nại thì mới có kết quả được. Nếu không yêu nghề thì cũng dễ nản lắm đấy”, chị Đại chia sẻ.
Cũng như chị Đại, chị Lương Thị Chương ở bản Tạ Xiêng cũng là một cộng tác viên dân số của xã. Một lần theo chân 2 chị đến bản để tuyên truyền về kế hoạch hóa gia đình, chứng kiến buổi sinh hoạt định kỳ của các chị em phụ nữ trong bản, tôi thấy sự hăng say và tâm huyết của chị Đại, chị Chương. Họ mải mê nói chuyện, một cách dí dỏm và chân tình, những câu nói rất gần với thực tế, với củ khoai, củ sắn mà bà con vẫn gắn bó từ bao đời.
Nhìn những gương mặt chăm chú lắng nghe của chị em trong bản, tôi hiểu rằng, những lời nói đó đã giúp họ ngộ nhận ra nhiều điều, rằng hạnh phúc gia đình, sự bền vững trong tổ ấm gia đình bắt nguồn từ sự thấu hiểu, chia sẻ và sự đồng thuận thực hiện tốt kế hoạch hóa gia đình. Và những “con ong rừng chăm chỉ” ấy – họ vẫn đang ngày ngày làm việc thầm lặng và kiên trì vì sự ấm no, sung túc của bản làng.
Phương Thảo