Năm 1995, ông Sơn xuất ngũ trở về quê hương, vùng quê Thanh Mỹ vốn nổi tiếng “đất cằn sỏi đá”, bao đời quẩn quanh với đói nghèo, thiếu thốn. Không cam chịu nghèo khó, ông Sơn luôn trăn trở, suy nghĩ tìm cách vươn lên thoát nghèo, xây dựng gia đình no ấm.

bna_ong_son_1_anh_cong_kien7773617_662018.jpgNhận thấy tiềm năng phát triển kinh tế trang trại, ông Trần Công Sơn ở xóm 13, xã Thanh Mỹ (Thanh Chương) quyết tâm làm giàu từ chính đồng đất quê hương. Đến nay gia đình ông Sơn đã xây dựng thành công mô hình trang trại tổng hợp với tổng diện tích 25.000 m2. Ảnh: Công Kiên

Chăm chỉ đọc báo, nhất là những bài giới thiệu các mô hình phát triển nông nghiệp, ông nhận thấy quê mình có tiềm năng phát triển trang trại và quyết tâm học hỏi để triển khai. Khi ấy, gia đình có 10.000 m2 đất đồi, vợ chồng ông Sơn vay vốn ngân hàng mua các loại giống cây ăn quả (hồng không hạt, bưởi, ổi...) và phát triển đàn vật nuôi (lợn, gà, vịt), đào ao thả cá.

Gia đình phải mất khoảng 5 năm đầu gần như không có nguồn thu, thậm chí phải bù lỗ, một phần do thiếu kinh nghiệm và kiến thức nuôi trồng. Có lúc vợ chồng ông rơi vào tuyệt vọng khi hàng trăm con gà chết vì dịch bệnh, ba ba chết vì không hợp với nguồn nước.

Hiện tại, trang trại ông Sơn có 250 gốc hồng không hạt đã cho thu hoạch từ 2-3 mùa. Và 350 gốc bưởi cũng đã bắt đầu cho thu hoạch, ngoài ra còn có số lượng khá lớn vải thiều, ổi, thanh long... Ảnh: Công Kiên

Ông Sơn còn tích cực tham gia các lớp tập huấn và tìm hiểu qua các tài liệu phổ biến khoa học kỹ thuật. Nhưng việc áp dụng vào sản xuất không mấy dễ dàng vì điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu có phần khác biệt nên phải chăm chú theo dõi quá trình sinh trưởng, ghi chép từng biến đổi của các loại cây, con để kịp thời có hướng xử lý.

Nhờ vậy, càng về sau hiệu quả kinh tế càng được khẳng định rõ, gia đình bắt đầu có thu nhập từ trang trại. Làm ăn bước đầu có hiệu quả, vợ chồng ông Sơn nhận thầu thêm 15.000 m2 đất hoang và vay thêm vốn để xây dựng hệ thống chuồng trại, mở rộng quy mô sản xuất, chăn nuôi.

Bao năm miệt mài, cần mẫn với công việc, đến nay gia đình ông Sơn có trong tay 250 gốc hồng không hạt và 350 gốc bưởi đã cho thu hoạch, ngoài ra còn có một lượng lớn các loài cây ăn quả khác như ổi, vải thiều, thanh long. Bên cạnh đó, vườn ươm giống cây ăn quả  mỗi năm cung cấp cho thị trường hơn 100.000 cây giống, phục vụ nhu cầu của bà con trong vùng.

 
Mỗi năm trang trại ông Sơn cung cấp cho thị trường hơn 50.000 con gà giống; gần 10 tấn gà thương phẩm, chưa kể trong chuồng luôn có gần 50 con lợn và 3.500 m2 ao thả cá và nuôi ba ba. Ảnh: Công Kiên

Về chăn nuôi, hàng năm trang trại ông Sơn cung cấp cho thị trường hơn 50.000 con gà giống, gần 10 tấn gà thương phẩm. Trong chuồng luôn duy trì gần 50 con lợn giống và lợn thịt để cung ứng cho các gia đình có nhu cầu chăn nuôi và nhà hàng, quán ăn trên địa bàn toàn huyện. Chưa kể 3.500 m2ao nuôi cá và ba ba, vừa phục vụ nhu cầu thực phẩm của gia đình, vừa mang về một nguồn thu đáng kể.             

Những năm gần đây, nhờ phát triển kinh tế trang trại, sau khi trừ chi phí, gia đình ông Trần Công Sơn thu lãi gần 500 triệu đồng/năm. Dự tính, trong vài ba năm tới, con số này sẽ tiếp tục tăng cao, vì lúc ấy các loại cây ăn quả bắt đầu cho thu hoạch với khối lượng lớn.

Thức ăn cho vật nuôi cơ bản được chế biến từ các loại quả được trồng trong trang trại (đu đủ, bầu, chuối...) bằng các loại máy xay, nghiền, đảm bảo chất lượng và quy trình kỹ thuật. Ảnh: Công Kiên

Nguồn thu nhập ngày càng cao, vợ chồng ông Sơn không những trả hết các khoản vốn vay mà còn xây dựng nhà cửa khang trang, sắm sửa tiện nghi phục vụ sinh hoạt và nuôi hai con thành đạt. Gia đình ông trở thành điển hình nông dân sản xuất giỏi và phong trào thi đua ái quốc, được Chủ tịch UBND tỉnh và Hội Nông dân Việt Nam tặng Bằng khen.