Đã 19 năm bóng đá chuyên nghiệp nhưng sân cỏ Việt Nam vẫn có những chuyện không giống ai. Để giải thích, người ta chỉ còn cách nói đơn giản: Bóng đá Việt Nam nó thế!

1. Đang thua 0-1, bước vào hiệp 2 sự cố hy hữu xảy ra khi tiền đạo Wander Luiz mặc nhầm áo đấu số 11 của đồng đội Anh Đức. Trọng tài Đỗ Thành Đệ đã phải yêu cầu cả hai ra ngoài sân để đổi áo khác. Anh Đức có sẵn áo ở khu kỹ thuật nên thay nhanh hơn, còn Wander Luiz phải mất hơn 2 phút chạy vào phòng thay đồ để tìm áo đấu mang số 10. Đúng là chuyên nghiệp kiểu bóng đá Việt Nam!

1346805765_1342019.jpgChiếc thẻ đỏ được trọng tài Công Khanh rút ra "không đúng người" tại BTV Cup. Ảnh: Zing.vn
Cách đây vài mùa bóng, SLNA cũng có chuyện tương tự, lần ấy đến Tam Kỳ để đối đầu với chủ nhà Quảng Nam thì một ngoại binh mới tá hỏa báo BHL quên áo thi đấu ở Vinh. May thay sự việc được dàn xếp ổn thỏa, BTC sân Tam Kỳ đã chấp thuận cho đội khách mặc áo thi đấu sân nhà ra sân thi đấu.

2. Chuyện lạ tiếp theo là “thủ môn quốc dân” Bùi Tiến Dũng nằng nặc xin rời Thanh Hóa để được ra sân nhiều hơn nhằm duy trì phong độ, tích lũy thêm kinh nghiệm. Khi anh nằm trong những nhân tố quan trọng, để cùng U22+2 Việt Nam chinh phục chiếc HCV SEA Games diễn ra cuối năm nay.

Tuy nhiên đã 5 vòng đấu V.League mà thủ thành sinh năm 1977 vẫn dính chặt trên ghế dự bị của Hà Nội. Báo hại, anh có tình huống xử lý sai lầm trong trận đấu thuộc vòng loại U23 châu Á 2020 gặp U23 Indonesia. Trong khi đó, đồng nghiệp như Văn Toản, Văn Biểu đều đã bắt chính ở V.League 2019 và có màn trình diễn ấn tượng. Lạ ở cách chọn “bến đỗ” của Tiến Dũng!

3. Trận đấu trên sân Hàng Đẫy tại vòng 4 vừa qua, Hội cổ động viên SLNA tại Hà Nội bao sân, nghĩa là tự tổ chức bán vé, tránh để phe vé chèn ép. Thế mà trước giờ bóng lăn, không hiểu bằng cách nào mà dân phe vé ở đường Trịnh Hoài Đức vẫn có vé cửa 14 và chào bán 80 ngàn đồng/vé. Thế mà những người dân xứ Nghệ vẫn vui vẻ chấp nhận mua, trong khi đó vé khán đài A chỉ 50 ngàn, ngồi trung tâm lại không hấp dẫn các cổ động viên. Kể cũng lạ! Đôi khi vì yêu, người ta không tính toán.


4.  HAGL thi đấu khá phập phù, một trong những nguyên nhân là kinh phí dành cho đội bóng bị thắt chặt. Trong khi đó, bầu Đức lại nai lưng trả lương cho HLV Park Hang-seo 22.000 USD/tháng. Nếu như năm ngoái, với tư cách Phó chủ tịch Tài chính VFF, hành động đó của bầu Đức còn có thể lý giải được. Nay việc để cho công dân Đoàn Nguyên Đức è cổ chi trả lương của HLV trưởng ĐTQG mà VFF cứ làm thinh, coi bộ cũng lạ. Tại sao khi việc kinh doanh của ông bầu này gặp khó khăn, VFF không chủ động chia sẻ khó khăn với bầu Đức là điều chỉ nội bộ Ban thường vụ VFF biết?

Chiếc thẻ đỏ được trọng tài Công Khanh rút ra "không đúng người" tại BTV Cup. Ảnh: Zing.vn
5. Lâu nay, việc muốn trở thành trọng tài bóng đá không hề dễ, nếu không có dây, thi mãi vẫn…trượt. Ngược lại, nếu quen biết chỉ là ông chủ quán cà phê, có mặt ở vài lớp tập huấn, có sếp nâng đỡ là trở thành “vua sân cỏ”.

Nên mới có chuyện trọng tài Hoàng Phạm Công Khanh từ chối các nhiệm vụ tại Liên đoàn bóng đá TP HCM và liên đoàn đã có công văn thông báo Ban trọng tài và Phòng điều hành trọng tài đề nghị gạch tên nhưng ông vua này vẫn ra sân điều hành các trận đấu V.League.  Đây là ông vua vui tính, với sự cố từng rút thẻ đuổi nhầm cầu thủ Cúp BTV 2013 giữa U23 Việt Nam và đội bóng Bangu Atlestico tới từ Brazil.

Sở dĩ có chuyện ầm ĩ này là theo quy định bắt buộc muốn cầm còi thì các trọng tài phải đăng ký sinh hoạt tại một liên đoàn bóng đá nào đó. Chưa có “nhà mới” nên bất đắc dĩ Ban trọng tài vẫn phải “vận dụng luật” để giải cứu trọng tài Khanh.