Hơn 9 năm không được nâng lương
Năm 2010, chị Thái Thị Quỳnh (SN 1988, trú huyện Thanh Chương) được Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương ký quyết định công nhận kết quả trúng tuyển viên chức theo hình thức xét tuyển. Chị Quỳnh được phân công công tác tại Trường Mầm non thị trấn (huyện Thanh Chương) với chức danh kế toán. Cùng đợt với chị Quỳnh có thêm 2 kế toán, 3 giáo viên và 3 nhân viên thiết bị thư viện.
“Chúng tôi là con em thương binh, được xét tuyển công khai, được bố trí công tác đúng chuyên môn. Trong quá trình làm việc, chúng tôi đã đi học nâng cao, có nhiều thành tích trong công tác và chưa từng bị kỷ luật. Thế nhưng không hiểu sao, 9 năm qua chúng tôi không hề được nâng lương, không được hưởng các chế độ thu hút ở vùng đặc biệt khó khăn, dù công tác ở vùng biên giới”, chị Quỳnh cho biết.
Cũng theo chị Quỳnh, từ tháng 3/2018 đến nay, chị và nhiều người khác phải ăn lương thuê khoán như lương bảo vệ trường, lương phải nhận vào cuối tháng, thậm chí là sang tháng sau, chế độ nâng lương tối thiểu theo Nghị định 72/2018/CP cũng không được hưởng. Hơn 9 năm qua, các chị phải sống chật vật với số tiền lương khoảng 2 triệu đồng/tháng.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Hoa cũng được UBND huyện Thanh Chương ra quyết định công nhận kết quả xét tuyển viên chức vào năm 2010, bố trí công tác tại Trường Tiểu học xã Thanh Tường. Chị Hoa phải trải qua thời gian thử việc, mặc dù luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ nhưng không được hưởng các quyền lợi như các viên chức khác.
“Hơn 9 năm qua, chúng tôi đều hoàn thành nhiệm vụ nhưng không được nâng lương và mới đây lại bị chuyển sang hợp đồng giáo viên mầm non với hệ số lương khởi điểm là 1,86 là điều bất công"
Bức xúc không được trả lời thỏa đáng, các giáo viên này gửi đơn cầu cứu đến các cơ quan chức năng. Lúc này, họ mới được thông báo là Quyết định công nhận kết quả tuyển dụng viên chức mà UBND huyện Thanh Chương ký trước đây là sai và các giáo viên này phải hưởng chế độ như lao động hợp đồng và không được nâng lương. Mặc dù vậy, cho đến nay huyện Thanh Chương vẫn chưa ban hành quyết định hủy kết quả tuyển dụng trước đây.
Ông Nguyễn Văn Quế - Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cho rằng, năm 2009, 2010, UBND huyện công nhận kết quả xét tuyển viên chức đối với 9 giáo viên, nhân viên trường học nói trên là sai quy trình và “không chỉ có 9 người này mà vào thời điểm đó huyện Thanh Chương còn tất cả 114 trường hợp tương tự”.
Lý giải nguyên nhân vì sao từ năm 2015, huyện biết là sai quy trình nhưng không thông báo cho các giáo viên, nhân viên này, Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cho rằng: “Nếu thời điểm đó mà hủy thì các cô thất nghiệp hết, lại không ổn định chính trị. Huyện muốn níu kéo lại để tạo điều kiện cho các trường hợp không có bằng cấp sư phạm mầm non đi học mà chuyển đổi dần dần. Còn về việc trong thời gian gần 10 năm qua, các trường hợp này không được nâng lương là do quá trình công tác hưởng lương theo bằng cấp khi ký hợp đồng”.
Cần đảm bảo quyền lợi cho người lao động
Năm 2018, huyện Thanh Chương đã vận động các cô giáo đi học chuyển đổi chuyên ngành sư phạm mầm non. Mặc dù không đồng ý với cách giải quyết của huyện Thanh Chương nhưng các lao động này vẫn đi học chuyển đổi và về công tác tại các trường mầm non trên địa bàn theo sự phân công.
Tuy nhiên sau khi học xong, các giáo viên này bất ngờ nhận được quyết định hợp đồng giáo viên mầm non theo Nghị định 06 của Chính phủ. Về cơ sở nhận công tác, họ còn phải ký thêm một lần hợp đồng nữa với hiệu trưởng các trường rồi mới được bố trí công việc.
Ông Nguyễn Văn Quế cho rằng, khi xếp lương cho các cô giáo, huyện cũng phải xin ý kiến của UBND tỉnh, được tỉnh cho chỉ tiêu. Do đó, với 9 trường hợp này, trong khi chờ tỉnh có ý kiến thẩm định chính thức thì huyện tạm thời phân về cho các trường. Việc kí hợp đồng giữa nhà trường với các giáo viên là để làm cơ sở trả lương cho người lao động, các cô vẫn được hưởng lương từ nguồn ngân sách. Khi nào tỉnh có ý kiến thì các cô vẫn sẽ được hưởng lương theo hệ số, được tăng lương theo định mức.
Trong thời gian này, các cô vẫn hưởng hệ số lương 1,86, bằng hệ số lương ban đầu (thời điểm bắt đầu làm việc theo quyết định trúng tuyển viên chức). Khi nào tỉnh phê duyệt trên cơ sở quá trình công tác, thời gian đóng bảo hiểm… các cô sẽ được truy lĩnh.
Để đảm bảo quyền lợi cho các giáo viên, từ đầu năm 2019 đến nay, huyện Thanh Chương đã 3 lần có công văn gửi Sở Nội vụ và Sở GD&ĐT Nghệ An xin ý kiến về việc xếp lương cho 9 trường hợp này.
Huyện Thanh Chương cho rằng, những người trúng tuyển giáo viên mầm non hợp đồng đều là các giáo viên, nhân viên hợp đồng dôi dư đã có quá trình cống hiến cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo huyện Thanh Chương từ năm 2009 đến nay.
Để ghi nhận quá trình cống hiến, đồng thời đảm bảo đúng chế độ tiền lương, huyện Thanh Chương đề nghị Sở GD&ĐT và Sở Nội vụ, xem xét giải quyết việc xếp lương cho 9 giáo viên này trên cơ sở quá trình công tác, thời gian tham gia đóng bảo hiểm xã hội và trình độ chuyên môn tương ứng qua các thời điểm.
Tuy nhiên, cho đến nay những đề nghị của huyện Thanh Chương chưa được trả lời, giải quyết và quyền lợi chính đáng của các giáo viên này vẫn phải tiếp tục... chờ.
Ngày 10/4, đại diện Sở GD&ĐT Nghệ An, Sở Nội vụ Nghệ An đã có buổi làm việc với UBND huyện Thanh Chương và 9 giáo viên này. Tại buổi làm việc, đại diện cơ quan cấp tỉnh đã lắng nghe, ghi nhận tâm tư, nguyện vọng của các giáo viên để báo cáo, kiến nghị, đề xuất với UBND tỉnh hướng giải quyết nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho các giáo viên trong việc nâng, xếp lương trên cơ sở thời gian công tác.