(Baonghean.vn) - Đã 70 năm được đứng vào hàng ngũ của Đảng, đều đã hơn 90 tuổi đời nhưng những câu chuyện vợ chồng ông Phan Thanh Đoàn và bà Nguyễn Thị Thanh kể về những tháng ngày oanh liệt, được yêu, được sống trọn vẹn với lý tưởng của Đảng vẫn rổn rảng và đầy hào hứng.
Ông Phan Thanh Đoàn, sinh năm 1921, bà Nguyễn Thị Thanh (sinh năm 1925) hiện sinh sống tại xã Xuân Hòa, huyện Nam Đàn. Hai ông bà nương tựa nhau dưới mái nhà ngói hai gian đơn sơ, giản dị với vườn cây nho nhỏ, chiếc giếng khơi trong vắt.
Trong câu chuyện của đôi vợ chồng già bên mâm cơm đạm bạc có một thời tuổi trẻ sôi nổi, yêu thương nhung nhớ gắn với dặm dài hành quân của ông, chuỗi ngày đi cơ sở của bà.
Ông Phan Thanh Đoàn kể: 25 tuổi ông tham gia đoàn quân Nam tiến làm người chiến sỹ giải phóng quân. Tuổi trẻ phơi phới, ông khoác ba lô ra đi với khát khao được chiến đấu cho độc lập tự do. Ông tham gia đoàn quân Tây Tiến, hành quân qua nước bạn Lào và được kết nạp Đảng 2 năm sau đó tại Mường Mô (Lào).
Năm 1949 trở về quê mẹ Việt Nam, ông Phan Thanh Đoàn được cử đi học Trường quân chính và được bố trí công tác ở phân khu Bình Trị Thiên, thuộc Quân khu 4. Chính tại thời gian này, ông gặp bà Nguyễn Thị Thanh, người vợ, người chiến sỹ, người đảng viên gắn bó với ông suốt cuộc đời.
Nghe ông kể, bà Thanh cười móm mém, giải thích thêm: “Tình yêu tụi tui hồi nớ đơn giản lắm. Nỏ phải gặp rồi ưng chắc trước mô, mà tui với ông Đoàn gặp nhau là nhờ người bà con mai mối, giới thiệu. Thấy ông ấy hiền lành, thật thà nên cũng ưng”.
Còn ông thì lại nhớ rằng mình bị cuốn hút bởi sự nhiệt tình, xông xáo của người con gái đất Nam Anh, một cán bộ làm công tác phụ nữ với dáng người nhỏ nhắn nhưng nhanh nhẹn, hoạt bát và miệng nói tay làm, được bà con, đồng đội tín nhiệm.
Hai ông bà đã dành phần lớn thời gian của cuộc đời cho Đảng, cho sự nghiệp cách mạng của quê hương đất nước, công tác xa nhau biền biệt nên hai người chỉ sinh được 1 cô con gái duy nhất. Lớn lên, con gái ông bà cũng theo nghiệp của mẹ, chị từng là Phó Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ huyện Nam Đàn.
Bà Nguyễn Thị Thanh hiện đã hơn 90 tuổi, đôi tai đã trở nên nghễnh ngãng nên phải nói thật to bà mới nghe rõ. Tuy nhiên, bà lại có đôi mắt tinh tường, vẫn có thể đọc sách, báo mà không cần đeo kính.Vì thế, chiều nào bà cũng đọc báo cho ông nghe. Ông bà vừa đọc báo, vừa bình luận những thông tin, sự kiện, và ông bà chỉ đọc Báo Nghệ An, tờ báo của đảng; thích nhất là đọc các tin tức thời sự, rồi đến tình hình thời tiết và các bài thuốc hay, các kinh nghiệm trong cuộc sống hàng ngày...
Bà Nguyễn Thị Thanh là cán bộ kỳ cựu của Hội LHPN huyện Nam Đàn, từng giữ cương vị Chủ tịch xã, rồi Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ huyện Nam Đàn 9 khóa liên tiếp. Trước Cách mạng tháng Tám 1945 bà Thanh tham gia liên lạc, chuyển tài liệu chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa. Suốt thời gian kháng chiến chống Pháp rồi chống Mỹ, bà là cán bộ phụ nữ tích cực, bám cơ sở vận động chị em và nhân dân hăng hái sản xuất, chuẩn bị lương thực, nhu yếu phẩm phục vụ tiền tuyến, phục vụ các đơn vị bộ đội mỗi khi các anh hành quân qua đất Nam Đàn, Nghệ An. Có lần bà suýt bị trúng bom khi đang đi cơ sở vận động người dân tại rú Tét, xã Nam Anh.
Còn chồng bà, ông Phan Thanh Đoàn cũng không thua kém vợ trong cống hiến, chiến đấu. Ông tham gia nhiều cuộc hành quân suốt dọc dài đất nước, tham gia nhiều chiến dịch, nhiều trận đánh lớn trong kháng chiến chống Pháp; tình nguyện chiến đấu cả ở nước bạn Lào. Sau chiến dịch Điện Biên Phủ 1954, ông được điều chuyển sang công tác ở Công ty vận tải lâm sản. Là người đảng viên gương mẫu, nhiệt huyết với công tác xây dựng Đảng, sau khi về hưu ông Phan Thanh Đoàn vẫn tham gia công tác ở địa phương và đều đặn dự sinh hoạt chi bộ cho đến năm 80 tuổi.
Nói về công tác xây dựng Đảng, về việc tu dưỡng phẩm chất của người đảng viên, ông Đoàn cho biết: “Thời buổi hiện đại, xã hội ngày càng phát triển nên thuận lợi cũng nhiều, nhưng thách thức cũng không hề ít. Những đảng viên thuộc hàng xưa nay hiếm như chúng tôi cũng chẳng còn ở lại với con cháu được bao lâu nữa, chỉ mong thế hệ trẻ hiện nay, đặc biệt là các đảng viên trẻ hãy tích cực trau dồi lý tưởng, sống và làm những việc có ích, có ý nghĩa để phát triển quê hương đất nước. Trẻ dễ tiếp thu, dễ phát triển nhưng cũng dễ sa ngã trước những cám dỗ của cơ chế thị trường, vì thế nên phải hết sức cẩn trọng và tư tưởng phải vững vàng”.
Còn bà Thanh thì cho rằng, thực hiện điều đó “không cần phải nói nhiều, mà hãy thể hiện bằng hành động và kết quả công việc. Mình làm tốt, gương mẫu thì không cần phải nói người khác cũng tự khắc nghe theo, học theo”. Đó cũng chính là kinh nghiệm, là bài học thành công được đúc rút từ chính cuộc đời hoạt động, làm việc của cả hai vợ chồng.
Hoài Thu