(Baonghean) -Đời sống khó khăn, thiếu việc làm, nhiều lao động ở các huyện miền núi như Kỳ Sơn, Tương Dương… đã khăn gói lên đường đi làm ăn xa. Với tâm lý cần việc làm cộng với sự thiếu hiểu biết, không ít người trong số họ đã “sa bẫy” của những kẻ lừa đảo. Họ buộc phải “quăng” thân mình dưới những hầm sâu tìm vàng, lao động như nô lệ để đổi lấy những đồng tiền công rẻ mạt. Cũng có một số người, dù biết nghề đãi vàng vất vả, nguy hiểm nhưng họ vẫn chọn nghề này như một kế mưu sinh.Nghe tin anh Lô Văn Hiền ở bản Khe Quỳnh (xã Xiêng My, huyện Tương Dương) vừa trở về sau tai nạn sập hầm ở bãi vàng huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam, chúng tôi tìm đến nhà hỏi thăm. Vợ anh đang lên núi phát nương. Do vết thương trên đầu và sau lưng chưa lành hẳn nên anh phải ở nhà trông con. Anh kể lại tai nạn xảy ra ở bãi vàng Phước Sơn mà giọng vẫn chưa hết bàng hoàng. Trong khi anh đang khoan đất, tiếng máy khoan ồn ào nên anh không nghe được tiếng đất đá trên đầu đang rung chuyển. Chưa kịp quay lại thì một khối đá rơi trượt phía sau lưng, làm anh ngất xỉu. Mấy ngày sau, anh choáng váng không lao động được. Ông chủ chỉ cho mấy viên thuốc giảm đau mà không một lời hỏi thăm hoặc bồi dưỡng gì. Không chịu nổi cơn đau, anh khăn gói về quê mà không một đồng tiền lương bởi theo hợp đồng, 6 tháng họ mới trả lương một lần. Năm ngoái anh cũng theo người ở ngoài Thị trấn Hòa Bình đi đào vàng được 4 tháng, lương tháng 3 triệu đồng. Cuộc sống của những “phu phen” chủ yếu ở dưới hầm sâu hàng chục mét, cả ngày không nhìn thấy mặt trời. Những cái hàm ếch, đất đá sụt lở thường xuyên.  Mỗi ngày họ phải làm việc 12 tiếng đồng hồ. Cơm ăn thì không đủ no, thức ăn toàn rau với thịt lợn mỡ. Nhiều người mới vào bị ngạt thở vì thiếu khí ôxy.

Chuyện kể của những phu vàng trở về ảnh 1

Anh Lô Văn Hiền nói về tai nạn ở bãi vàng.

Trước đó mấy tháng, cũng ở bản Khe Quỳnh có 6 người thoát chết trở về từ một bãi vàng ở tỉnh Phú Yên là Lô Văn Thành, Lô Văn Thượng, Lữ Văn Chồm, Lương Văn Bút, Lữ Văn Cháu và Lữ Văn Năm. Sau những ngày lao lực, toàn thân đau buốt, Lô Văn Thành xin nghỉ một ngày nhưng chủ bãi vàng nhất quyết không cho. Thành cãi lại, lập tức bọn chúng dùng vòi rồng xịt thẳng vào mặt anh. Khi hết thời hạn 3 tháng, mọi người đề nghị thanh toán tiền công thì bọn chủ vẫn không chịu trả. Không những thế, tên “đầu nậu” còn tuyên bố họ phải làm việc ít nhất 12 tháng mới thanh toán luôn thể. Biết mình đã bị đưa vào “hang cọp”, mọi người quyết định cùng nhau bỏ trốn khi có cơ hội. Vào một hôm mưa to gió lớn, cả nhóm xếp hành lý rồi băng vào đêm tối. Đói khát, mệt mỏi, lại không biết đường ra, mấy anh em phải ăn cây chuối rừng, uống nước suối, mệt không dám nghỉ lâu vì sợ rơi vào tay bọn “đầu nậu”. 7 ngày sau họ mới tìm ra tới quốc lộ để đón xe khách. Cũng theo anh Lô Văn Thành cho biết, hai người bạn của anh ở huyện Kỳ Sơn bị bọn chủ đánh chết trên đường chạy trốn.Đổ xô đi làm phu vàng ở các tỉnh thành khác là một chuyện phổ biến ở các huyện miền núi của Nghệ An. Mặc dù đã được cảnh báo nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng nhiều thanh niên người Thái và Khơ mú vẫn “vắng nhà không rõ lý do”. Hiện, bản Khe Quỳnh còn có khoảng 20 người đang lao động trong các bãi vàng ở khu vực Nam Trung bộ. Đặc biệt, một số bản của xã Bảo Nam, huyện Kỳ Sơn có trên 50% đàn ông “vắng nhà”. Theo anh Moong Thái Nhi, Trưởng phòng Văn hóa huyện Kỳ Sơn, để hạn chế được tình trạng này cần phải tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho bà con, đồng thời sớm đẩy mạnh các mô hình kinh tế, tạo việc làm tại chỗ cho người lao động để họ không còn cảnh tha hương kiếm sống.

Bài, ảnh: Nguyễn Lê